Khi tôi làm biên tập cho báo “Tiếng Dân” (với bút danh là Vân Đình, hoặc Hải Thanh) do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập, được tiếp xúc nhiều với Cụ, vì thế tôi rất biết chính kiến của cụ Huỳnh - một chí sĩ đầy khí phách, không dừng bước trước mọi gian nguy, sẵn sàng đem cả tính mệnh ra cứu nước.
Các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà được cử tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I, ngày 3/11/1946. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (ngoài cùng bên phải, hàng đầu tiên) được giao trong trách Bộ trưởng Nội vụ.
Những người trong phong trào Duy Tân thời ấy, ý kiến tuy có chỗ khác nhau nhưng đều cho rằng dân ta sở dĩ phải khổ sở như vậy là do bọn tham quan ô lại. Vì vậy, nếu diệt trừ được bọn tham quan ô lại, nói rõ sự thật cho chính phủ Pháp, đem nền văn minh mà cải hoá đất nước thì cũng có thể đi đến tiến bộ. Đó cũng là tâm niệm của cụ Huỳnh cũng như nhiều chí sĩ yêu nước cùng thế hệ ông. Khi tôi tham gia hoạt động trong chi bộ báo “Tiếng Dân”, dù tư tưởng khác nhau nhưng biết chúng tôi là những người cộng sản, có lần Cụ nói với tôi: Cậu là một thanh niên thông minh, yêu nước, nhưng các cậu chưa từng trải cho nên chưa hiểu rằng chủ nghĩa Bôn-sê-vích thì không hợp với nước ta. Mặc dầu nói như vậy, nhưng vì lòng yêu nước, cụ vẫn giúp những người cộng sản chúng tôi hoạt động.
Lúc bấy giờ để tờ báo có thể tố cáo được chế độ thực dân tôi đã viết nhiều bài cho báo “Tiếng Dân” mà trong đó có bài từ đầu chí cuối bị kiểm duyệt hết. Thí dụ như bài về 29 công ty tư bản ở Việt Nam gọi vốn hơn một triệu đồng trong đó người Việt Nam chỉ có một thôi. Sau khi in ra, trên báo kể tên những người góp vốn thì bài báo bị kiểm duyệt. Rất khảng khái cụ Huỳnh nói rằng bài này bị kiểm duyệt, ta không lấy bài khác thay vào mà cứ để trang báo trắng như vậy. Nhiều tin tức về Xô-viết Nghệ Tĩnh, hay về các chiến sĩ cộng sản bị bắn, khi báo đăng bị kiểm duyệt cắt bỏ, tin tức bị xoá thì cụ chỉ thị là cứ để giấy trắng. Vì vậy báo “Tiếng Dân” nhiều lúc phát hành để một nửa trang hay một phần ba trang trắng. Điều ấy khẳng định cụ có chính kiến riêng, nhưng là người yêu nước, cho nên chúng tôi vẫn làm việc vui vẻ và có kết quả trong báo “Tiếng Dân”. Nhiều bài theo chỉ thị của Trung ương, các đồng chí viết để phổ biến chủ nghĩa Mác bằng lời lẽ cổ phong ở trong báo thì cụ vẫn để đăng.
Biết cụ Huỳnh là con người như vậy, cho nên hoàn cảnh nước ta sau Cách mạng Tháng Tám gặp khó khăn, các đảng phái đối lập đề ra việc thành lập Chính phủ liên hiệp có thành phần Việt Minh và thành phần Việt Quốc, Việt Cách với hai bộ chính là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phải cử người trung lập đứng đầu thì tôi có đề nghị với Bác Hồ và anh Trường Chinh là nên mời cụ Huỳnh vào làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi nhận bức thư mời thứ nhất, cụ Huỳnh chưa trả lời, đến bức thư thứ hai thì cụ đồng ý ra Bắc nhưng không mang theo hành lý mà dự định ra gặp Bác Hồ rồi cụ sẽ trở vô. Khi gặp nhau, Bác Hồ đã nói chuyện với cụ Huỳnh suốt một giờ đồng hồ và đã thuyết phục được cụ Huỳnh ra gánh vác việc nước. Sau khi gặp Bác Hồ, cụ Huỳnh có nói một câu rằng: “Đã gặp tri kỷ, tiếc rằng khi gặp tri kỷ thì tuổi đã già”... Dù vậy, cụ vẫn ra làm việc. Đó cũng chính là tấm lòng cụ Huỳnh với dân với nước, với Bác Hồ vậy.
