Mùng 8-3, là ngày cả thế giới tôn vinh những người phụ nữ, ngày này rất nhiều người được tặng hoa, quà, thiệp mừng và những lời chúc tốt đẹp. Thế nhưng, ở những bản làng xa xôi, có những người phụ nữ quanh năm vừa lo việc nước vừa đảm việc nhà, và phần thưởng lớn nhất với họ chính là khi bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được gìn giữ, trao truyền; là cuộc sống của bà con trong thôn bản được hòa thuận, ấm no…
Chị Sùng Phà Sủi tại lễ Tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.
Người nhiều chức nhất ở thôn Tống Thượng
Tống Thượng là thôn vùng cao xa xôi nhất của xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vẫn còn rất khó khăn, nhưng một nếp sống mới đã được hình thành trong đồng bào dân tộc Phù Lá nơi đây. Nhiều người đã biết chăm chỉ làm ăn thay cho việc vượt biên trái phép như trước. Hủ tục thách cưới, nạn tảo hôn đã được cải thiện đáng kể. Để có được sự thay đổi đó, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Sùng Phà Sủi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Đét chính là người có công lớn.
Tham gia công tác vận động quần chúng tại một địa bàn còn rất nhiều khó khăn, hơn 20 năm làm trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, công an viên, một mình gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm, không nhận một đồng phụ cấp nhưng chị luôn hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ được giao.
Trước đây ở trong thôn, nhiều người đàn ông Phù Lá đến tuổi lập gia đình nhưng vất vả lắm mới lấy được vợ, vì tục thách cưới ở đây còn đây khá cao. Có người thì lấy được vợ nhưng sau đám cưới, hai vợ chồng cùng nai lưng làm để trả nợ vì thế cái nghèo, cái khó cứ bám riết lấy họ. Năm 2004 khi nhận vai trò mới, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nậm Đét, chị Sùng Phà Sủi đã nghĩ ngay đến việc phải thay đổi quan niệm này. Chị đến từng nhà, găp từng người để làm công tác tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tục thách cưới nặng nề, thực hiện đám cưới văn minh, tiết kiệm, để cho trai gái đến tuổi lấy vợ, gả chồng sớm được nên duyên…
Năm 2013, cũng là năm đầu tiên chị ngăn cản thành công một vụ tảo hôn trong xã. Có lẽ chị là người dũng cảm nhất trong thôn, xã đứng ra làm việc này. Và đến giờ, chị bảo đã ngăn được 4,5 cuộc tảo hôn rồi. Những người trong cuộc sau này hiểu chuyện không còn thấy “khó chịu” với người phụ nữ cứ “thích xen vào chuyện của người khác” như Sùng Phà Sủi.
Chị Sùng Phà Sủi chia sẻ, người dân đã tín nhiệm mình, Đảng, Nhà nước đã tin và giao nhiệm vụ thì mình phải hoàn thành tốt thôi. Mình tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con làm giàu chính đáng bằng sức lao động của mình, trên chính mảnh đất quê hương mình.
“Niềm vui lớn nhất của mình là được bà con tin tưởng, nghe và làm theo lời mình nói. Cuộc sống của họ thay đổi, đói nghèo dần bị đẩy lùi chính là động lực để mình tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, chị Sủi kể.
Đi dưới tán quế ken dày, tỏa hương thơm ngào ngạt trên những cánh rừng chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới của vùng đất này. Tống Thượng hiện tại có 74 hộ, trong đó, 11 hộ giàu, 23 hộ khá, nhiều hộ thu nhập bình quân vài chục triệu một năm. Từ năm 2013 đến nay, cả bản đã có hơn 20 hộ thoát nghèo, còn lại 30 hộ nghèo. Người dân nơi đây đang dần từng bước vươn lên làm giàu, những đứa trẻ được đến trường học cái chữ, bà con sống bình yên trong những ngôi nhà bên sườn núi, nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang đang xóa dần đi một số hủ tục - Đó là phần thưởng lớn nhất cho những người phụ nữ như Sùng Phà Sủi.
Người dân các thôn bản vùng cao ở Cao Tân (Pắc Nặm, Bắc Kạn) đã quá quen với hình ảnh cô cán bộ Mặt trận Hoàng Thị Biên.
Khi người trẻ làm công tác Mặt trận
Trưởng thành từ Đoàn Thanh niên, khi chuyển sang làm cán bộ Mặt trận, Hoàng Thị Biên – chủ tịch MTTQ xã Cao Tân (huyện Pắc Nặm- Bắc Kạn) dành gần như trọn vẹn sự năng động, nhiệt huyết và trách nhiệm của một người cán bộ cơ sở cho bà con vùng cao.
