“Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” chỉ vỏn vẹn 12 từ mà hàm ý vô cùng sâu xa. Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo cách mạng. Ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 này, cẩm nang làm báo của Bác vẫn còn nguyên giá trị.
Ảnh: Tư liệu.
Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” kể rằng năm 1919, khi ở Pháp, Nguyễn Tất Thành sống với cụ Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường. Tại đây, ngày 18/6/1919, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ký tên Nguyễn Ái Quốc khi gửi Bản yêu sách tới Hội nghị Versailles. Kể từ đây, cái tên Nguyễn Ái Quốc được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Bản yêu sách được báo Dân chúng và báo Nhân đạo (L’Humanite) đăng lên. Ngày 27/6/1919, tại Đông Dương, tờ “Tin thuộc địa” có bài nhan đề: “Giờ nghiêm trọng”. Trong bài viết, bọn thực dân hằn học nói: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng Bản yêu sách của nhân dân để công kích chính sách của Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ họ lại mãi mãi trong vòng nô lệ”.
Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đến tòa soạn báo Dân chúng cảm ơn. Chủ nhiệm báo là ông Jean Longuet (cháu ngoại Karl Marx), nghị sĩ Quốc hội Pháp, bày tỏ sự quý mến và muốn Nguyễn Ái Quốc viết các tin tức ở thuộc địa cho báo. Tại báo Dân chúng, Người làm quen với chủ bút báo “Đời sống thợ thuyền” là Ga xtông Mông mút xô và chính ông này đã dạy Nguyễn Ái Quốc nghề báo.
Từ cộng tác viết báo, chỉ một thời gian sau, ngày 1/4/1922, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc và bè bạn đã ra tờ Người cùng khổ (Le Paria). Số báo được in bằng 3 ngôn ngữ Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Lời nói đầu tuyên bố rõ ràng, tờ báo này “là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”. Tờ báo đã tồn tại cho tới năm 1926 và tổng cộng xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Với tờ báo này, Nguyễn Ái Quốc kiêm cả viết, chủ nhiệm, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và phát hành, vì những người yêu nước ở các nước thuộc địa khác như ở Mangat, Angieri, Mactinich… tuy tham gia báo nhưng đều bận rộn với công việc luật sư, thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên nên họ chỉ có thể góp chút tiền cho báo và mỗi tuần viết một bài báo.
Ngoài tờ Người cùng khổ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã lập ra nhiều tờ báo khác nữa. Trong số đó có tờ Thanh niên ra ngày 21/6/1925 là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Và ngày 21/6 đã được chọn làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Từng viết báo, quản lý báo chí, đào tạo nhiều người viết báo nên sau này, “cẩm nang” mà Bác đặt ra cho các nhà báo Việt Nam rất cụ thể, rõ ràng và sâu sắc và ngắn gọn.
Ta viết cho ai? Tức là đối tượng chính nào sẽ đọc bài báo của mình viết ra? Họ là trí thức, công chức, người lao động hay chỉ đơn thuần là người nông dân vất vả chân lấm tay bùn vừa biết đọc? Chính vì xác định rõ đối tượng đọc báo nên có thể thấy ở mỗi thời kỳ lịch sử, viết cho mỗi đối tượng khác nhau, các bài báo của Bác Hồ đều có cách viết khác nhau, phù hợp với trình độ của người cảm nhận. Ngay từ khi hơn 30 tuổi, Nguyễn Ái Quốc đã viết nên nhiều tác phẩm xuất sắc bằng tiếng Pháp bao gồm chính luận, tiểu phẩm, tạp văn, tùy bút, kịch bản sân khấu… Năm 1966 - 1967, khi sưu tầm tư liệu để hoàn thành cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Jean Lacouture - một nhà báo, nhà văn nhà sử học lớn người Pháp đã thốt lên: “Sự đóng góp của Nguyễn Ái Quốc cho tờ Le Paria rất to lớn, ngày nay đọc lại những bài báo của ông vẫn thấy vô cùng hứng thú. Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba…”. Thậm chí, ngay từ bài đăng báo đầu tiên “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919, Bác đã chuyển thành văn vần theo thể lục bát để chuyển về trong nước cho đồng bào đọc dễ thuộc, dễ nhớ. Đó là bài “Việt Nam yêu cầu ca”.
