Sự xuất hiện đa dạng các mặt hàng gia dụng, khiến cho đầu ra của sản phẩm gốm nói chung, gốm Phù Lãng nói riêng đang đứng trước nhiều bấp bênh. Trong khi lớp nghệ nhân cao tuổi vẫn theo lối mòn của cách làm cũ, thì sự xuất hiện của lớp nghệ nhân trẻ năng động được kỳ vọng sẽ thổi bùng lên sức sống của làng gốm cổ hôm nay.
Lớp nghệ nhân trẻ được kỳ vọng sẽ làm sống dậy nghề gốm ở Phù Lãng.
Vang bóng làng gốm cổ
Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, xã Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) mang vẻ đẹp trầm mặc của một làng nghề gốm cổ có lịch sử gần 8 thế kỷ hình thành và tồn tại.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên, người đã có trên 30 năm gắn bó với nghiệp làm gốm của làng cho biết, nếu như gốm Thổ Hà có nguyên liệu là đất sét xanh, gốm Bát Tràng là sét trắng thì gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt được những người thợ chế biến thật mịn, đều rồi đưa lên bàn xoay để chuốt thành nhiều loại sản phẩm khác nhau, đợi khi sản phẩm se bớt rồi tiến hành tráng men.
Mỗi sản phẩm đều được làm thủ công hoàn toàn từ khâu nặn, chuốt đến trang trí, vẽ hoa văn, lên men rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên. “Dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa. Đó cũng là thứ làm nên sức hút đặc biệt của gốm Phù Lãng” - ông Nguyên tự hào.
Nghề gốm ở Phù Lãng từng giúp cho kinh tế của bao gia đình nơi đây phát triển; thế nhưng giờ đây, trước những thách thức của thị trường, làng nghề đã không thể duy trì sản xuất như xưa.
Điều trăn trở nhất đối với những nghệ nhân tâm huyết của làng nghề gốm Phù Lãng, đó là trong khi nhiều sản phẩm gốm khác tiếp tục phát triển và khẳng định được thương hiệu vốn có, Phù Lãng lại đứng trước nguy cơ mai một vì sản phẩm tiêu thụ kém, nhiều hộ bỏ nghề.
“Cả làng giờ chỉ còn khoảng 100 hộ giữ nghề. Nhiều hộ đã tạm ngừng sản xuất, hoặc bỏ hẳn sang làm nghề khác”- Chủ tịch UBND xã Phù Lãng, ông Nguyễn Tiến Nên cho biết.
Trông chờ vào lớp trẻ
Nhớ lại thời kỳ đỉnh cao của nghề gốm Phù Lãng, nghệ nhân cao niên Nguyễn Văn Phong tự hào, năm 1981 được coi là thời “hoàng kim” của gốm Phù Lãng. Khởi điểm cả làng có 3 lò, sau tăng lên 20 lò sản xuất gốm; từ một hợp tác xã, khoảng 100 hộ với khoảng 250 lao động, tăng lên 400 hộ sản xuất đã thu hút nhiều nhân lực lao động tại địa phương và các vùng lân cận.
Rồi, giọng lão nghệ nhân như trùng xuống, khi ông nói đến thực tại làng gốm. “Sản phẩm gốm Phù Lãng phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm gốm khác và mẫu mã cũ không phù hợp với thị hiếu thị trường nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Vì thế, làng nghề bị chững lại...” - nghệ nhân Phong cho biết.
Nhưng, người không phụ nghề, nghề không bạc, lão nghệ nhân Nguyễn Văn Phong phấn khởi cho biết, vài năm gần đây, thế hệ thanh niên trong làng đã ý thức về việc giữ gìn, phát huy giá trị thương hiệu làng gốm, nên nhiều người đã trở lại quê hương, tìm cách vực dậy nghề.
Có một đặc điểm chung giữa các nghệ nhân trẻ Phù Lãng hôm nay là nhiều người đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường mỹ thuật, kiến trúc.
Những kiến thức về tạo hình, phối màu… được áp dụng triệt để tạo nên một thế hệ nghệ nhân trẻ có nhiều đổi mới để phát triển và tiếp tục làm lớn mạnh thương hiệu gốm sứ Phù Lãng.
Những thương hiệu gốm Nhung, gốm Thiều, gốm Ngọc… ra đời đã khẳng định bước đầu những đóng góp tích cực của thế hệ làm nghề trẻ với làng gốm.
Với tư duy sáng tạo, kết hợp chất gốm cổ với kỹ thuật mới, các nghệ nhân trẻ đang dần định hình một thương hiệu gồm mới, trên nền tảng kế thừa những giá trị của gốm cổ.
Nghệ nhân Trần Mạnh Thiều, hiện là chủ một xưởng gốm có tiếng của làng là một trong những người trẻ đầu tiên ở Phù Lãng làm tranh gốm, gốm trang trí. Từ những bức tranh dân gian đến hiện đại đều được anh thổi hồn trong chất liệu gốm.
Anh cùng nhiều nghệ nhân trẻ khác trong làng đã tạo ra những tác phẩm lạ mắt với nhiều cách tạo hình phong phú, vừa cổ truyền vừa mang hơi thở đương đại.
Giống như Phù Lãng, nhiều làng nghề truyền thống có tiếng khác trên cả nước hiện cũng chung nỗi lo mai một.
Trong số gần 2.000 làng nghề trên cả nước, ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, các làng nghề cần chú trọng đến việc đào tạo, hun đúc tình yêu nghề cho thế hệ trẻ.
Bởi, chỉ có những suy nghĩ mới, cách làm mới của thế hệ trẻ năng động mới tháo gỡ được khó khăn của làng nghề, nhất là các làng nghề cổ, nơi tư duy của nhiều thợ nghề có tuổi đang già hóa từng ngày.