Nhớ mẹ khi ở bên mẹ

ĐỖ BÍCH THUÝ 14/05/2023 07:18

Trong ký ức của tôi, mẹ luôn có sức khỏe không tốt, nhưng mẹ cũng chưa lúc nào ngơi nghỉ chân tay. Cho đến tận khi về già, vận động rất kém thì mẹ mới chịu dừng lại.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy và mẹ. Ảnh: NVCC.

1.Mẹ không được học hành. Lúc nhỏ ở quê, thèm đi học lắm. Xin ông ngoại thì ông bảo: Con gái học hành làm gì. Ở nhà làm ruộng, rồi còn lấy chồng. Đến khi mẹ lấy bố tôi, theo bố lên miền núi, sinh con đẻ cái, rồi xin việc làm. Cái việc mà mẹ làm nhất định phải ghi chép, phải cộng trừ nhân chia. Vậy là mẹ tự học. Mẹ đã hoàn toàn tự học để biết chữ, để có thể làm phép tính.

Mẹ trong ký ức của các nhà văn

Ngày 14/5 năm nay là Ngày của Mẹ (Mother's day). Đó là dịp để tất cả chúng ta tôn vinh, tri ân đấng sinh thành. Nhưng quan trọng hơn, đó là ngày để mỗi người trong chúng ta nhớ và nghĩ về mẹ của mình, trở về thăm mẹ, hoặc đơn giản hơn, trở về với những câu chuyện còn vọng vang trong ký ức.

Ai cũng có người một người mẹ để nhớ, để thương, để tôn vinh…

Ai cũng có thể kể những câu chuyện tươi xanh về người mẹ của mình…

Tinh hoa Việt xin giới thiệu những câu chuyện về mẹ được kể bởi 3 nữ nhà văn.

Trong khi vẫn cắp nách hai ba đứa con lít nhít. Sau này khi bọn tôi lớn lên, cả cái làng đấy hầu hết trẻ con đều chỉ học hết cấp hai là cùng, rồi bỏ học. Chỉ riêng nhà tôi là mấy anh em cặm cụi đạp xe xuyên rừng hàng chục cây số để lên cấp ba. Mẹ nói, ước mơ của mẹ là được học hành. Mà suốt đời mẹ không thực hiện được. Thế nên mẹ mong muốn các con thực hiện ước mơ ấy giúp mẹ.

Anh em chúng tôi cứ hồn nhiên lớn lên. Coi cái việc bố mẹ làm lụng vất vả, lo toan cho cả đàn được ăn học là chuyện đương nhiên, mặc kệ hàng xóm láng giềng dèm pha: Không học cũng nghèo mà học cũng vẫn nghèo. Vậy thì tốn tiền của công sức để làm gì?

Cả làng người ta lao đi đào vàng. Bãi vàng mọc ra khắp nơi. Từ chân núi ra đến ruộng vườn, ra đến tận bờ sông. Đâu đâu cũng đỏ ối một màu đất. Nhà nào càng đông con trai càng kiếm được nhiều. Bố mẹ tôi yên lặng, nhất quyết không để đứa nào bỏ học đi đào vàng. Nhà tôi có những lúc xe đạp của dân đào vàng gửi đầy cả vườn. Thì người ta cứ quăng vào đấy, chồng chồng lớp lớp chứ cũng chả có hơi sức đâu mà quản. Bố mẹ tôi vẫn cặm cụi làm lụng, mồ hôi thấm xuống đất. Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của bố mẹ đã thấm xuống khu vườn ấy trong suốt 40 năm trời.

Thế rồi anh em chúng tôi cũng dần theo nhau lớn lên. Y như một bầy chim. Cứng cáp đến đâu thì rời xa cái tổ của mình đến đấy…

2.Năm 1979, cái tết đầu tiên chiến tranh biên giới nổ ra. Lúc ấy cả làng hò nhau đi sơ tán. Nhà tôi có ông bác ở Tuyên Quang nên cũng chạy tuốt một mạch. Có điều, trong chuồng còn con lợn gần tạ chưa bán được. Đì đùng thế ai cũng lo chạy, ai mua. Bố mẹ cắt cử ông anh cả tôi ở lại để… trông con lợn. Chứ không trông nó chết đói mất. Sơ tán ít ngày rồi nghe ngóng tình hình, bố tôi quyết định đưa cả nhà quay lên. Ông anh chạy ra đón, điều đầu tiên là thông báo tình hình… con lợn. Mẹ tôi, cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện ấy vẫn day dứt: Ngộ nhỡ năm ấy có chuyện gì, giả sử một quả đạn pháo nó câu vào, thì mẹ sẽ ân hận cả đời.

