Với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, vấn nạn vi phạm bản quyền đang diễn ra trên không gian mạng, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhưng dường như vẫn chưa có phương thuốc “đặc trị” để loại bỏ vi phạm này.
Vi phạm tràn lan
Trong thời đại công nghệ, thông qua các thiết bị thông minh, cả thế giới dường như đã được “thu nhỏ” để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà công nghệ mang lại, cũng xuất hiện nhiều mặt tiêu cực, đặc biệt là thói quen “hồn nhiên” quay phim, chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi của nhiều người. Chính hành động tưởng như vô tình này đã tiếp tay cho hàng loạt những vi phạm bản quyền đang diễn ra trên không gian mạng.
Thực tế cho thấy, việc quay chụp lại hình ảnh của mỗi cá nhân tại các sự kiện hoàn toàn không sai trái. Đó đơn giản là việc lưu lại những kỷ niệm của mỗi người. Thế nhưng với nhiều sự kiện, dù Ban tổ chức đã có thông báo nghiêm cấm quay phim, chụp ảnh thì dường như không ít người vẫn làm ngơ, vẫn hồn nhiên quay clip, chụp hình. Thay vì quay chụp công khai thì nhiều cá nhân đã lén lút lưu lại những hình của chương trình.
Mới đây, 2 đoàn làm phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” và “Con nhót mót chồng” chưa kịp hưởng trọn niềm vui khi đạt được doanh thu cao đã phải “khóc ròng” vì phim đã bị quay lén và được đăng tải trên các nền tảng mảng xã hội. Theo chia sẻ của nhà sản xuất bộ phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” Minh Hà, chỉ sau ít ngày ra mắt tại các cụm rạp phim đã bị livestream tràn lan trên TikTok, Facebook. Hiện tại, các video cắt nhỏ, livestream trên mạng xã hội TikTok, Facebook của các cá nhân đều đã bị phía êkip can thiệp, gỡ bỏ. Theo nhà sản xuất Minh Hà nếu khán giả phát hiện hành vi quay lén có thể báo quản lý rạp hoặc nhắn vào số hotline hoặc nhắn tin riêng vào tài khoản mạng xã hội.
Cùng thời điểm, trên mạng xã hội TikTok đã xuất hiện hàng nghìn clip liên quan đến bộ phim “Con nhót mót chồng”, trong đó đa số là vi phạm bản quyền. Trước đó, bộ phim “Chị chị em em 2”, “Em và Trịnh”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Lật mặt”, “Gái già lắm chiêu V”, “Tấm Cám: chuyện chưa kể”, “Hai Phượng”, “Bố già”… cũng “gặp hạn” khi có hàng trăm clip liên quan đến tác phẩm được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Cá biệt hơn, các bộ phim như “Để Mai tính” vừa lên kênh K+ hay “Bố già” phát trên nền tảng Galaxy Play chưa đầy 24 giờ đã xuất hiện hàng chục đường link phim lậu với chất lượng không kém “chính chủ” bởi phần mềm copy cài vào thiết bị.
Tìm thuốc “đặc trị”
Đặc điểm chung của các vi phạm trong thời gian gần đây là đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung hay những đoạn dài lên các hội, nhóm như trước kia mà cắt thành nhiều clip ngắn. Đáng chú ý, hầu hết tài khoản đăng tải phim quay lén đều là tài khoản mới lập. Có hàng trăm tài khoản như vậy cùng đăng tải những video ngắn liên quan tới phim lên mạng dù không được phép của nhà sản xuất. Người xem chỉ cần lướt qua các phân đoạn đó là gần như đã nắm rõ nội dung chính của bộ phim. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Theo bà Phan Cẩm Tú (Hiệp Hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam), sự thiếu ý thức của khán giả dễ đẩy nhà làm phim vào cảnh trắng tay, thậm chí vỡ nợ. Vấn nạn xâm phạm bản quyền không khác gì kiểu ăn cướp trắng trợn thành quả lao động, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như uy tín cho đội ngũ sáng tạo. “Tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay khiến điện ảnh Việt Nam “khó mơ” đến lợi nhuận cao ở ngoài rạp chiếu. Mọi may rủi của bộ phim đều gửi hết vào phòng vé. Song tình trạng xâm phạm bản quyền ở rạp chiếu đang khiến “canh bạc” của nhà làm phim ngày càng rủi ro hơn khi họ đánh cược toàn bộ vốn liếng vào đây” - bà Tú nói.
“Báo cáo nghiên cứu thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vừa công bố mới đây cho biết, điện ảnh là một trong 3 loại hình sản phẩm văn hóa sáng tạo bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất (bên cạnh âm nhạc và bản ghi âm, ghi hình) với tỷ lệ lên tới 71,6%. Tuy nhiên, dù “mắt thấy, tai nghe” nhưng những vi phạm bản quyền vẫn chưa tìm ra được thuốc “đặc trị”. Nhiều nhà sản xuất dù phát hiện “đứa con tinh thần” của mình bị vi phạm bản quyền nhưng cũng chỉ biết “đăng đàn” đưa thông tin lên báo hoặc mạng xã hội chứ hiếm khi tìm đến cơ quan chức năng hoặc đưa ra tòa. Khi được hỏi, đa số cho rằng các chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe hoặc hành vi rất khó xử lý. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bên liên quan và lực lượng chức năng vẫn còn nhiều bất cập nên phần lớn các nhà làm phim tìm cách tự cứu mình. Cách họ hay dùng nhất là tuyên truyền, kêu gọi ý thức khán giả.
Cùng với việc thay đổi trong các quy định của Luật Điện ảnh, trước mắt rất cần các cơ quan quản lý có biện pháp, chế tài xử phạt mạnh hơn để tạo ra môi trường lành mạnh cho các nhà làm phim nói riêng và người sáng tạo nói chung được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Đặc biệt, mỗi cá nhân khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội cần xây dựng ý thức về vấn đề bản quyền, không để vì một “thú vui” cá nhân ảnh hưởng đến sản phẩm văn hoá dành cho cộng đồng.