Cao Tân vốn là một xã vùng cao, địa hình phức tạp, bà con đa phần sinh sống rải rác trên các triền núi, trong đó một bộ phận không nhỏ đồng bào vẫn còn giữ tập quán canh tác cũ nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Hiện xã có 777 hộ với 3.893 nhân khẩu, thì có tới 50% là hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống khó khăn khiến việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các phong trào, cuộc vận động rất khó khăn. Thế nhưng, khó không có nghĩa là không làm được, nhất là với những người trẻ, năng động như Biên.
Trong xây dựng nông thôn mới cách tuyên truyền tốt nhất là cán bộ Mặt trận, trưởng thôn, Bí thư chi bộ làm và vận động người thân của mình trước, bà con thấy vậy không ai bảo ai đều làm theo. Quá trình làm cán bộ Mặt trận luôn phải bám cơ sở, tuyên truyền cho dân hiểu xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích của dân để bà con chủ động tham gia, không trông chờ nhà nước.
Chị Biên chia sẻ, làm công tác Mặt trận đòi hỏi cán bộ phải linh hoạt, khéo léo khi tiếp xúc với từng người. Gặp người trẻ thì nói lý, người già lại phải dùng cái tình. Thế nhưng với những cán bộ trẻ như tôi khi đi vận động chưa thể tạo lòng tin với bà con ngay vì vậy, cần phải có một quá trình thể hiện sự chững chạc trong giao tiếp, biết cách vận động, thái độ khiêm tốn và nói phải luôn đi đôi với làm.
Trong 50% số hộ nghèo và cận nghèo của Cao Tân, đa phần bà con sống trong những ngôi nhà nằm rải rác trên núi. Thế nhưng, khó khăn không ngăn được bước chân của người trẻ. Biên bảo, mình không ngại xa, không ngại khó chỉ ngại vào đến nơi mà không vận động được bà con thực hiện các phong trào. Cũng do quá khó khăn mà đến nay Pù Lườn và Lủng Pạp vẫn chưa xây dựng được đường nông thôn mới. Tuy nhiên, các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận vẫn được triển khai rất tốt, nhờ những người cán bộ bám thôn bản.
Trước đây, bà con người Mông vẫn có tập tục, khi trong nhà có người chết không cho vào áo quan đem chôn mà vẫn dựng ở chân vách chờ cho đến khi con cháu về tề tựu đông đủ. Mỗi ngày khi đến bữa ăn cái xác đó sẽ được người thân bón cơm. Đám ma thì kéo dài từ 5-7 ngày, ăn uống linh đình, tốn kém. Bà con cho rằng, khi nhà có người chết thì các con vật nuôi cũng phải giết thịt, kể cả to hay bé. Cuộc sống của bà con vì thế đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Để vận động bà con thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc. Mưa dầm thấm lâu, cán bộ về bản vừa tuyên truyền, vận động vừa phân tích rõ cho bà con những hủ tục rườm rà, tốn kém khiến cái nghèo khó cứ quẩn chân hết năm này tháng khác. Vừa vận động vừa chọn những gia đình người thân của cán bộ làm trước để noi gương. “Giờ thì mọi việc đã thay đổi rồi, mỗi khi nhà có đám tang, bà con chỉ mời ông trưởng nhóm đạo về đọc kinh thánh, mọi thủ tục cũng rất đơn giản, gọn ghẽ, không làm ảnh hưởng tới môi trường” – chị Biên cho biết.
Người dân ở Cao Tân đã quá quen hình ảnh cô cán bộ Mặt trận năng nổ, nhiệt huyết. Không quản ngày nghỉ hay tối muộn, cứ có việc là lên đường. Nhiều hôm, trưởng ban Công tác Mặt trận báo, cuộc họp chỉ tổ chức lúc 8 giờ tối vì bà con lúc đấy xong việc mới ra dự, thế là vừa ăn xong bát cơm, chị đã vội vã xuống thôn. Hay những buổi đi khảo sát xây nhà đại đoàn kết, đường xá khó khăn là vậy nhưng cũng phải mất tới vài buổi mới đưa ra được những con số chuẩn xác. Chị luôn tâm niệm, mình phải làm thật công bằng, chính xác mới tạo được niềm tin cho bà con.