Giữa những ngày cực kỳ căng thẳng vì dịch bệnh, những bức thư cảm ơn của bệnh nhân đã được chữa khỏi, của những người vừa trải qua đợt cách ly đã tiếp thêm niềm tin cho mỗi chúng ta. Để trong hoạn nạn vẫn thấy ấm áp tình người, thấy đủ niềm tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng bệnh dịch. Không chủ quan, thận trọng, cảnh giác để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng nhưng cũng không kỳ thị.
Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, hai vợ chồng ông bà Cath và David Butler (người Anh) đã gửi thư cảm ơn về những gì đã nhận được thời gian qua tại khu cách ly ở Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Sau khi trải qua 9 đêm tại khu cách ly, hôm qua (16/3), hai ông bà người Anh được về lại khách sạn, rồi họ sẽ bay trở về nước Anh. Chia sẻ với báo chí, ông Butler nói rằng những ngày ở tại khu cách ly, khó khăn lớn nhất với ông chính là ngôn ngữ. Còn mọi thứ, từ chuyện ăn uống, sinh hoạt, đối đãi đều rất tốt. “Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng. Bệnh viện đã làm rất tốt. Các nhân viên y tế đối xử với chúng tôi rất tử tế. Tôi rất cảm ơn mọi người. Cảm ơn Việt Nam”.
Là cặp vợ chồng người Anh đi du lịch đến Việt Nam ngày 1/3 trên chuyến bay VN54 có hành khách dương tính (bệnh nhân số 17), họ được đưa đến Bệnh viện Đống Đa cách ly. Trong thư, ông bà Butler viết: “Trang thiết bị của bệnh viện ở đây rất khác với ở Anh, tuy nhiên chúng tôi đã có tất cả những gì chúng tôi cần. Chúng tôi đã phải khá vất vả vì vấn đề ngôn ngữ cho đến khi tìm được 1 bác sĩ nói được tiếng Anh, người đã giúp chúng tôi rất nhiều và cung cấp đầy đủ thông tin. Chúng tôi rất hiểu thực tế này, đây là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện nay và chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc chúng tôi rất tốt.”
Ông bà Butler có thể nói chỉ là một trong số những người nước ngoài đến Việt Nam du lịch và người Việt Nam trở về từ nước ngoài được cách ly theo dõi trong những ngày qua. Lời cảm ơn của ông bà Butler cũng chỉ là một trong số những tiếng nói cho thấy Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang làm rất tốt việc chống dịch, không phải chỉ là trách nhiệm với công dân Việt Nam, mà với bất kỳ ai, không phân biệt, đã đặt chân đến đất nước Việt Nam. Trong số những ca nhiễm bệnh liên tiếp xuất hiện được Bộ Y tế Việt Nam công bố những ngày qua, có rất nhiều trường hợp là người nước ngoài. Cho thấy, gánh nặng chống dịch không phải chỉ là lo cho sự lây lan trong cộng đồng, mà còn là nỗ lực để vừa đảm bảo chữa bệnh cho người từ bên ngoài vào, vừa thực hiện cách ly không để dịch lan rộng hơn nữa.
Tất nhiên, trong những ngày qua, trong xã hội không phải không xuất hiện tâm lý kỳ thị người mắc bệnh và người nghi nhiễm. Điều này là đi ngược lại với xã hội văn minh. Kỳ thị người mắc dịch bệnh chỉ nên là biểu hiện của thời kỳ xã hội chưa phát triển, khoa học chưa phát triển. Trong khi với hiểu biết của con người ở thời đại ngày nay, kỳ thị là một biểu hiện cần phải loại bỏ.
Những người đã mắc Covid-19 hay những người nghi nhiễm phải cách ly đều không phải là đối tượng bị phân biệt đối xử. Tất cả những biện pháp được triển khai quyết liệt những ngày qua đều để đạt tới hiệu quả là đảm bảo khoanh vùng, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Cách ly là biện pháp y tế cần thiết và hiệu quả, cách ly không phải là hình thức ngược đãi và trừng phạt.
Thật mừng là tâm lý kỳ thị không phải phổ biến trong xã hội. Về cơ bản, đứng sát cánh cùng các cấp chính quyền, người dân Việt Nam đang thể hiện và đang thực hiện tốt thái độ và trách nhiệm trong việc nỗ lực cùng Chính phủ chống dịch Covid-19. Một vài biểu hiện của bi quan, của kỳ thị, của thiếu trách nhiệm công dân đều chỉ là những cách hành xử lạc lõng. Những cảm xúc kỳ thị nhất thời trong thái độ đối với du khách nước ngoài hay với người Việt Nam từ nước ngoài trở về khi họ trong thực tế đang là nguồn “nhập khẩu” Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi. Việt Nam đang ứng xử đầy trách nhiệm không phải chỉ với công dân Việt Nam mà còn với cả cộng đồng quốc tế.
Trong những ngày qua có nhiều bức thư xuất hiện giữa mùa dịch. Những bức thư cảm ơn của bệnh nhân, của du khách nước ngoài chẳng may nhiễm bệnh hay nghi nhiễm trong những ngày lưu trú tại Việt Nam khiến chúng ta hiểu rằng Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng. Đằng sau những bức thư, hơn ngàn lời nói, là cách tốt nhất để trả lời rằng nhân dân Việt Nam vẫn đang chứng tỏ một tinh thần đoàn kết, hiếu khách, nhân hòa cùng chia sẻ khó khăn vượt qua đại dịch. Thái độ kỳ thị là có, tâm lý hoang mang lo sợ là có nhưng không phải là dòng chủ lưu. Thái độ của chúng ta hôm nay trong ứng phó với đại dịch sẽ tạo cho chúng ta một tương lai khác, để Việt Nam khi qua cơn dịch dã vẫn sẽ là điểm đến an toàn, hiếu khách.