Tối ngày 20/3, tạp chí Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2017. Tỷ phú Amancio Ortega, ông chủ của hãng thời trang nổi tiếng thế giới Zara, Tây Ban Nha đứng vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất với tổng tài sản 71,3 tỷ USD.
Năm 2016 trong cuốn sách về cuộc đời của mình, Amancio Ortega đã tiết lộ bí mật giúp ông thành công rực rỡ đó là việc “bám sát nhu cầu thị trường”, bởi “phát triển hoặc chết”.
Ảnh minh họa.
Xuất thân từ một ngành bán lẻ, một doanh nghiệp nhỏ được thành lập vào năm 1975, song đến nay Zara lại trở thành tập đoàn top đầu thế giới. Bám sát nhu cầu thị trường được ông Amancio Ortega nhắc đến chính là hơi thở của triết lý kinh doanh.
“Nhỏ, li ti, hay manh mún” là những cụm từ được nhắc đến khi nói về doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Gọi là nhỏ nhưng không hề nhỏ khi chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam.
Nhất là trong điều kiện một nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta với tổng kim ngạch thương mại hai chiều cộng với tổng vốn đầu tư (trong đó cả đầu tư nước ngoài)… gấp 1,7 lần GDP.
Trong một con số ấn tượng như thế, thì 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đóng góp cho GDP 49% và khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội; tạo ra khoảng 45% tổng số việc làm trong khu vực doanh nghiệp.
Một thực tế là tuy đông về số lượng nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn yếu về “chất”. Yếu từ năng lực tài chính, vốn nhỏ dẫn đến phạm vi hoạt động hẹp và kết quả là sức khỏe yếu.
Cuối tuần qua công bố của Tổng cục Thống kê đã thực sự sốc: 18.900 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, phá sản trong chỉ 2 tháng đầu năm.
Nghĩa là tính bình quân mỗi ngày có tới 315 doanh nghiệp buộc phải “khai tử”. Sự khai tử của 18.900 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 2 tháng khiến nền kinh tế đất nước mất khoảng 23.600 tỷ đồng.
Nhìn vào sức khỏe của 97% doanh nghiệp của Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đỗ Hoài Nam từng than phiền: Hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có rất nhiều nhưng thực tế họ không thụ hưởng được, họ không nhìn thấy mình trong các chính sách đó, nên khó tổ chức thực thi pháp luật.
Trong khi lại có quá nhiều bằng chứng chứng minh doanh nghiệp phải chi phí không chính thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khó có thể chấp nhận 97% cần nguồn lực phát triển thay vì nhận hỗ trợ theo kiểu “dàn đều”, phân tán, li ti từ các chính sách. Đó cũng là sự trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp khi người đứng đầu Chính phủ đã đề cập đến phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất là không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế. Nó có ý nghĩa như một sự cởi trói cho doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ thế giới cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-99%), được xác định là “động lực tăng trưởng”, của nền kinh tế.
Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ đều coi trọng vai trò của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thậm chí ở một số quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Hiến pháp như Hàn Quốc, Đài Loan. Còn ở ta chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị phân tán, manh mún, thì sự hỗ trợ của Nhà nước với vai trò “bà đỡ” bằng việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào lúc này là cấp thiết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa “khai sinh đã khai tử”.
Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Lần đầu tiên Đảng ta khẳng định chủ trương: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Điều này cho thấy, Đảng ta đã nhận thấy rõ trong phát triển kinh tế, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân là một xu thế tất yếu, là một kênh quan trọng giúp Nhà nước thực thi nhiệm vụ kinh tế đã đề ra.
“Gia nhập và rút khỏi thị trường; tín dụng- tài chính; công nghệ; mặt bằng sản xuất; xúc tiến và mở rộng thị trường; mua sắm công; thông tin và tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ”-đó các nội dung nằm trong 11 nhóm nội dung được đề cập thẳng thắn trong dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được lấy ý kiến và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5 tới. Đó cũng là những vấn đề hết sức cụ thể được trên 50 ngàn doanh nghiệp bày tỏ mong muốn trong một cuộc khảo sát mới đây.
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VCCI Vũ Tiến Lộc từng đề cập thẳng thắn: Nếu doanh nghiệp Việt Nam cứ nhỏ lẻ, tiểu nông, không minh bạch thì rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, khó tạo ra năng suất, hiệu suất cao và khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt.
Chúng ta không thể chậm trễ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông Vũ Tiến Lộc: “Có 2 việc cần làm ngay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ nhất là cần có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp. Thứ hai là chi phí vốn”.
Quan tâm đến 97% doanh nghiệp “nhỏ bé, li ti” của Việt Nam hiện nay không chỉ bởi vì cộng đồng doanh nghiệp này đang bị “yếu thế” tuy được trải thảm nhưng dưới có lớp đinh dày; hay đến năm 2020 cả nước phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp, mà xem phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là chiến lược quan trọng của quốc gia trong phát triển kinh tế đất nước.
Để con số 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ tăng lên trong thời gian tới, rất cần những chính sách chăm lo cho số doanh nghiệp hiện có, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.