Văn hóa

Nhóm Đàn Đó: Sức hút từ sự khác lạ

Hà Thành 09/11/2024 11:22

Hành trình hơn 10 năm tìm tòi sáng tạo trên con đường nghệ thuật đầy gian nan, nhóm Đàn Đó đang dần khẳng định một “thương hiệu” âm nhạc chạm đến trái tim khán giả. Giản dị từ chất liệu tre và đất để chế tác những nhạc cụ mới, đến cách chơi nhạc mới, nhóm nghệ sĩ cùng góp sức tạo nên sự khác lạ từ niềm say mê và trân trọng giá trị truyền thống.

anhbaitren.jpeg
Nhóm Đàn Đó trình diễn tại Lab Đàn Đó (Hà Nội).

Cơ duyên với Đàn Đó

Bốn nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự có duyên gặp gỡ khi tham gia trong dự án nghệ thuật Xiếc Làng Tôi trình diễn tại châu Âu. Năm 2012, sau khi trở về nước, họ cùng thành lập nhóm Đàn Đó. Trước khi tham gia Xiếc Làng Tôi, 2 diễn viên xiếc Nguyễn Quang Sự và Đinh Anh Tuấn chưa từng nghĩ mình sẽ chơi nhạc hay chế tác nhạc cụ.

Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn - trưởng nhóm Đàn Đó cho hay, đó là cơ duyên vì mục đích ban đầu của nhóm chỉ là làm chương trình khai thác các nhạc cụ như đạo cụ để trình diễn xiếc, múa hoặc kịch. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng chương trình, các nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, rồi anh Tuấn và anh Sự bỗng nhiên trở thành nhạc sĩ.

Cái tên nhóm Đàn Đó là cả một câu chuyện mang đậm bản sắc Việt. Như nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh chia sẻ: Đó là sự thú vị khi nói về câu chuyện văn hóa, bởi nó đến rất tự nhiên từ đất, từ tre, từ thiên nhiên tạo ra thói quen, tập quán sinh hoạt, tạo ra môi trường, tạo ra một nền tảng văn hóa. Đó chính là những giá trị gốc mà chúng tôi muốn tìm về, là nền tảng chất liệu, là câu chuyện của nhóm Đàn Đó xây dựng.

Đàn Đó ngỡ là cái tên mang trong mình những tích chuyện, ý nghĩa ẩn dụ nào đó, hóa ra câu chuyện lại đơn sơ, giản dị. Chiếc đàn mộc mạc được chế tác từ tre, lấy cảm hứng từ chiếc đó bắt cá của của người nông dân để có tên gọi là Đàn Đó. Đồng thời vừa chỉ âm thanh "đó" - âm thanh nguyên thủy, như thiên nhiên vọng về.

Qua 12 năm nghiên cứu, nhóm nghệ sĩ đã tạo ra Đàn Đó gồm một bộ nhạc cụ có: Trống nước, trống thanh, đàn đó, đó cột, đó đôi, con tè, đất, trống chum, trống lãng, đàn niêu. Bộ nhạc cụ này khai thác tính năng, biểu cảm của tre và đất trong âm nhạc. Và rồi thứ thanh âm của tre và đất đã tham gia 12 năm vào vào SEA sound dàn nhạc bản địa Đông Nam Á, tạo nên "Chém gió concert", "Lời của tre", "Đàn Đó", "Xuyên không"... với một dấu ấn đặc biệt.

Thanh âm từ tre và đất

Đến nay, nhóm nghệ sĩ tiếp tục triết lý thực hành nghệ thuật độc bản dưới diện mạo và sứ mệnh mang âm thanh của Đàn Đó vang xa hơn với tinh thần âm nhạc đương đại. Vừa qua, nhóm đã có những thử nghiệm và thực hành, tưởng như tương khắc khi kết hợp với những nghệ sĩ phương Tây: Beatbox, guitar bass, nhóm nghệ sĩ đương đại Limebócx, nghệ sĩ Jazz Quyền Thiện Đắc và gần nhất là Bryan Charles Wilson (nghệ sĩ Cello người Mỹ), nhưng đã tạo ra những mới mẻ mang tính đột phá.

