Nhớ Hoàng Trung Thông

T.H.V 12/03/2023 15:46

Nhắc về nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993), mỗi người có thể có những ký ức khác nhau. Nhưng có lẽ, rất nhiều người sẽ nhớ tới những câu thơ vang vọng:

Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp đàn em hớn hở theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về…

Và:

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Đó là những câu thơ đã được trích trong sách giáo khoa bậc phổ thông suốt nhiều chục năm.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), xưa gọi là Thổ Đôi trang, một vùng “đất học” của xứ Nghệ nổi danh cả nước. Nơi đây đã “ươm mầm” biết bao nhân tài trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nổi bật là lĩnh vực văn chương nghệ thuật.

Giới nghiên cứu, phê bình văn học khẳng định ở thời nào và mảng đề tài nào Hoàng Trung Thông cũng có những bài thơ hay, in đậm dấu ấn của cuộc sống.

Năm 2001, nhà thơ Hoàng Trung Thông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, và cuối năm 2022 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tập thơ: “Đường chúng ta đi”, “Những cánh buồm”, “Đầu sóng”, “Tiếng thơ không dứt”.

Năm nay, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ Hoàng Trung Thông, chuyên đề Tinh hoa Việt mời độc giả cùng đọc lại những bài thơ nổi tiếng của ông, và thêm những bài thơ ở chặng cuối của cuộc đời tác giả.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông trong nét vẽ của con trai ông - họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ.

Bài ca vỡ đất

Chúng ta đoàn áo vải

Sống cuộc đời rừng núi bấy nay.

Ðồng xanh ta thiếu đất cày.

Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng

Tháng ngày ta góp sức chung.

Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây.

Ðường xa ta tới đây

Trên đồi cây khát nắng.

Giữa hai dòng suối vắng

Ðoàn ta vui cấy cày.

Bàn tay lao động

Ta gieo sự sống

Trên từng đất khô.

Bàn tay cần cù.

Mặc dù nắng cháy

Khoai trồng thắm rẫy

Lúa cấy xanh rừng.

Hết khoai ta lại gieo vừng.

Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta.

Suối chảy quanh ta

Tiếng suối ngân nga

Hoà theo gió núi

Ta đào mương mở suối

Tuổi ta là những tuổi đấu tranh

Cho dù bạc áo nông binh

Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.

Chim reo trong lá.

Hòn đá cheo leo.

Chúng ta một lớp người nghèo.

Giữa chiều nắng gió.

Ðào cây cuốc cỏ

Tỉa đỗ trồng khoai.

Ngày còn dài

Còn dai sức trẻ.

Cuốc càng khoẻ.

Càng dễ cày sâu.

Hát lên! ta cuốc cho mau

Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Ta vui mùa lúa thơm.

Ta mừng ngày quả chín.

Gửi ra người tiền tuyến

Diệt quân thù, gối đất nằm sương.

Máu ai nhuộm thắm sao vàng.

Mồ hôi ta đổ xuống hàng rau tươi.

Rừng xanh xanh cả máu người.

Còn màu lúa tốt còn tươi áo chàm.

Bao giờ trở lại

Các anh đi

Ngày ấy đã lâu rồi

Xóm làng tôi còn nhớ mã

Các anh đi

Bao giờ trở lại

Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong

Làng tôi nghèo

Nho nhỏ bên sông

Gió bấc lạnh lùng

Thổi vào mái rạ

Làng tôi nghèo

Gió mưa tơi tả

Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi

Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp đàn em hớn hở theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về

Từ lưng đèo

Dốc núi mù che

Các anh về

Xôn xao làng tôi bé nhỏ

Nhà lá đơn sơ

Nhưng tấm lòng rộng mở

Nồi cơm nấu dở

Bát nước chè xanh

Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau

Anh giờ đánh giặc nơi đâu

Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên

Làng tôi thắng lợi vụ chiêm

Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng

Giảm tô hai vụ vừa xong

Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường

Dẫu rằng núi gió đèo sương

So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi

Bấm tay tính buổi anh đi

Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về?

Lúa xanh xanh ngắt chân đê

Anh đi là để giữ quê quán mình

Cây đa, bến nước, sân đình

Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường

Hoa cau thơm ngát đầu nương

Anh đi là giữ tình thương dạt dào

Các anh đi

Khi nào trở lại

Xóm làng tôi

Trai gái vẫn chờ mong...

Minh họa: Hoàng Phượng Vỹ.

Dưới bóng hòe

Dưới gốc hòe

Trưa hè

Ta ngồi nghe

Tiếng ve

ra rả

Ôi cây hòe mùa hạ

Gió đông nam quạt vào hồn ta

Và ta yêu cuộc đời

Dẫu còn bao đớn đau, xót xa, vất vả

Cây hòe xanh thẫm lá

nở hoa vàng.

Ta ngỡ ngàng

như mình còn trẻ

Hãy im

Hãy im

Cây hòe nhé

Thổi cho mát hồn ta

Để ngày mai ta không còn được ngồi

Dưới gốc hòe

Nghe tiếng ve...

Những cánh buồm

Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch,

Sau trận mưa đêm rả rích

Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

Nghe con bước, lòng vui phơi phới.

Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:

“Cha ơi! Sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:

“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,

Sẽ có cây, có cửa, có nhà

Vẫn là đất nước của ta

Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

Cha lại dắt con đi trên cát mịn,

Ánh nắng chảy đầy vai

Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời

Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:

“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi!”

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Mời trăng

Tặng Xuân Diệu

Ðã đến lung linh một ánh trăng rằm

Thu thực thu, trăng thực trăng, trăng nguyệt cầm còn đó

Bạn sẽ cứ sống thêm; cứ làm việc thêm, dù thêm được một năm

Nâng chén thưởng trăng, trăng tỏ.

Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm

Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó.

Thế rồi ta cất chén cùng tri âm

Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm

Một mình ta mời trăng mời bạn

Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm.

Bạn uống rượu lòng ta không thể chán

Ta thương ta, thương người xa thương thầm

Bạn như biết mà không nói hết

Bạn cùng ta chén trước chén sau

Bạn uống cạn thì ta cũng cạn

Tửu lượng ta nào kém ai đâu.

Ta đọc Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu

Bạn đọc Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu. (*)

(*) Tạm dịch: Khuyên anh uống cạn một chén rượu

Cùng tôi quên hết sầu muộn xưa…. (Thơ Đường).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ Hoàng Trung Thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO