Nhớ một chuyến lên Tây Nguyên

Trần Thanh Phương(Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phụ trách phía Nam) 22/06/2019 08:00

Ngày 20/4/1976, tôi được Ban Biên tập phân công lên Gia Lai - Kon Tum viết bài và đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội. Lần này lên Tây Nguyên, tôi cầm công văn đánh máy rất trang trọng chứ không phải giấy giới thiệu in sẵn. Nội dung công văn như sau:

Nhớ một chuyến lên Tây Nguyên

Lễ mừng cơm mới của bà con dân tộc Tây Nguyên Ảnh: T.L.

Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Độc lập - Dân chủ - Hòa bình - Trung lập

Kính gửi: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Cách mạng và Ty Bưu điện tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Để tuyên truyền kịp thời cho ngày bầu cử Quốc hội chung của cả nước 25/4, chúng tôi xin giới thiệu đồng chí Trần Thanh Phương là phóng viên báo Giải Phóng được phân công đến tỉnh Gia Lai - Kon Tum để lấy tài liệu phản ánh không khí đi bỏ phiếu của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào tỉnh nhà.

Chúng tôi tha thiết mong Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Cách mạng và Ty Bưu điện tạo mọi điều kiện để cho đồng chí Trần Thanh Phương gửi được tin tức, bài vở bằng phương tiện nhanh nhất về thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 23/4/1976, Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Gia Lai - KonTum, đã ghi bên cạnh công văn trên: “Bưu điện Gia Lai - Kon Tum tạo điều kiện cho đồng chí Phương gửi tin, bài về thành phố Hồ Chí Minh bằng phương tiện nhanh nhất”. Đóng dấu đỏ và ký tên Đức.

Như chưa yên tâm, cùng ngày, Ban Bầu cử của tỉnh lại trao cho tôi giấy giới thiệu xuống thị xã để “…nắm tình hình viết bài, đưa tin nhằm phản ánh màu sắc dân tộc, những nét phấn khởi, vui tươi của nhân dân Kinh cũng như Thượng đối với ngày Hội lớn của dân tộc. Nếu có điều kiện, xin các anh giúp cho nhà báo Phương gặp trước một vài cử tri là người dân tộc (người già nhất và người 18 tuổi), người có thành tích tốt…

Thay mặt Ban bầu cử, Phó ban: Nguyễn Tấn Đức”.

Như vậy là tôi đã có “cây gậy” khá chắc để tác nghiệp. Tôi tìm phỏng vấn một vài người trong thị xã Kon Tum, sau đó tôi đi vào một số buôn ven thị xã. Bà con ở đây rất nghèo, phần lớn là dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng…, còn nhiều tục lệ hết sức lạc hậu.

Lãnh đạo tỉnh bố trí chỗ nghỉ cho tôi ở nhà khách của Ủy ban nhân dân Cách mạng, nhưng tôi nhận xong, để đó, tôi đi vào ăn nghỉ ở nhà dân là chính. Mọi thứ rất cực. Nhưng tuổi 35, 36 của tôi lúc bấy giờ coi khó khăn nhẹ tựa như “lông hồng”. Sống và “ba cùng” với bà con, tôi nghe họ nói chuyện rất hay mà nhà báo, nhà văn có tài thánh cũng không thể nghĩ ra.

Mấy tháng trước, cuối năm 1975, tôi đã có chuyến công tác 10 ngày ở Đắk Lắk, thu thập được khá nhiều tài liệu, viết một bài hơn 3.000 chữ với tựa đề “Ánh mắt miền đất đỏ”, đăng hai kỳ ở báo Giải Phóng, số ra ngày 20 và ngày 21/12/1975. Lần ấy, chỉ đi thăm thú một vài di tích và cảnh đẹp ở đây.

*
* *

Tôi đến nhà riêng thăm ca sỹ Kim Nhớ (tên thật là Y Đuôi), dân tộc Hrê. Quê chị ở huyện Sơn Hà (Nghĩa Bình), nhưng về sống ở Kon Tum, đang công tác ở đoàn Đam Sang. Chị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 12 tuổi, làm liên lạc dẫn đường cho cán bộ.

