Ấn bản Lĩnh Nam chích quái của NXB Kim Đồng là một cái tên hot ngay từ khi ra mắt. Buổi giao lưu với họa sĩ Tạ Huy Long vừa được tổ chức tại phố sách Hà Nội là cơ hội để độc giả hiểu hơn về cuốn sách cũng như tìm hiểu về quá trình hoàn thành hơn 200 bức tranh của anh.
Họa sĩ Tạ Huy Long giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt sách Lĩnh Nam chích quái.
Lĩnh Nam chích quái theo phong cách artbook là một trong hơn 60 tác phẩm ra mắt nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (1957-2017). Đây là tập truyện ghi lại những chuyện kỳ lạ ở nước Nam, là một danh tác văn học trung đại, một báu vật trong di sản văn hóa của ông cha.
Ở Lĩnh Nam chích quái, những truyện tích thần kì được góp nhặt và ghi chép lại thể hiện quan niệm của ông cha về lịch sử dân tộc, về phong tục tập quán, về cách đối nhân xử thế…
Với hơn 200 tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long, Lĩnh Nam chích quái là ấn bản đầu tiên có tranh minh họa màu tuyệt đẹp, vén bức màn quá khứ để phát quang ánh sáng của viên ngọc minh châu quý giá này. Hơn 200 bức tranh minh họa trong Lĩnh Nam chích quái được vẽ tay hoàn toàn, thực hiện kì công, mô phỏng phong cách tranh khắc gỗ dân gian. Mỗi bức tranh gồm hai bản, một bản nét đen, và từ một đến hai bản màu. Một kì công thực sự của họa sĩ Tạ Huy Long, thể hiện tâm huyết và tài năng độc đáo của anh.
Theo đánh giá của TS Tô Lan- Viện Hán Nôm: Những bức tranh trong Lĩnh Nam chích quái có thể xem như một cuốn sách song hành với tác phẩm, bởi từ những bức tranh người đọc cũng có thể hiểu được toàn bộ câu chuyện. Đây không chỉ là những bức tranh minh họa đơn thuần, đi sâu vào từng bức tranh, chi tiết người đọc sẽ thấy được sự tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo của họa sĩ.Tạ Huy Long đã tạo nên một văn bản mới bằng ngôn ngữ hội họa của mình.
Chia sẻ với độc giả về quá trình tạo nên một phong cách mới trong Lĩnh Nam chích quái, họa sĩ cho hay: Khó nhất là sự giản dị. Tất cả minh họa tranh vẽ của tôi là những ghi chép, ghi nhớ từ bé đến khi làm kiến trúc, phục dựng những công trình cổ. Đó là cả một quá trình tích lũy.
Lí giải sức hút của cuốn sách, họa sĩ Tạ Huy Long cho rằng bản thân “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp đã thu hút bạn đọc ngay từ ý nghĩa cái tên của nó: Những chuyện kỳ quái nước Nam. Ngoài ra, chất liệu giấy rất đẹp và kì công tạo chất cảm cho người đọc, kết hợp cách làm đồ họa mạch lạc, dứt khoát và kiệm màu tuy gần gũi với cách làm tranh truyền thống của người Việt, song rất phù hợp với xu thế hiện đại nên sẽ được các bạn trẻ đón nhận nhiều hơn.
Còn theo TS Tô Lan, sự thành công của cuốn sách còn nằm ở thông điệp mà tác phẩm truyền tải: Có một sự gặp gỡ cực kì lớn giữa dịch giả và họa sĩ. Ở đây chúng tôi không nhằm mục đích đi tìm nguồn gốc của những truyện trong Lĩnh Nam chích quái, chúng tôi chỉ muốn chứng tỏ rằng trước khi nêu cao tính chất dân tộc của tác phẩm cũng cần phải có một cái nhìn toàn diện.
Cần hình dung Việt Nam như vốn có trong quá khứ, đó là giao điểm của sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các châu lục, các luồng di dân. Đây là mảnh đất màu mỡ để tiếp thu, chia sẻ chứ không phải để độc chiếm.