Từ một nhà báo viết tiếng Pháp sắc sảo khi ở Paris, gần 20 năm, khi về nước, những bài báo của Bác viết trên báo Cứu Quốc lại hết sức ngắn gọn, bình dị, dễ hiểu với số đông người dân thất học. Là người uyên bác, viết báo nổi tiếng, vậy mà Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng khi được Bác giao nhiệm vụ viết bài cho báo Việt Nam độc lập (số 1 ra ngày 1/8/1941) vẫn bị Bác “chê”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: “Tôi đã cố gắng viết thật ngắn, gọn, giản đơn, dễ hiểu, vậy mà trình Bác xem, Bác vẫn bảo: “Gì mà chú nói lòng thòng, rắc rối thế. Xén bớt đi, gọn hơn nữa, chữ nào khó hiểu thì tìm chữ khác”.
Biết rõ viết cho ai xem rồi thì cần rõ tính mục đích viết để làm gì. Vì suốt cuộc đời tập trung làm cách mạng, nên tính mục đích viết để làm gì của Bác rất rõ. Ngày 16/4/1959, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Chủ tịch có một bài nói chuyện quan trọng. Trong đó, Người nêu rõ mục đích viết báo của mình: “Về nội dung viết, các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó”. Ngay số ra mắt, báo Người cùng khổ mà Bác là chủ bút cũng nêu rõ mục đích là “Giải phóng con người” ở các thuộc địa.
Khi đã xác định rõ viết cho ai xem, viết để làm gì thì cách viết như thế nào sẽ trở nên rõ ràng. Trong bài giảng tại lớp chỉnh Ðảng Trung ương ngày 17/8/1953 (sau này in thành sách dưới tựa đề Cách viết) khi nói đến mục Cách viết như thế nào? Bác đã viết một cách nôm na, giản dị: “Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”.
Xin lấy hai ví dụ để thấy rõ đối tượng viết cho ai và viết như thế nào của Bác. Thứ nhất là viết cho tất thảy người dân ít học. Ngày 1/4/1942, trên báo Việt Nam độc lập, Bác viết “Bài ca sợi chỉ”. Bài ca được viết như một chuyện kể. Sợi chỉ tự kể về cuộc đời mình: từ cội nguồn là đóa hoa đến cái bông, đến sợi chỉ và thành tấm vải mỹ miều. Hãy xem lại bài báo bằng thơ với những câu giản dị:
Mẹ tôi là một đóa hoa,
Thân tôi trong sạch, tôi là cái bông.
Xưa kia yếu ớt vô cùng,
Ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời.
Khi tôi đã thành chỉ rồi,
Cũng còn yếu lắm, ăn ngồi không an.
Mạnh gì sợi chỉ con con,
Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng?
Càng dài lại càng mong manh,
Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng?
Sợi chỉ thực sự có sức mạnh, thực sự bền vững khi những sợi ngang sợi dọc hợp lại:
Nhờ tôi có lắm đồng bang,
Hợp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều.
Dệt nên tấm vải mỹ miều,
Đã bền hơn lụa lại điều hơn da.
Đố ai bứt xé cho ra,
Đó là lực lượng, đó là vẻ vang.
Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.
Từ cách viết hình ảnh nôm na như thế, mà 3 năm sau, thế giới sững sờ và được thuyết phục trước bản Tuyên ngôn Độc lập mà Hồ Chủ tịch công bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới. Tuyên ngôn Độc lập trở thành áng văn bất hủ với nội dung khúc triết, hàm lượng trí tuệ cao, tầm nhìn thời đại.
Thứ hai là có ý thức sâu sắc về ngòi bút, về công tác báo chí và tuyên truyền. Năm 1944 khi giao cho Võ Nguyên Giáp thành lập đội quân vũ trang đầu tiên, Bác cũng đặt tên đội quân đó là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Và ngày 25/5/1947, trong lá thư gửi trí thức ở Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, Bác viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những thứ vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà; mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.