Đã tròn 15 năm công chúng yêu âm nhạc cũng như đời sống âm nhạc nước nhà đã quen thuộc và đặc biệt ấn tượng với nhóm "Ngũ lão". Đây là một nhóm biểu diễn gồm 5 ca sĩ nam, tuổi đều đã ngoài bảy mươi, với những ca khúc nhạc đỏ đi cùng năm tháng.
Con số 5 rất ý nghĩa
Ngồi trò chuyện với tôi sau khi vừa kết thúc buổi luyện thanh cho một sinh viên thanh nhạc trẻ, NSND Dương Minh Đức vui vẻ cho biết: “Hôm đó mấy anh em chúng tôi gồm Doãn Tần, Quang Thọ, Hoàng Chè, Quang Huy và Dương Minh Đức, ngồi với nhau để cùng bàn về Chương trình kỷ niệm 40 ca hát của NSND Quang Thọ.
Đó là một ngày giữa tháng 8 năm 2007. Bên thềm sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ấy, nơi một sáng mùa thu năm 1945, đã diễn ra cuộc mít tinh lớn của nhân dân Hà Nội và sau đó biến thành đoàn tuần hành quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Trong niềm cảm xúc trào dâng ấy chợt NSND Quang Thọ đề xuất: Hay là chúng mình nhân dịp này lập nhóm nhạc hát những ca khúc cách mạng nhỉ?”.
Đúng là một đề xuất xuất hiện bất ngờ nhưng nó lại là “ấp ủ” từ lâu của những ca sĩ “lão làng” của sân khấu ca nhạc. Đó là NSND Doãn Tần, người thiên về hát nhạc truyền thống cách mạng, nhất là các ca khúc về người lính bởi bản thân anh ấy là một người nghệ sĩ của quân đội. NSND Doãn Tần có một chất giọng nam cao rất đặc biệt, chuyên hát những bài hát cao vút và hoành tráng. Đó là NSND Quang Thọ, giọng hát vàng trưởng thành từ vùng “vàng đen” của Tổ quốc; NSND Quang Thọ có giọng hát khoẻ khoắn và lại thâm trầm những những vỉa than lấp lánh.
NSND Hoàng Chè, giọng ca nòng cốt của Đoàn Văn công bộ đội Trường Sơn, với chất giọng đầy hào sảng và đam mê, dành cả cuộc đời mang tiếng hát phục vụ người lính, cổ vũ cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, ca ngợi nhân dân, Tổ quốc.
Đó là NSƯT Quang Huy (năm 2019 được phong NSND), một thời trẻ trung là “người thợ lò” nơi Đông Bắc, với giọng nam trầm quyến rũ từng được ví là “ông hoàng nhạc nhẹ” Việt Nam. Và đó là NSƯT Dương Minh Đức (năm 2022 có tên trong danh sách được phong NSND), từ một kỹ sư ô tô quân sự trở thành một giọng hát nam có đẳng cấp của mái trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Năm người “đàn ông hát” này vào thời điểm của năm 2007 đều đã vào tuổi sáu mươi, ngoài sáu mươi và danh xưng nhóm nhạc "Ngũ lão" ra đời, đơn giản như tuổi đời của các nghệ sĩ nhưng giọng hát và cống hiến của họ “trẻ mãi không già”.
Và ngay lập tức nhóm "Ngũ lão" bắt tay vào thực hiện ý muốn của mình. NSND Dương Minh Đức kể rằng: “Chúng tôi thống nhất với nhau rất nhanh và bước vào luyện tập cũng rất nhanh ngay tại sân khấu, chỉ trước khi chương trình diễn ra có vài tiếng đồng hồ. Lấy chương trình kỷ niệm 40 ca hát của anh Quang Thọ làm “bàn đạp” nên không có gì khó khăn cả”. Đúng như người ta đã nói “Đồng lòng thì chắc chắn sẽ thành công”, buổi biểu diễn đầu tiên của nhóm Ngũ lão lại nằm ngay trong chương trình kỷ niệm của NSND Quang Thọ.
Đêm đầu tiên của chương trình, khán giả có mặt trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng với hình ảnh 5 nam ca sĩ lớn tuổi, cùng mặc quần áo bộ đội, rất oai phong dàn hàng ngang trên sân khấu và hát “Năm anh em ta mang năm cái tên/ Ấy khi lên xe không còn tên riêng nữa/ Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa/ Năm quả tim cùng nhịp đập rộn ràng”.
Thật tình cờ như một thú vị, bài hát đầu tiên ấy chính là bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sĩ Doãn Nho phổ thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh. Bài hát như một “tuyên ngôn” ra mắt và thêm nữa nó còn là “thông điệp” gửi tới người yêu âm nhạc: Chúng tôi sẽ chỉ hát những ca khúc cách mạng, những ca khúc về người chiến sĩ. Vậy nên danh xưng của nhóm được thêm hai chữ “nhạc đỏ” để thành tên chính thức: nhóm nhạc đỏ "Ngũ lão”.
Tôi vội hỏi NSND Dương Minh Đức: “Những ca sĩ tên tuổi hát nhạc đỏ có nhiều sao các anh chỉ chọn có 5 người?”. Sau hồi trầm ngâm tựa như chiêm nghiệm, NSND Dương Minh Đức cười vui: “Cũng tình cờ thôi nhưng con số 5 rất ý nghĩa mà”.