Kim Nhớ kể rằng: Chị rất tự ti, nghĩ rằng mình người dân tộc, chắc không làm nghệ thuật được, nhất là ca hát, thế là chị phải ra sức tập. Tập hát rất vất vả, phải tự mình bóp miệng mình sao cho tròn khi phát âm, rồi cách lấy hơi như thế nào cho nhiều. Cực lắm. Chị rất thèm mỡ, nhưng cũng không dám ăn.

Chồng Kim Nhớ là Đinh Văn Bào, cũng người dân tộc Hrê. Anh là bộ đội ở Sư đoàn 308. Anh Bào gặp Kim Nhớ ở Trường Dân tộc Trung ương. Anh đã giúp đỡ chị rất nhiều công việc gia đình, con cái để chị chuyên tâm ca hát.

Kim Nhớ gặp Bác Hồ nhiều lần, lần nào chị cũng hát, cũng khóc vì cảm động. Có lần chỉ có chị và một anh đánh đàn đến hát Bác nghe. Bác bảo: “Cháu hát bài ca dân tộc, Bác nghe được”. Những lần gặp Bác, chị không bao giờ quên.

Trong những năm Tây Nguyên chưa được giải phóng, giọng hát của Kim Nhớ đã góp phần động viên đồng bào, chiến sỹ đang chiến đấu và lao động sản xuất. Ngày miền Nam giải phóng, chị về thăm quê, bỗng một phụ nữ đến ôm chị mà khóc rưng rức: “Kim Nhớ! Chị Kim Nhớ ơi! Chồng tôi nghe chị hát ở Đài Phát thanh Hà Nội, mà chồng tôi bỏ súng không thèm đi lính cho Mỹ, cho chế độ Sài Gòn. Gia đình tôi sum họp là nhờ cách mạng, nhờ Kim Nhớ. Chúng tôi cảm ơn Kim Nhớ lắm!”. Trước đây, tên Đinh Ngô, một tên ác ôn khét tiếng ở huyện Sơn Hà đã từng tuyên bố với đồng bào trong vùng: “Ai bắt được con Kim Nhớ, chúng tao thưởng vàng!”.

Có lẽ, những câu chuyện trên là một phần thưởng rất quý đối với cuộc đời làm ca sỹ của chị.

Hôm tôi đến thăm, cả nhà rất vui. Trong bữa cơm, tôi hỏi cháu Đinh Kim Thương, 4 tuổi, con gái út Kim Nhớ, rằng lớn lên, cháu làm nghề gì để nuôi mẹ? Cháu hồn nhiên nói không hề do dự:

- Con làm nghề báo như bác Phương!

Cả nhà cười vang. Còn tôi thì sững sờ. Rõ ràng chắc không ai dạy cháu nói câu ấy. Và cháu cũng chẳng nịnh tôi (và chắc cũng không biết nịnh). Tại sao đứa bé 4 tuổi, trả lời câu hỏi của khách rất “ngoại giao” hay đến vậy?
Tôi đã viết xong tin, bài về bầu cử gửi về thành phố Hồ Chí Minh, từ thị xã Plây Cu, ngay chiều chủ nhật 25/4/1976, để báo đăng vào số ngày mai. Tôi thấy người nhẹ nhõm, thoải mái.
Một trong những ấn tượng nhất của tôi trong ngày bầu cử là thị xã Plây Cu thức dậy từ rất sớm trong tiết trời còn lành lạnh. Đường phố nhiều hàng thông cổ thụ ở đây vốn đã đẹp, sáng chủ nhật hôm ấy càng đẹp hơn với sắc cờ và sắc trang phục của cử tri người dân tộc. Hơn 30 điểm bỏ phiếu trong thị xã được trang hoàng rất sặc sỡ. Tôi có mặt tại điểm bỏ phiếu 45, gặp vợ chồng chị Rơ Ty và anh Siu Mun, dân tộc Ba Na. Anh Siu Mun cầm tay tôi lắc lắc:

- Người dân tộc chúng tôi nghèo lắm! Bây giờ được đi bầu cử, vợ chồng tôi rồi sẽ bớt nghèo, bớt khổ, phải không nhà báo?

Tôi cảm động gật đầu trả lời anh:

- Chắc chắn như vậy! Chắc chắn như vậy!

