Trở về sau chiến tranh, cơ thể không còn nguyên vẹn, nhưng những con người ấy vẫn viết nên những bản hùng ca của đời thường, vẫn sắt son một lòng với chiến sỹ, đồng đội của mình đã nằm xuống. Những bản tình ca trong cuộc sống thời bình, thường nhật.
Đó là câu chuyện của mười cô gái thanh niên xung phong – được ví như mười bông hoa rừng tại ngã ba Đồng Lộc, đã được nhắc đến với sự chiến đấu và hi sinh quả cảm. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện ấy, có một nhân chứng còn sống. Người phụ nữ đã cùng sống, chiến đấu cùng các cô trong những năm tháng mưa bom, bão đạn...
Vẫn vẹn nguyên ký ức một thời
“Hường mến! Hai chị em ta đã sống cùng nhau tám tháng trời ròng rã, đã chia bùi, sẻ ngọt, cùng nhau trong công tác đầu đội pháo sáng, chân đạp bom bị…” – Đó là những dòng lưu bút mà chị Hồ Thị Cúc viết cho người em gái cùng đơn vị Nguyễn Thị Hường. Sau hơn 40 năm, những lời nhắn nhủ từ thanh xuân ấy vẫn được người đồng chí, đồng đội Nguyễn Thị Hường, thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 553 lưu giữ như một báu vật của riêng mình.
Đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi nhắc đến những đồng đội của mình - mười cô gái Đồng Lộc ngày ấy, bà Hường vẫn không nén được cảm xúc. Thương tiếc xen lẫn tự hào khi kể về các chị, về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt ấy...
Tháng 11/1967, tròn 16 tuổi, cũng vừa học xong chương trình Trung học cơ sở, Nguyễn Thị Hường viết đơn khai tăng thêm 2 tuổi (bà sinh tháng 10/1951 nhưng khai trong đơn là năm 1949 – PV) rồi đi bộ lên huyện đoàn Đức Thọ (Nghệ Tĩnh bấy giờ - PV) xin gia nhập Thanh niên xung phong. Đơn được chấp thuận và chỉ mấy ngày sau bà có giấy gọi lên đường, đóng quân tại Thanh Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
“Tiểu đội của chúng tôi do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng, gồm 15 người. Nhưng sau thời gian chiến đấu, nhiều người đã được phân công đi làm nhiệm vụ khác. Người thì sang A tập đoàn, người thì đi A công binh. Còn tôi thì được điều động tham gia tăng cường cho Vĩnh Lĩnh, Quảng Trị” – bà Hường nhớ lại.
Trầm ngâm một phút như chờ những ký ức hiển hiện trở về, bà Hường nói tiếp: “Hồi đó, chúng tôi sống như chị em một nhà, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau, mỗi khi người nào có thư gia đình gửi đến, là tất cả lại quây quần bên nhau đọc”.
Ngã ba Đồng Lộc được coi là tuyến huyết mạch, tọa điểm để phân tán tỏa đi những tuyến đường về mặt trận khác, vậy nên các chị luôn dành hết sức mình để san lấp hố bom, phá mìn, làm sao để thông đường một cách nhanh nhất cho các chuyến xe qua. Công việc vất vả, hiểm nguy luôn cận kề nhưng những cô gái trẻ ấy vẫn luôn cất cao tiếng hát, khúc khích tiếng cười trong những giờ phút nghỉ ngơi.
“Những ngày tháng ấy, chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng, chị Hồ Thị Cúc làm Tiểu đội phó, phụ trách lao động, còn tôi làm Tiểu đội phó phụ trách đời sống. Công việc chính của tôi là bảo quản, cất giữ và cung cấp băng, bông, vật tư y tế để phục vụ cứu thương” – bà Hường chia sẻ.
Sau tám tháng cùng sống, chiến đấu và làm việc tại ngã ba Đồng Lộc, ngày 17/7/1968, sau khi có lệnh chuyển quân, Nguyễn Thị Hường vội vã đi gom những tờ giấy trắng, cắt làm đôi rồi gấp lại thành những cuốn sổ để ghi lưu bút.
