Đúng như nhận định của các chuyên gia, cận Tết nhiều ngành dịch vụ như: Bán hàng, vận tải, cung ứng hoa cây cảnh... thường tăng cao nên cần tuyển nhiều lao động thời vụ.
Cận Tết, sinh viên có nhiều cơ hội tìm việc thời vụ.
“Cháy” lao động thời vụ
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cách đây hai tháng, nhiều đơn vị lớn đã tìm kiếm lao động để chủ động cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động cho biết, dự kiến nhu cầu nhân lực của thành phố trong tháng 12/2016 cho đến 1/2017, nhu cầu cần khoảng 30.000 chỗ làm việc bao gồm 28.000 chỗ làm việc trong tháng 12-2016, nhu cầu tuyển dụng nhân lực vào đầu dịp Tết Nguyên đán 2017 là 30.000 lao động thời vụ.
Trình độ chuyên môn tập trung ở bậc đại học, có nhu cầu cao vào cuối năm, đạt 21%; cao đẳng 16%; trung cấp 23%; công nhân kỹ thuật 8%, sơ cấp nghề 7%; lao động phổ thông sẽ tăng nhẹ ở mức 32%. Các ngành nghề có nhu cầu cao là kinh doanh, dịch vụ, bán hàng, phục vụ, công nghệ thông tin, dệt may, giày da, du lịch, bảo hiểm, cơ khí, điện tử, điện công nghệp, điện lạnh, kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch và nhà hàng và khách sạn...
Tại Hà Nội, ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm tổ chức vào ngày 10/1 ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho thấy, nhu cầu cần tuyển lao động thời vụ của các doanh nghiệp khá lớn. Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, do gần Tết nên nhu cầu tuyển lao động thời vụ cao với sự tham gia của 49 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tuyển dụng với 1.174 chỗ làm và 900 chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong số chỉ tiêu tuyển dụng có 300 chỉ tiêu lao động thời vụ, bán thời gian dành cho sinh viên, người lao động có nhu cầu tìm việc tăng thu nhập trong dịp Tết. Nhiều vị trí tuyển dụng trong giai đoạn cận Tết như: Nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng, thu ngân, lễ tân, giao hàng… “ Do đặc thù là công việc thời vụ và bán thời gian nên việc trả lương sẽ linh hoạt. Trên cơ sở thoả thuận trực tiếp, người lao động có thể nhận lương theo giờ, ngày hoặc tuần”, bà Liễu nói.
Còn ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, năm 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng do ổn định sản xuất và có sự khởi sắc trong tăng trưởng. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động trong dịp này tăng 15%.
Hiện tượng “chảy máu chất xám” gia tăng
Nhìn lại thị trường năm 2016, báo cáo của Bộ LĐTB&XH chỉ ra rằng, thị trường lao động vẫn còn nhiều biến động trong đó tỷ lệ thất nghiệp lao động có trình độ vẫn tiếp tục gia tăng.
Ở góc độ khác, công bố mới đây của Navigos Search cho thấy có sự sụt giảm nhẹ (5%) về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao trong quý 4 so với quý 3 năm 2016. Sản xuất, Hàng tiêu dùng và Tài chính-Ngân hàng giữ vững 3 vị trí đầu về nhu cầu tuyển dụng. Trong quý 4/2016, ba ngành này vẫn đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, lần lượt chiếm 37%, 18% và 11%. Đây cũng là ba ngành trong cả năm 2016 liên tục góp mặt về nhu cầu tuyển dụng lớn nhất trong năm.
Đối với ngành sản xuất, mảng điện-điện tử có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, mảng đồ uống chiếm đa số về các yêu cầu tuyển dụng. Ngành tài chính – ngân hàng thì mảng tài chính tiêu dùng cá nhân và mảng dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao lớn nhất. Bên cạnh ba ngành trên thì bất động sản cũng là lĩnh vực có nhiều yêu cầu tuyển dụng trong Quý 4.
Đáng chú ý, theo quan sát của Navigos Search, trong nửa cuối năm 2016, có nhiều hơn sự “chảy máu chất xám” ra nước ngoài trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Kế toán/Kiểm toán. Những kỹ sư công nghệ thông tin giỏi chuyên môn, thành thạo tiếng Anh và có thêm một chút kỹ năng quản lý đã sang nước ngoài làm việc, đáng kể nhất là Singapore. Tương tự, đối với những nhân sự ngành kế toán, kiểm toán có kinh nghiệm cũng đã làm việc chủ yếu tại Singapore và Malaysia.