Trong thời gian Bác Hồ đi Pháp giao cho cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước thì những đảng phái Việt Quốc, Việt Cách hoành hành mạnh ở Thủ đô Hà Nội. Lúc đó, vì còn quân Tưởng, cho nên bộ đội ta đóng ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai. Trong Chính phủ liên hiệp có “Quân sự uỷ viên hội”, tôi được cử làm Chủ tịch Quân sự uỷ viên hội, còn Vũ Hồng Khanh thủ lĩnh Quốc dân đảng được cử làm Phó chủ tịch. Trước khi đi Bác Hồ có bàn với cụ Huỳnh việc giao quyền Chủ tịch nước cho cụ và để lại cho cụ mấy chữ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì biết tình hình sẽ rất khó khăn. Trong báo chí công khai chỉ nói chừng ấy, nhưng tôi xin nói thêm rằng lúc Bác Hồ nói với cụ Huỳnh câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” thì cả tôi và anh Trường Chinh đều có mặt. Bác Hồ dặn chúng tôi: Các chú ở nhà làm sao mà Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương làm việc phải bàn bạc, thuyết phục, không có cái gì được ép buộc. Phải làm sao cho cụ đồng tình để cùng làm việc thì mới đạt kết quả tốt được.
Như vậy đi đôi với việc giao quyền cho cụ Huỳnh, Bác Hồ hết sức coi trọng sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, những công việc báo cáo với cụ Huỳnh đều được bàn bạc trước ở trong Thường vụ dưới sự chỉ đạo của anh Trường Chinh. Lúc bấy giờ rất may mắn cụ Huỳnh là người yêu nước và chuộng công lý cho nên khi xảy ra vụ Ôn Như Hầu là cụ quyết liền. Nếu không có chứng cớ rõ ràng mà bắt Việt Quốc, Việt Cách thì không làm được mà còn ảnh hưởng đến Mặt trận. Ngay một số người nào đó trong Mặt trận cũng chưa chắc đã tán thành. Nhưng công an ta lúc đó có anh Lê Giản và anh Nguyễn Tạo lo tìm được chứng cớ. Khi chúng tôi có chứng cớ báo cho cụ Huỳnh rằng ở phố Ôn Như Hầu (ngày nay là phố Nguyễn Gia Thiều) đang in truyền đơn phản động và có vấn đề bắt cóc, hối lộ, tống tiền, thủ tiêu... thì với tinh thần khảng khái của người yêu nước, chuộng công lý, cụ cầm ba-toong đập xuống đất một cái và nói: Phải diệt chúng nó, bọn này là bọn phản quốc. Thế là cụ tán thành xử lý vụ Ôn Như Hầu... Hồi đó nhiều đồng chí, đồng bào ta bị bắt, bị giết, bị chôn ở trong đó. Chúng tôi bàn ở trong Thường vụ và ở trong Quân uỷ Trung ương quyết định phải tiêu diệt bọn Quốc dân đảng ở Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai và cụ Huỳnh đồng ý.
Như thế trong khi Bác Hồ đi vắng, ở nhà giải quyết được mối đoàn kết chung, kiên quyết tiêu diệt bọn phản động, không phải chỉ vụ Ôn Như Hầu mà tiêu diệt toàn bộ quân của Việt Quốc, Việt Cách từ Vĩnh Yên cho đến Yên Bái, Lào Cai. Đến khi Bác Hồ về thì mọi việc đã được giải quyết. Ngày 29/5/1946, thời gian này, nhằm mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã ra đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Hội trưởng và Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã cùng với Mặt trận Việt Minh huy động sức mạnh của nhân dân làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng còn non trẻ và đối phó có hiệu quả với thù trong, giặc ngoài, để vượt qua thử thách trước tình thế cách mạng và vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc. Lúc tham gia gánh vác công việc của đất nước thì tuổi cụ đã cao và thời gian cũng ngắn, nhưng cụ Huỳnh đã để lại cho chúng ta một thực tiễn sinh động về thành công trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Mặc dù lúc bấy giờ Đảng đã rút vào hoạt động bí mật. Về chiến lược chúng ta rất vững vàng, nhưng về sách lược lại rất mềm mỏng, kể cả trong cách làm. Và công lao của cụ Huỳnh đối với đất nước, với dân tộc là rất lớn.
Điều cuối cùng tôi muốn nói về tấm gương cụ Huỳnh, bài học lớn của cụ Huỳnh, cùng với bài học của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh. Cụ Phan Bội Châu như Bác Hồ đã nói là thiên sứ đi thức tỉnh đồng bào và đã tán thành Nguyễn Ái Quốc để đi đến CNXH. Cụ Phan Châu Trinh đến lúc vận nước lâm nguy thì thấy rằng vận mệnh nước nhà lúc này là do Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm. Huỳnh Thúc Kháng thì không những có chuyển biến về tư tưởng. Như vậy là do yêu nước thương dân, thực sự muốn mang hạnh phúc tự do đến cho mọi người, mà cuối cùng cũng đi đến cộng tác với Hồ Chí Minh. Như vậy con đường chủ nghĩa yêu nước chân chính, yêu nước thương dân mang lại tự do độc lập thống nhất cho dân tộc, cho thời đại, hạnh phúc cho nhân dân thì ở nước Việt Nam ta quy luật là đi đến với CNXH. Tấm gương cụ Huỳnh Thúc Kháng và các nhà yêu nước khác càng chứng tỏ sự đúng đắn của con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Cho nên Đảng ta càng tin tưởng, dân ta càng tin tưởng vào đường lối của Đảng, mà đường lối đó đã đưa chúng ta đến thắng lợi ngày nay.