Những 'cây cầu' thắm tình đậm nghĩa

Nguyên Khánh 06/12/2015 08:23

Những người con đất Việt không chỉ đang khẳng định vị thế của Việt Nam tại nước sở tại mà họ đang cần mẫn như những chú ong thợ xây lên những “cây cầu” để đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Trương Thị Hồng (Hồng Shurany) và người phụ nữ quyền lực Phan Bích Thiện là hai trong số rất nhiều người Việt Nam đã và đang bền bỉ làm những chiếc cầu nối thắm tình hữu nghị này.

Những 'cây cầu' thắm tình đậm nghĩa

Gia đình chị Phan Bích Thiện (trái) và vợ chồng chị Trương Thị Hồng (phải).

Đưa Việt Nam đến gần Israel

Chị Trương Thị Hồng sinh năm 1973, quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Chị tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, chuyên ngành kế toán. Năm 2001, chị kết hôn với anh Nadav Shurany người Israel. Năm 2003, sau khi có với nhau 1 cậu con trai, chị theo chồng về định cư tại thành phố Netanya.

Chồng chị không muốn vợ vất vả, nên đề nghị chị ở nhà chăm sóc gia đình vì anh có đầy đủ điều kiện lo cho gia đình nhỏ của mình. Nhưng với bản tính chịu thương chịu khó, không thể biến mình thành “cây tầm gửi”, chị đã trải nghiệm cuộc sống trên rất nhiều lĩnh vực từ làm cho một nhà hàng mang thương hiệu Việt Nam đến làm cho công ty xuất nhập khẩu trái cây.

Nói về lý do tại sao chị lại quyết “đưa hình ảnh Việt Nam” đến với người Israel, chị Hồng kể: “Trong những lần đi chơi, đi du lịch, người dân Israel thường hỏi quê chị ở đâu? Tôi trả lời, tôi là người Việt Nam”. Thế nhưng, quá nhiều người trong số họ không hề có thông tin về Việt Nam. Tại sao mình không đưa Việt Nam đến gần hơn với Israel nhỉ, chị tự nhủ! Ý tưởng thành lập một công ty du lịch để giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và làm cầu nối đưa người dân Israel sang du lịch Việt Nam đã lóe lên trong đầu chị.

Được sự hậu thuẫn của chồng và nhà chồng, chị đã liên hệ với một số đối tác ở Việt Nam và đầu năm 2007, chị thành lập và làm giám đốc Công ty phát triển dịch vụ du lịch mang tên Travel Vietnam with Hong (TVWH). Sau gần 3 năm hoạt động, từ một công ty nhỏ, giờ đây TVWH đã phát triển rộng, đưa nhiều khách du lịch Israel sang Việt Nam.

Hiện công việc của chị chủ yếu là tư vấn cho người bản địa về đất nước và con người Việt Nam. Nhờ uy tín của chồng, nhà chồng, cũng như chính những người đã từng nhờ sự tư vấn đã đến Việt Nam góp phần quảng bá, công ty của chị ngày càng ăn nên làm ra. Giờ thì các tuor du lịch Hà Nội, Hạ Long, Sapa, Huế, Hội An, TP HCM, đồng bằng sông Mê Kông… đã trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch Israel. Không dừng lại ở lĩnh vực du lịch. Phải góp phần làm cho đất nước giàu mạnh hơn.

Sau nhiều ngày tháng chuẩn bị, Hồng Shurany chính thức trở thành chiếc cầu nối đưa các doanh nghiệp Israel sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam và ngược lại. Hiện, công việc hằng ngày của chị là cập nhật thông tin kinh tế - xã hội Việt Nam, tìm hiểu những đặc sản mang thương hiệu Việt để nỗ lực hết sức giới thiệu đất nước, con người, bản sắc văn hóa và tình hình kinh tế cùng những tiềm năng triển vọng của Việt Nam tới người Israel.

Con thoi nối đôi bờ Việt - Hung

Người phụ nữ quyền lực có rất nhiều chiến tích làm cầu nối hai nước Việt Nam - Hungary không thể không kể đến công của chị Phan Bích Thiện. Chị là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Việt Nam -Hungary, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary.

Chị Phan Bích Thiện là người Hà Nội gốc. Năm 1986 chị sang Nga du học rồi ở lại lập nghiệp, lấy chồng và sinh con. Sau một khoảng thời gian sống ở nước Nga chị theo chồng về Hungary sinh sống. Trong suốt quãng thời gian lăn lộn, kiếm sống tại nước Nga và Hungary, chị vẫn như con thoi đi và về Việt Nam, bởi công việc của chị “có yếu tố Việt Nam”. Yếu tố Việt Nam mà chị đề cập đến đó là mang những sản phẩm, vật phẩm văn hóa Việt Nam đến quê chồng chị để góp phần giúp mọi người ở nước Hungary xa xôi hình dung rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Năm 2002, ngay sau khi sinh con gái thứ 2, vợ chồng chị Bích Thiện quyết định mua lại tòa lâu đài ở Simontomya, vốn trước đây do dòng họ Fried xây dựng, trong chương trình tư nhân hóa các lâu đài thuộc sở hữu nhà nước của Hungary. Khi đó, Fried là một lâu đài gần như đổ nát vì trải qua thời gian quá lâu không được trùng tu. Vợ chồng chị đã chỉ mất 2 năm để trả lại cho tòa lâu đài đổ nát Fried vẻ đẹp cổ kính kiên cố từng có của nó.

Trong suốt thời gian này, thực hiện ý tưởng không giống ai, Bích Thiện đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến bay trở về Việt Nam và thông thuộc tất cả đường ngang ngõ tắt của làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Có lẽ sẽ có người cho rằng chị quá phiêu lưu, hoang tưởng với kế hoạch trang bị nội thất từ bàn ghế, giường tủ, cầu thang cho đến các cánh cửa sổ và cửa ra vào... cho tòa lâu đài hoàn toàn bằng các sản phẩm đồ gỗ của Đồng Kỵ.

Đặc biệt là với ý tưởng trang trí mỗi phòng trong tòa lâu đài hoàn toàn khác nhau nên những đồ dùng mà Bích Thiện đặt làm cho từng phòng cũng lại là kết quả lao động nghệ thuật khá công phu của hai vợ chồng chị. Nội thất Đồng Kỵ không những hòa hợp với toàn bộ kiến trúc bên ngoài và sự cổ kính của lâu đài Fried mà lại vẫn giữ được bản sắc của những sản phẩm chỉ có thể có ở Việt Nam.

Nhờ ý tưởng táo bạo này, cùng với sự đầu tư chất xám hết sức nghiêm túc của anh chị - dự án khách sạn lâu đài Fried đã thu hút được sự chú ý của người dân Hungary và tiếp đó là truyền thông nước này khi mà nó sở hữu một lối kiến trúc nội thất mà không một khách sạn nào ở đất nước Hungary xinh đẹp này có được.

Nhờ sự ăn nên làm ra của khách sạn, chị đã có điều kiện lo cho nước Việt thân yêu của mình. Quỹ Vì quan hệ Việt Nam-Hungary xuất phát từ tình cảm sâu nặng với đất nước đã được người phụ nữ nhỏ nhắn này bền bỉ xây dựng. Chia tay với tôi, chị Thiện khẳng định, còn một hơi thở chị còn cống hiến cho đất nước, chị nguyện suốt cuộc đời mình là chiếc cầu nối gắn đôi bờ Hung-Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những 'cây cầu' thắm tình đậm nghĩa