3 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp liên tục đứng trước nhiều khó khăn khi Covid-19 hoành hành. Dịch bệnh vừa được kiểm soát, tạm ổn thì lại đến sự suy thoái mạnh của kinh tế thế giới, sức mua toàn cầu lao dốc không phanh, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước rơi vào cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp Việt từng bước “vượt bão” một cách ngoạn mục. Nhiều doanh nghiệp - doanh nhân Việt vẫn như “những cánh chim không mỏi” bay qua biển lớn giữa mưa giông bão tố…
Nhanh chóng “vượt bão”
Trở về sau chuyến đi châu Âu và Trung Đông, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony không giấu được niềm vui lớn. “May quá! Tôi đã tìm được đơn hàng cho công nhân. Mặc dù lợi nhuận của đơn hàng không cao, thậm chí là không lợi nhuận, song điều vui nhất là công nhân và doanh nghiệp vẫn được sát cánh, đồng hành cùng nhau” - ông Anh hồ hởi nói. Chia sẻ với những trăn trở trước “bão suy thoái”, vị doanh nhân này cho hay, trước chuyến đi tìm bạn hàng ông trăn trở rất nhiều. Căng nhất là tính đến chuyện cho người lao động nghỉ Tết sớm. Còn ra Tết, sẽ đành cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng sản xuất. Thế nhưng, chuyến tìm bạn hàng vừa qua như “nắng hạn gặp mưa rào” đối với doanh nghiệp.
Nói về hành trình “vượt bão” cho doanh nghiệp, ông Phạm Quang Anh kể lại, sau dịch bệnh, doanh nghiệp phấn khởi bắt tay vào hoạt động sản xuất với mong muốn lấy lại những gì đã mất. Tuy nhiên, được vài tháng thì sức mua của thị trường thế giới lao dốc do kinh tế lạm phát cao. Nhận thấy thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Dony đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Lúc này thị trường nội địa được xem là hướng đi tích cực, đầy triển vọng khi người tiêu dùng không quá “kén cá, chọn canh”. Kỳ vọng rất nhiều ở nội địa, song do độ trễ của thị trường nên sức mua trong nước bắt đầu ảm đạm. Bài toán cuối cùng được Dony đưa ra lời giải, thay vì gia công cho các thương hiệu nổi tiếng quốc tế, đơn vị chuyển hướng sản xuất hàng giá rẻ. Để giữ chân các đơn hàng giá rẻ, ông Phạm Quang Anh lên kế hoạch sản xuất “zero” lợi nhuận. Đơn vị cùng với các doanh nghiệp trong chuỗi kéo giảm mạnh lợi nhuận nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giúp đối tác cạnh tranh hiệu quả hơn trên thương trường. “Thật ra, trong khó khăn việc tìm đơn hàng không quá gắt. Quan trọng là cả chuỗi sản xuất đồng lòng giảm giá thành sản xuất để sản phẩm đến tay nhà nhập khẩu với giá cạnh tranh nhất”. Theo vị lãnh đạo trẻ của doanh nghiệp này, sản xuất hiện nay đừng quá thiên về lợi nhuận, còn công nhân, còn doanh nghiệp là còn tất cả. Duy trì tất cả, chờ đợi thị trường ổn định sẽ tập trung phát triển trở lại.
Lách qua cánh cửa hẹp để phát triển
Chia sẻ, cảm phục sức bền, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trước những trở ngại lớn, nhiều chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp Việt như những cánh chim không mỏi, vượt qua hết bão này đến bão khác một cách ngoạn mục. Ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong “vượt bão dịch bệnh”, “vượt bão suy thoái” - TS Trần Du Lịch nhận định, doanh nghiệp Việt có 2 đặc điểm mà thế giới không có. Đó là tinh thần lạc quan và tính linh hoạt. Theo ông Lịch, tình hình kinh tế thế giới khó lường, khó khăn chồng chất. Dự báo, năm 2023 là “mùa đông” của nền kinh tế.
Còn theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam thì doanh nghiệp phải luôn chuẩn bị tâm thế sống chung với mọi biến động. Đồng thời nâng cao nội lực và khả năng quản trị, ứng biến với sự thay đổi của thị trường.
Suốt 3 năm qua cả thế giới gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng - tiêu thụ bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp liêu xiêu. Thế nhưng, ông Phan Minh Thông cùng Phúc Sinh Group vẫn tìm được những “cánh cửa hẹp” để nông sản đến tay nguời tiêu dùng. “Dịch bệnh ập đến các chợ truyền thống, cửa hàng phải đóng cửa hàng loạt, nhưng chợ online thì vẫn hoạt động trơn tru. Chúng tôi đã tạo được một “cổng” kết nối trực tuyến với khách hàng rất tốt. Nếu bình thường, có lẽ Phúc Sinh chưa thể kết nối với hàng triệu khách hàng như đã làm trong năm qua. Vì vậy, khi Covid-19 đến, doanh nghiệp vẫn sản xuất bình thường và giữ được nhiều đơn hàng. Trong nước, doanh số của Phúc Sinh còn khá nhỏ so với chính doanh số xuất khẩu của chúng tôi, nhưng tăng trưởng là 100%/ năm. Song song đó, các đơn hàng từ nhiều nhà mua hàng trên thế giới, kể cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng tìm đến” - ông Thông chia sẻ.
Nhận định về thị trường xuất khẩu hàng nông sản, vị doanh nhân có 20 năm dày dạn kinh nghiệm xuất khẩu cho hay, nhu cầu thị trường sản phẩm bền vững tăng trưởng mạnh, thậm chí 100% mỗi năm, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê nói riêng và nông sản nói chung. Việt Nam có cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023, do tiềm năng còn rất lớn và có thể đi xa hơn. Tiết lộ thành quả kinh doanh trên thị trường thế giới, “ông trùm” hồ tiêu Việt Nam vui vẻ thông tin: “Hiện, chúng tôi vẫn giữ khoảng 8% thị phần hồ tiêu của toàn cầu. Sản phẩm của đơn vị xuất khẩu sang hàng trăm quốc gia, kể cả những thị trường khó tính. Doanh nghiệp đang từng bước đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm nông sản chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, mang ý nghĩa sản vật địa lý của Việt Nam đến các quốc gia”.