“Đêm trước hôm chia tay, mười mấy chị em vừa tranh thủ viết lưu bút, vừa ôm nhau khóc. Chúng tôi hứa với nhau sẽ công tác tốt, chiến đấu ngoan cường. Vậy mà chỉ sau khi tôi rời đi được một tuần, các chị đã….” – giọng nghèn nghẹn, bà Hường chia sẻ.
Trong tâm trí bà Hường, cái ngày định mệnh ấy còn hiện hữu rất rõ, tưởng chừng như chỉ như hôm qua thôi. Bà kể: “Hôm ấy, chúng tôi đang ở Trường Lộc (huyện Can Lộc – tỉnh Hà Tĩnh) để tham gia công tác thu gom quân tư trang, quân bị chuẩn bị cho công việc chuyển quân. Khi nghe tin các chị hy sinh, mặc dù ruột đau như cắt, nhưng chiến tranh nên không ai về thăm viếng được...”.
Sống, chiến đấu vì lời dặn của những người đã ra đi
Suốt những năm tháng chiến đấu ngoan cường tại mảnh đất Vĩnh Linh sau này, không ít lần đối mặt với cái chết, nhưng bà Hường luôn khắc cốt, ghi tâm lời dặn dò của các chị, mang hết sức trẻ của mình để phục vụ trong lúc Đảng cần, dân gọi, mong ước đến một ngày hòa bình, thống nhất. Bà luôn giữ cuốn sổ lưu bút của đồng đội ở ngã ba Đồng Lộc như một kỷ vật vô giá, nguồn động lực cho những trận chiến ngoan cường. Vì thế, trong suốt 3 năm ở chiến trường Vĩnh Linh, bà Hường luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được tặng Huy hiệu Nguyễn Văn Trỗi, Huy hiệu Nguyễn Văn Bé.
Cuối năm 1969, bà Hường bị thương. Cũng trong thời gian này bà nhận được tin dữ, nhà ở quê bị trúng bom, mẹ bị thương nặng, em gái mới 16 tuổi không qua được... Bà được đơn vị cho về thăm nhà.
Sau 3 năm chiến đấu, bà trở về quê nhà với tỷ lệ thương tật 28%, xếp hạng thương binh 4/4. Không còn trẻ trung, xuân sắc như thời con gái, Nguyễn Thị Hường cũng phải tính đến chuyện lập gia đình để ổn định cuộc sống.
Năm 1974, bà kết hôn cùng ông Lê Văn Sáu, là bộ đội không quân. Cuộc sống mới bắt đầu, cô thanh niên xung phong phơi phới sức trẻ ngày nào giờ gác lại tất cả những ám ảnh nơi chiến trường để trở về với công cuộc xây dựng, kiến thiết hậu phương, gia đình.
Ba người con lần lượt chào đời. Cuộc sống gia đình với bốn miệng ăn dường như chiếm trọn thời gian của bà, thế nhưng mỗi khi đêm đến, những hoài niệm về sự hi sinh của những người đồng chí, đồng đội xưa ở ngã ba Đồng Lộc lại ùa về. “Những năm tháng ấy và những lời dặn dò của các chị luôn là nguồn động lực sống đối với tôi. Tôi may mắn hơn các chị khi còn được sống, còn được biết ngày hòa bình, thống nhất đất nước, được trở về với gia đình” - bà Hường trầm ngâm chia sẻ.
Suốt hơn 40 năm qua, mỗi khi nhớ về đồng đội, bà lại tìm những dòng lưu bút ấy để như nhắc nhở mình về những năm tháng máu và hoa. Hằng năm, mỗi khi đến ngày giáp Tết, hoặc những ngày lễ, ngày giỗ của mười cô gái Đồng Lộc, bà Hường lại lên viếng phần mộ của các chị, thắp những nén nhang, tri ân đồng đội.
Cô thanh niên xung phong trẻ trung và tràn đầy nhựa sống ngày nào giờ đã lên chức bà. Trong căn phòng nhỏ tại thành phố Hà Tĩnh, nơi gia đình bà đang sinh sống, ngày nào cũng rộn rã tiếng cười đùa của các con, các cháu. Tuổi trẻ gửi lại chiến trường, những ngày tháng khó khăn đã trôi qua, hai ông bà với một mảnh vườn nhỏ, hàng ngày xới đất trồng rau, chăm lo đàn gà, nhẹ nhàng sống những ngày tuổi già yên bình.
(Còn nữa)