Bà con người dân tộc nói rất hình ảnh, rất thật lòng, rất hồn nhiên. Chị Rờ Rách Lúp, dân tộc Gia Rai, vừa cười vừa kéo tay áo chặm chặm ở khóe mắt:

- Phải chi cho người Gia Rai chúng tôi được ra Thủ đô Hà Nội bầu, tôi sẽ bầu Bác Hồ Chí Minh vô Quốc hội. Tuy Bác đã mất, nhưng hồn Bác vẫn còn lo việc nước, việc dân… chớ đâu phải mất là hết!

Trời ơi, đâu đâu bà con cũng nhắc tới Bác Hồ! Đâu đâu bà con cũng gửi gắm, cũng tin vào chế độ mới. Cách mạng không đem lại đời sống no ấm cho nhân dân là có tội lớn lắm.

*
* *

Sáng hôm sau, tôi xếp hàng mua vé xe đò về lại thành phố!

Xe chạy được hơn 30 phút thì đột ngột dừng lại tại một đoạn đường vắng, không có dân cư. Trong xe có người nói: “Hình như Fun rô?”. Tôi hơi gai gai người: Mình là nhà báo, là cán bộ chính cống, gặp bọn này sẽ phiền phức lắm đây, nhất là chúng hỏi đến giấy tờ.

Một tên lên xe, bằng giọng dọa dẫm, gọi tất cả hành khách xuống. Hai tên đứng bên vệ đường, nhìn từng người bước xuống. Cả ba tên để tóc dài, quăn tít, da ngăm đen, tuổi chừng trên dưới ba mươi. Sau khi hành khách xuống hết, hai tên nhanh chóng bước lên xe, lục soát hành lý. Chúng chỉ lấy những thứ gì ăn được, như bánh mì, đường, bắp, đậu…

Xuống xe, chúng hỏi giấy tờ từng người. Hầu hết bà con đưa thẻ cử tri vừa mới đi bầu hôm qua cho chúng xem. Chúng không nói gì. Riêng tôi, chúng không hỏi giấy mà nhìn từ đầu đến chân. Bà con hành khách ái ngại cho tôi. Tôi thì sợ ai đó buột miệng nói “ông này là nhà báo” thì coi như rồi đời.

Một tên hỏi tôi:

- Ông người dân tộc gì?

- Tôi người Kinh.

- Không đúng!

- Tôi người dân tộc Kinh thiệt!

- Người Kinh sao tóc quăn, da đen, giống bọn tao?

Tôi muốn bật cười:

- Thì chúng ta đều là người Việt Nam. Người giống người.

- Ông làm ăn ở đâu?

Nghe nói tới hai chữ “làm ăn”, tôi rất mừng, coi như trong tôi không còn báo chí, chữ nghĩa gì hết. Và không hiểu sao, lúc bấy giờ nông trường chè Bàu Cạn mà tôi đã đến viết bài lần trước, lại đến với tôi:

- Ở nông trường chè Bàu Cạn, trên Kon Tum!

- Nông trường của quốc doanh hả?

- Tôi là người làm mướn, không biết là của ai. Họ mướn thì tôi làm. Kiếm tiền nuôi vợ con.

Ba tên nhìn nhau, nói những câu bằng tiếng dân tộc. Tôi không biết chúng trao đổi nhau những gì. Sau đó, chúng hất tay, ra hiệu cho mọi người lên xe.

Xe chạy rồi, tôi mới biết mình thoát nạn. Chúng bắt tôi dẫn vào rừng rất dễ dàng, nhưng sau đó thì thật là phiền. Tính mạng tôi, tôi không lo lắm, nhưng còn cơ quan, còn Hương sẽ như thế nào? Biết nơi nào mà tìm tôi?
Một bà có tuổi trong xe, ngoái lại như chúc mừng tôi:

- Cũng may, xe ta gặp bọn này chỉ kiếm ăn, chứ không hung dữ như bọn Fun rô chính cống. Còn chú nhà báo này thoát nạn vì tại bề ngoài chú giống bọn nó, nó mới buông. Chứ thanh niên bảnh trai như chú, chúng dễ bắt làm con tin lắm.

Rồi bà cười, trêu chọc tôi:

- Tóc quăn, da đen nhiều khi cũng có lợi, phải không chú.

Trong xe có nhiều tiếng cười.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ một chuyến lên Tây Nguyên