Một thông báo từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, tính đến hết tháng 9/2023, số người thiệt mạng hoặc mất tích khi cố gắng vượt Địa Trung Hải để nhập cư trái phép vào các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) là hơn 2.500 người.
EU lúng túng
Con số trên cao hơn rất nhiều so với con số 1.680 người vào cùng kỳ năm 2022. Bà Ruven Menikdiwela (UNHCR) cho biết, tuyến đường di cư qua Địa Trung Hải từ các bờ biển Tunisia, Libya là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới. Trong vòng 9 tháng của năm nay, khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển này với hy vọng tới châu Âu. Trong số đó, có hơn 130.000 người đến Italy, tăng 83% so với cùng thời gian năm 2022.
“Tình hình rất căng thẳng nhưng đáng tiếc các quốc gia EU đã không đạt được một thỏa thuận nào nhằm chia sẻ gánh nặng di cư đang gia tăng” - bà Ruven nói.
Trong khi đó, bà Giorgia Meloni - Thủ tướng Italy nói: “Chúng tôi đã hy vọng vào điều tốt đẹp hơn trong vấn đề nhập cư. Nhưng kết quả không như những gì chúng tôi mong muốn”.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 10/2022, chính phủ của Thủ tướng Meloni đã cam kết sẽ trấn áp những đối tượng buôn người. Tuy nhiên, dòng người nhập cư vẫn tiếp tục đổ về hòn đảo Lampedusa ở miền nam Italy. Đây là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của những người di cư băng qua Địa Trung Hải để tiến sâu vào châu Âu.
Theo luật pháp Italy, người di cư phải hồi hương, nếu không thể sẽ bị trục xuất ngay lập tức, hoặc có thể bị giam giữ. Nhưng những nỗ lực ấy vẫn không ngăn được dòng người di cư bất hợp pháp “cập bến”.
Tương tự, cảnh sát Đức đã tăng cường tuần tra dọc các tuyến đường đưa lậu người di cư ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Czech. Bộ trưởng Nội vụ Đức, bà Nancy Faeser, cho biết hoạt động tuần tra không chỉ là đột xuất mà sẽ duy trì thường xuyên. Cùng với cảnh sát có thêm 500 nhân viên hải quan phối hợp hành động. Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Faeser kêu gọi, cần phải ngăn chặn các "hoạt động kinh doanh tàn ác" của những kẻ buôn lậu coi thường tính mạng người khác chỉ vì lợi nhuận. Theo bà Faeser, 9 tháng đầu năm 2023, Đức đã ghi nhận trên 220.000 trường hợp nộp đơn xin tị nạn, gần bằng con số của cả năm 2022 là 240.000 người.
Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cảnh báo nhập cư “có thể trở thành một thế lực làm tan rã khối 27 quốc gia này khi một số nước thành viên không muốn tiếp nhận người di cư”.
“Dây người” vượt sông Rio Grande
Bên kia bờ đại dương, nước Mỹ cũng đang bối rối trước làn sóng người nhập cư bất hợp pháp. Trong tuần cuối tháng 9/2023, hàng chục nghìn người di cư tìm mọi cách vượt biên giới vào Mỹ từ phía Mexico, đẩy thành phố El Paso thuộc bang Texas đến "điểm đứt gãy”. Cao điểm trong 1 ngày, gần 9.000 người đã vượt biên vào El Paso, cao nhất từ trước tới nay. Thị trưởng El Paso, ông Oscar Leeser, cho biết mỗi ngày có tới 2.000 người xin tị nạn, “họ đã lấp đầy những nơi ở tạm”.
Dòng người xin tị nạn vào El Paso, chủ yếu đến từ Venezuela, Honduras và Haiti. Trong số đó có nhiều người chỉ muốn thoát khỏi nạn đói, bạo lực và bất ổn chính trị ở quê nhà. Dân số El Paso chỉ có 30.000 người nhưng trong tuần cuối tháng 9 có đến 11.500 người di cư “bao vây”.
Trước căng thẳng gia tăng ở Texas, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cử 800 quân đến biên giới, bổ sung vào 2.500 thành viên Vệ binh quốc gia có sẵn. Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Alejandro Mayorkas đã gặp Tổng thống Honduras Xiomara Castro để thảo luận về chiến lược song phương nhằm hạn chế di cư. Ông Mayorkas cùng bà Castro cam kết sẽ phá vỡ các mạng lưới buôn lậu người bất hợp pháp.
Những ngày này, lính biên phòng biên giới Mexico - Mỹ liên tục phải chứng kiến cảnh nhiều người di cư đào hang trong lòng đất bên dưới dây thép gai, họ nhích từng centimet qua hàng rào một cách đau đớn. Khi mặt trời lặn, giới chức Texas tiến hành vá lại các lỗ hổng trên hàng rào thép gai. Nhưng họ biết cảnh tương tự sẽ lặp lại vào ngày hôm sau.
Khi mặt trời ló rạng, từng đoàn người di cư nắm tay nhau tạo thành “một sợi dây người” vượt sông biên giới Rio Grande. Bờ nam sông là lãnh thổ Mexico, phía bên kia là El Paso thuộc bang Texas của Mỹ. Trong số đó có Maria Argentina, 32 tuổi, di cư từ Honduras. Cô là người tàn tật phải dùng xe lăn nhưng xe lăn của cô đã bị nước cuốn ra một bãi bồi giữa sông.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho rằng biên giới Mỹ - Mexico là tuyến đường trên bộ nguy hiểm nhất đối với người di cư, với gần 1.457 trường hợp tử vong và mất tích năm 2022. “Họ là những con người kiệt quệ, không tìm được tương lai ở chính quê hương mình” - đại diện IOM nhận xét.
Giám đốc UNICEF phụ trách Mỹ Latin và Caribe, tiến sĩ Garry Conille, cho biết do bạo lực, cuộc sống cơ cực, từ đầu năm tới nay đã có tới 40.000 trẻ em vượt rừng Darien Gap đầy nguy hiểm, ngăn cách giữa Trung và Nam Mỹ. Trong đó 600 trẻ không có người lớn đi cùng. Ông Garry cảnh báo rằng trong hành trình này trẻ em đối mặt với bệnh tật, thương tích, chia ly với gia đình và bị lạm dụng. Ngay cả khi đến được đích, tương lai của các em vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.