Ngồi lại với nhau một ngày đầu thu lịch sử nên có lẽ “Mùa thu lịch sử” của đất nước đã “mách thầm” với những người ca sĩ, nghệ sĩ lớn tuổi này về “số lượng” thành viên. Không chỉ mang ý nghĩa là con số 5 của “cung ngũ hành” trong tâm linh, mà con số 5 gợi cho tôi hình ảnh về lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh.
Năm nghệ sĩ tự xem mình như năm cánh sao nhỏ để hợp ngôi sao vàng rực nắng. Và bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, một bài hát sôi nổi, khoẻ khoắn như những người chiến sĩ quân đội nhân dân. Và cũng lại tình cờ, bài hát “mở màn” rất ý nghĩa. Năm cánh sao cùng hoà giọng hát vang bài hát về 5 chiến sĩ xe tăng gợi hình ảnh chiếc xe tăng cách mạng dũng mãnh xông lên trận tiền tiêu diệt quân xâm lược.
Trẻ mãi cùng mùa xuân
Kể từ đó, nhóm "Ngũ lão” chính thức “đi vào hoạt động”. Không cầu kỳ về trang phục, không câu nệ về nơi biểu diễn. Công chúng yêu âm nhạc và nhất là người yêu thích những ca khúc cách mạng hào hứng đón nhận.
Nhóm "Ngũ lão” được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi, từ sân khấu hoành tráng rực rỡ ánh đèn nhà hát cho tới những hội nghi hay đại hội. Có khi chỉ đơn giản diễn ra ngay tại khoảng sân nhỏ của một đơn vị bộ đội hay trong phòng họp khiêm tốn của một cơ quan vẫn vang lên câu hát “Ơi đêm Trường Sơn/ Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Mà ngỡ như từ Pắc Bó/ Suối về đây ngân nga/ Âm vang Trường Sơn/ Âm vang Trường Sơn” (Đêm Trường Sơn nhớ Bác, sáng tác Nhạc sĩ Trần Chung). Nhóm đã được mời đi biểu diễn trong khắp cả nước. Ở đâu mỗi khi nhóm nhạc đỏ "Ngũ lão” tới là ở đó đậm đà không khí sôi nổi, hào hứng.
NSND Dương Minh Đức cho biết thêm: Mỗi khi chúng tôi lên biểu diễn là ở phía dưới khán giả cùng cất giọng hát theo tạo thành “bản hoà ca” vô cùng sôi động nhưng lại chân thành và trang nghiêm.
Được biết, có người đã ví giọng hát của nhóm nhạc đỏ "Ngũ lão” là những giọng ca của thế hệ vàng bởi đơn giản các ca sĩ, nghệ sĩ của nhóm là những người đã trải qua cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của đất nước. “Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây/ Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông/ Hà Nội mến yêu của ta/ Thủ đô mến yêu của ta/ Là ngôi sao mai rạng rỡ” (Hà Nội niềm tin và hy vọng, sáng tác Phan Nhân).
Lời hát cất lên từ trái tim những người nghệ sĩ, có người là những người lính thực thụ dành trọn cuộc đời của mình để phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân; ở chiến trường có, ở hậu phương có. Tiếng hát của họ đã trở thành niềm động viên, niềm khích lệ bộ đội và nhân dân. Có người tuy không là lính nhưng bằng giọng hát nhiệt thành của mình họ đã đem đến những cảm xúc mạnh mẽ động viên tinh thần người ra trận và người ở lại hậu phương chăm lo lao động sản xuất chi viện chiến trường.
Lại có người nói rằng: Họ được sống trong vang vọng của những bản hùng ca mỗi khi được nghe nhóm nhạc đỏ "Ngũ lão” biểu diễn. Những ca khúc đi cùng năm tháng mỗi khi vang lên là gợi lên những tình cảm dạt dào, cao đẹp, gợi nhớ về những năm tháng hào hùng của đất nước xen lẫn niềm tự hào mãnh liệt: “Vang trên phố phường tiếng hát yêu thương/ Say trong ước mơ năm tháng của Người/ Mang bóng hình người, ấm áp cuộc đời/ Góp sức dựng xây/ Non sông ta đàng hoàng, đất nước mạnh giàu thoả lòng Bác mong/ Nước non này ngàn năm vững bền” (Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, sáng tác Cao Việt Bách).
NSND Dương Minh Đức nói bằng giọng trầm hẳn: Từ khi NSND Doãn Tần và NSND Hoàng Chè đi xa nhóm chúng tôi cũng bị “chững lại”. Rất may là NSƯT Thành Vinh và NSƯT Mạnh Tuấn là sự “bổ sung” kịp thời và các anh ấy đã “nhập nhóm” rất xứng đáng, hoàn toàn không mang ý nghĩa là “lấp chỗ trống”. Nhóm chúng tôi vẫn hoạt động, hát, hát và hát cùng cuộc sống, cùng đất nước, cùng công chúng.
Nhóm nhạc đỏ “Ngũ lão” tuy tuổi đời các thành viên đều đã cao nhưng họ vẫn trẻ mãi cùng mùa xuân, vang mãi cùng thời gian như “cái tuổi mười lăm” vững tin bước vào cuộc sống, như lời hát: “Ơi trái tim Việt Nam như mặt trời trước ngực/ Giữa thế kỷ hai mươi sáng rực/ Sáng ngàn năm ngàn năm” (Cuộc đời vẫn đẹp sao, sáng tác Phan Huỳnh Điểu).