Mẹ tôi sống dè sẻn. Suốt đời mẹ chưa bao giờ tiêu hoang một thứ gì, nhất là cho bản thân. Mẹ bảo, sợ nhất là nợ nần. Ám ảnh nhất trong suốt cuộc đời nghèo khó, chính là nợ nần. Gần đây, tôi chở bố mẹ đến thăm một bà lão ngày xưa là hàng xóm. Đã hơn 40 năm các cụ mới tìm lại được nhau. Bà hàng xóm ấy đã yếu lắm, không đi lại được. Nhìn thấy bố mẹ tôi đến là bật khóc. Mẹ tôi nắm tay bà nói, tôi không bao giờ quên, lúc khó khăn nhất tôi đã luôn có cô. Là bà lão ấy, ít tuổi hơn mẹ tôi, đã luôn cho mẹ vay gạo, vay tiền khi nhà khốn khó. Vì sợ nợ nần, làm phiền người ta, mẹ lúc nào cũng lo phòng thân. Cho đến bây giờ, đã hơn 80 tuổi, cái suy nghĩ phải phòng thân vẫn ám ảnh mẹ. Cho dù anh em chúng tôi đã trưởng thành cả, đã đủ khả năng để lo cho bố mẹ dù có bất kì điều gì xảy ra.

3.Tôi có cảm giác, suốt cuộc đời mẹ là những cuộc chờ đợi. Mẹ kể, khi anh cả tôi đi học đại học ở Hà Nội. Ngày đầu tiên anh về nhập trường, nhà nghèo, chỉ đủ tiền thu vén cho anh mang đi chứ bố mẹ cũng không thể đi theo được. Mà anh tôi lúc ấy, thanh niên miền núi 18 tuổi, lơ ngơ biết gì đâu. Để về Hà Nội, anh phải lên thị xã từ nửa đêm để đi xe khách, chứ không được bắt xe dọc đường như giờ. Tức là đi ngược lên, rồi lại đi xuôi qua nhà về Hà Nội. Từ lúc anh ra khỏi ngõ là mẹ thức trắng, rồi căn giờ xe khách gần ngang qua thì ra ngõ đứng chờ. Chờ chỉ để nhìn thấy thằng con trai mãi mãi bé bỏng của mẹ ngồi yên trên xe, thò cổ ra chào.

Rồi đến anh thứ hai đi học xa, rồi đến tôi cũng đi học xa. Rồi chúng tôi lấy vợ lấy chồng. Cứ lần lượt tách ra khỏi mẹ. Mẹ từng ngày một mong ngóng con về, cháu về. Lại tiếp tục cái việc “để dành đợi chúng nó về”.

Cuộc đời con người ta thường phải chịu những cú xoay vần ngoài tầm kiểm soát, không lường trước được. Bố mẹ tôi, về già, cuối cùng lại làm một điều chưa bao giờ ông bà nghĩ đến: Rời bỏ miền núi về Hà Nội. Điều tôi lo lắng nhất chính là, làm sao để các cụ có thể thích nghi với đô thị chật hẹp, bí bách, ồn ào, hiếm hàng xóm láng giềng. Thế mà cả bố cả mẹ tôi đều thích nghi được. Hẳn đấy phải là một nỗ lực vô cùng lớn, mà cái căn cớ, cái lý do, cái động lực để hai cụ cố gắng, chính là không muốn con cháu phải lo lắng, bận tâm đến mình. Chỉ cần muốn, nhất định sẽ làm được.

Tôi luôn thấy nhớ mẹ, cho dù ở ngay cạnh mẹ. Tôi nhớ mẹ của những năm xa xưa, nghèo khó vất vả, bòn nhặt từng đồng lẻ để nuôi anh em chúng tôi khôn lớn. Tôi nhớ mẹ đứng bên bờ rào vườn rau, trên tay vẫn cầm mấy củ su hào vừa nhổ, ngạc nhiên khi thấy tôi bình bịch chạy từ ngoài đường ô tô vào. Tôi thường bất thình lình về nhà mà không báo trước. Tôi sợ mẹ sốt ruột, và tôi cũng muốn mẹ bất ngờ. Nhưng bố tôi bảo, mẹ luôn có linh cảm rất kì lạ. Đêm trước mẹ vừa nói: Tôi cảm thấy cái Thuý nó sắp về ông ạ. Thì y như rằng hôm sau tôi lao về nhà.

Tôi nhớ mẹ, nỗi nhớ khiến tôi hạnh phúc và biết ơn cuộc đời vì đã cho tôi làm con của mẹ, vì tôi luôn có mẹ trong mọi ngả rẽ của cuộc đời.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ mẹ khi ở bên mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO