Noh Alam Shah, Lê Công Vinh, Worrawoot Srimaka, Teerasil Dangda và Lê Huỳnh Đức đang là những chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử AFF Suzuki Cup.
1. Noh Alam Shah (Singapore, 17 bàn)
Cựu tiền đạo đội tuyển Singapore chính là chân sút số một trong lịch sử AFF Cup với 17 bàn thắng, trong đó có 7 bàn được ghi trong trận thắng Lào 11-0 hồi năm 2007. Đó cũng là năm Singapore lên ngôi vô địch còn Alam Shah nhận cú đúp danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới (10 bàn).
Nhưng Shah là một cầu thủ khá thất thường và hay gặp vấn đề ở cả trong và ngoài sân cỏ. Anh từng bị treo giò 1 năm vì khiến một cầu thủ đối phương bất tỉnh ở chung kết Cúp quốc gia Singapore.
Trong sự nghiệp của mình, ngoài 2 chức vô địch AFF Cup, anh còn giành khá nhiều danh hiệu cùng Tampine Rovers, Arema Indonesia, và PSS Sieman.
Alam Shah cũng sẽ góp mặt ở AFF Cup 2018, nhưng lần này là với tư cách một trợ lý hay đúng hơn là một người truyền cảm hứng cho các cầu thủ Singapore tại giải lần này.
2. Lê Công Vinh (Việt Nam, 15 bàn)ideo Công Vinh lập công giúp Việt Nam vô địch AFF Cup.
Công Vinh đang là chân sút của Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất tại AFF Cup. Đáng chú ý, năm 2008, cú đánh đầu ngược đáng nhớ của anh ở phút bù giờ sau đường chuyền của Minh Phương đã giúp Việt Nam giành chiến thắng 3-2 sau hai lượt trận trước Thái Lan để lần đầu tiên vô địch tại đấu trường khu vực.
Bàn đầu tiên của Công Vinh tại AFF Cup được ghi vào năm 2004, với hat-trick vào lưới Campuchia (Việt Nam thắng 9-1). Và bàn cuối cùng của anh tại giải đấu này, cũng là vào lưới Campuchia ở AFF Cup 2016. Ngoài ra, Công Vinh còn lập công ở Cúp châu Á và vòng loại World Cup, với tổng cộng 51 bàn sau 83 trận, đạt hiệu suất 0,61 bàn/trận.
Năm 2009, Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở một giải hàng đầu châu Âu khi tới Leixoes SC ở giải vô địch Bồ Đào Nha theo một hợp đồng cho mượn. Sau đó, anh còn tiếp tục thi đấu cho Consadole Sapporo của Nhật Bản.
Sau khi giải nghệ, anh từng làm Quyền Chủ tịch câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Worrawoot Srimaka (Thái Lan, 15 bàn)
Worrawoot từng 3 lần vô địch Tiger Cup vào các năm 1996, 2000 và 2002. Ông là đồng Vua phá lưới năm 2000 với 5 bàn thắng, trong đó có hat-trick vào lưới Indonesia ở trận chung kết.
Bên cạnh 29 bàn thắng cho đội tuyển Thái Lan, Worrawoot còn từng hai lần vô địch AFC Champions League trong màu áo Thai Farmers Club (1994, 1995).
Sự nghiệp cầu thủ thì rực rỡ, nhưng cái duyên huấn luyện viên của Worawoot thì không suôn sẻ như thế. Năm nay, Worrawoot được đôn từ vị trí trợ lý lên làm huấn luyện viên trưởng U21 và U23 Thái Lan, nhưng sau thành tích bết bát ở ASIAD 2018 khi Thái Lan dừng chân ở vòng bảng giải đấu lần đầu tiên sau 24 năm, ông đã bị sa thải.
4. Teerasil Dangda (Thái Lan, 15 bàn)
Không chỉ cùng đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2016 và hai lần về nhì vào các năm 2008, 2012, Dangda còn 3 năm liên tiếp giành danh hiệu Vua phá lưới. Ở tuổi 30, anh cũng là cầu thủ duy nhất trong danh sách này còn thi đấu, đồng nghĩa với việc còn có thể nâng cao hơn nữa thành tích của mình.
Tuy nhiên, ở AFF Cup năm nay, tiền đạo đang khoác áo Sanfrece Hirosima này đã không có tên trong danh sách triệu tập. Thái Lan muốn để dành anh cho vòng chung kết cúp châu Á 2019 vào đầu năm tới, đồng thời tạo cơ hội cho những chân sút trẻ hơn ở giải lần này.
5. Lê Huỳnh Đức (Việt Nam, 14 bàn)
Huỳnh Đức là cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 2 trong lịch sử bóng đá Việt Nam với 28 bàn thắng và điều đặc biệt là có tới 50% trong số này được ghi ở các kỳ AFF Cup 1996 (3 bàn), 1998 (2), 2000 (3), và 2002 (6). Huỳnh Đức cũng dự AFF Cup 2004 và trở thành cầu thủ duy nhất góp mặt ở 5 kỳ Tiger Cup, nhưng không ghi bàn ở giải năm ấy.
Năm 2001, Huỳnh Đức đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở nước ngoài khi khoác áo câu lạc bộ Chongqing Lifan (Trung Quốc).
Sau khi treo giày, Huỳnh Đức dẫn dắt SHB Đà Nẵng giành hai chức vô địch quốc gia (2009, 2012) và một Cúp quốc gia (2013).