Trong căn phòng khiêm nhường nằm khuất nẻo của khu nhà xưởng Hồng Hà cuối ngõ 109 Trường Chinh (Hà Nội), cứ theo lịch trình diễn của nhóm Đàn Đó định kỳ hàng tháng mà khán giả tìm đến. Có người đến đây nhiều lần thổ lộ, đầu tiên là sự tò mò, sau thì mê mẩn lúc nào chẳng hay. Ghế ngồi luôn kín chỗ bởi những khán giả trong và ngoài nước. Đến đây, họ tạm gạt bỏ hết những lo toan thường nhật để có giây phút về miền suy tưởng cùng âm nhạc nguyên bản.

Âm nhạc của Đàn Đó không chỉ đơn thuần là nghệ thuật biểu diễn, mà còn là hành trình cảm nhận, nơi văn hóa bản địa được tôn vinh và tái sinh trong hình hài của những âm thanh. Trong show diễn, Đàn Đó vừa là bộ nhạc cụ, đạo cụ, vừa là nhân vật dẫn chuyện.

Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn chia sẻ ý tưởng bắt nguồn cho việc sáng tạo là khi họ có cơ hội học tập, trao đổi các phương pháp nghệ thuật mang tính đương đại từ các đợt lưu diễn tại châu Âu. “Sau những chuyến đi, chúng tôi muốn quay về quê hương bởi nơi đây rất giàu có về mặt chất liệu, ý tưởng. Những lần học hỏi, thử nghiệm khiến chúng tôi nảy ra ý định cùng nhau làm một điều gì đó có giá trị cho nghệ thuật bản địa” - anh Tuấn chia sẻ.

Không giống như những chương trình nghệ thuật khác, buổi diễn của Đàn Đó không chơi theo những bản nhạc được ghi chép lại bài bản và biểu diễn thường xuyên, mà biểu diễn theo sự sáng tạo và ngẫu hứng của người làm chủ sân khấu. Trước buổi diễn, các nghệ sĩ cũng chỉ cùng tập tiết tấu. Rồi từ những tiết tấu đó, các thành viên tự biết tương tác với nhau trên sân khấu để phô diễn với khán giả. Bởi với những nghệ sĩ dồi dào năng lượng sáng tạo này, nếu dùng một kịch bản cố định thì sẽ kìm hãm cảm hứng trong họ.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh cũng đưa ra quan điểm khá lạ rằng, nếu âm nhạc phát triển theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, thì nhóm lại bắt đầu từ phức tạp hướng đến vẻ đẹp của sự tối giản. Nhạc cụ của nhóm Đàn Đó sử dụng hoặc tạo ra đều đơn giản gần như giữ nguyên chất liệu tự nhiên, không có cái gì gắn thêm, từ đó chúng như phát ra âm thanh nguyên bản. Chính vì vậy mà khán giả đến đây được đắm chìm trong thứ thanh âm riêng biệt, gắn với kỷ niệm buồn vui, tâm huyết và trái tim của người nghệ sĩ đằng sau từng tác phẩm, từng loại nhạc cụ.

“Như tiếng giọt nước rơi róc rách, mềm mại từ trống nước; những thanh âm trầm sâu và mịn từ trống lãng. Tiếng con tè tựa như tiếng côn trùng, ếch nhái hay tiếng đàn niêu hiền hòa, tình cảm như đất. Rồi các phiên bản đàn đó trầm có âm hưởng giống cồng chiêng Tây Nguyên, đàn đó cao có màu âm sáng giống kim loại, mang lại cảm giác thư giãn và tinh khiết” - anh Minh cho hay.

Không chỉ chú trọng về âm thanh, với kinh nghiệm trong nghề xiếc nhiều năm, các nghệ sĩ cũng thử nghiệm những chuyển động về hình thể để kết hợp sao cho nhuần nhuyễn với những giai điệu do mình sáng tác, để tiết mục trình diễn hài hòa giữa phần nghe và phần nhìn.

Có thể cảm nhận, nhóm Đàn Đó đang xóa nhòa ranh giới âm nhạc truyền thống và nhạc đương đại, bởi những giá trị nhóm tìm tòi từ nền văn hóa bản địa được hòa cùng những sáng tạo. Nói cách khác, những nhạc cụ được nhóm chế tác khá thô sơ, nhưng âm thanh tạo ra lại rất riêng có.

Âm nhạc của Đàn Đó không chỉ đơn thuần là nghệ thuật biểu diễn, mà còn là hành trình cảm nhận, nơi văn hóa bản địa được tôn vinh và tái sinh trong hình hài của những âm thanh. Trong show diễn, Đàn Đó vừa là bộ nhạc cụ, đạo cụ, vừa là nhân vật dẫn chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhóm Đàn Đó: Sức hút từ sự khác lạ