Ngày 27/3, chính quyền Ecuador và Peru chính thức cho biết: Trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra ngày 18/3 đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, hơn 126 người bị thương và nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Tuy nhiên, trận động đất tại Ecuador và Peru cũng chỉ là một trong số những thảm họa thiên nhiên bất thường trong tháng 3 năm nay, tháng được coi là có hình thái thời tiết dị thường ở nhiều nơi trên Trái đất.
Ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Mississippi, sau khi một cơn bão mạnh kèm lốc xoáy khiến ít nhất 25 người thiệt mạng ở bang này và 1 người khác ở Alabama. Ông Biden đã ra lệnh bổ sung viện trợ liên bang cho các hạt bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung vào các nỗ lực xây nhà ở tạm thời, sửa chữa nhà cửa, các khoản vay bù đắp tài sản không được bảo hiểm cùng các chương trình hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp khác.
Trước đó, bang California (Mỹ) phải đối phó với mưa lớn, lũ lụt trong đợt bão “sông khí quyển”. Truyền thông Mỹ nói rằng đây là trận đại hồng thủy tạo ra từ những dòng hơi ẩm dày đặc của Thái Bình dương quét qua bầu trời California, khi mà một số khu vực vùng núi vẫn còn bị tuyết bao phủ.
Nhiều cư dân thị trấn Big Bear, quận San Bernardino cho biết, họ hoàn toàn bất ngờ trước những trận bão tuyết dữ dội, nhiều người bị vùi lấp. Trú ẩn trong nhà, họ run rẩy khi truyền hình đưa tin đó là những cơn bão tuyết nghiêm trọng nhất chưa từng có đối với vùng cao của khu vực Nam California. Nó càn quét một khu vực rộng lớn là nơi sinh sống của khoảng 26 triệu người, bao gồm thành phố Los Angeles mở rộng, khu vực vịnh San Francisco và vùng đô thị Sacramento.
Cơ quan Dịch vụ thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, đợt bão “sông khí quyển” có tổng lượng mưa dao động từ 76 mm đến 250 mm trên toàn khu vực. Rachel Monte Dion, điều phối viên dịch vụ khẩn cấp của hạt San Luis Obispo nói, ngày nào họ cũng phải cắt cử nhau để theo dõi các con đê, lạch và sông cũng như chuẩn bị các bao cát. Trong khi đó, Andres Garcia, một người dân kể: "Chúng tôi sống cách con sông gần 100 mét nhưng nước dâng lên đã lấy đi của chúng tôi tất cả”. Brandon Dykstra, chủ trang trại ở Tulare thì nói, mọi năm vào thời điểm này nhiều loại cây trồng đã sẵn sàng thu hoạch. Nhưng nay thì các cây hạnh nhân và hạt dẻ cười đều đã ngập trong nước khoảng 1 mét.
Trong khi đó, nắng nóng và hạn hán khốc liệt đã trở lại châu Âu sau một mùa đông khô hạn bất thường trên khắp phía Nam lục địa, làm giảm độ ẩm trong đất. Nhiều người lo ngại lặp lại thảm kịch của năm 2022 với 785.000 ha rừng thiêu rụi - nhiều gấp đôi trung bình hằng năm trong 16 năm qua, theo thống kê của Ủy ban châu Âu.
Ở Pháp, những cột khói trắng bốc lên từ một khu rừng bên ngoài thị trấn Hostens thuộc vùng Gironde, phía nam Bordeaux. "Nó đã cháy từ giữa tháng 7 năm ngoái. Đến nay, chúng tôi không làm sao ngăn chặn được nó" - ông Guillaume Carnir làm việc ở Cơ quan Lâm nghiệp quốc gia Pháp (ONF) thừa nhận. Mùa hè năm ngoái, Gironde đã mất tới 20.000 ha rừng do bị cháy.
Còn tại Tây Ban Nha, một trận hỏa hoạn khốc liệt mới đây đã khởi đầu cho “mùa cháy rừng”, thiêu rụi 4.000 ha rừng, buộc 1.500 người ở làng Villanueva de Viver cùng 200 người khác từ tỉnh Teruel của vùng Aragon phải rời bỏ nhà cửa, bỏ lại gia súc ra đi.
Những chỉ dấu bất thường về thời tiết trong tháng 3 này không chỉ xuất hiện ở Âu - Mỹ, mà còn ở nhiều vùng lãnh thổ khác. Tại Indonesia, một quốc đảo châu Á, núi lửa Merapi đột ngột phun trào, gây ra cột tro bụi cao khoảng 1.300 mét. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia cho biết, dòng dung nham trượt dài 1,5 km, trong khi tro nóng bốc cao và bay xa tới 7 km về phía dưới sườn núi. Cùng lúc núi lửa Merapi “thức giấc” thì cũng có tới 25 vụ lở đất đá trên núi.
Cũng trong tháng 3, bão Freddy khiến ít nhất 460 người chết ở Malawi (châu Phi), hơn 500.000 người bị ảnh hưởng. Cơn bão ập đến đúng lúc nước này đang bùng phát dịch tả. Chính phủ Malawi đã gấp rút lập ra hơn 300 cơ sở trú ẩn cho những người sống sót, trong khi quân đội và cảnh sát tiếp tục tìm kiếm thi thể người xấu số. Trung tá Dickens Kamisa thuộc Lực lượng phòng vệ Malawi, làm việc tại thành phố Blantyre cho biết: “Chúng tôi rất khó cứu được người còn bị mắc kẹt. Thách thức quá lớn là khu vực này rất lầy lội và chúng tôi phải dùng xẻng và cuốc để tìm kiếm các nạn nhân”.
Tháng 3 sắp đi qua, đã chứng kiến nhiều hình thái thời tiết khác thường. Điều đó được các nhà khí tượng học cho rằng là một chỉ dấu thời tiết bất ổn trong năm.
Trang The Guardian dẫn một báo cáo cho rằng thế giới đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã phải kêu gọi người dân cần tiết kiệm nước trong bối cảnh nguy cơ hạn hán sẽ còn kéo dài. Nằm dưới chân dãy núi Pyrenees, hồ Montbel nổi tiếng ở vùng Tây Nam nước Pháp với làn nước màu ngọc lam. Tuy nhiên, ở thời điểm này nó đã biến thành một vùng đất trũng khi phải trải qua một mùa đông khô hạn nhất trong 64 năm qua. Các nhà chức trách Pháp đang thực hiện kế hoạch chuyển hướng sông Touyre gần đó để giúp lấp nước đầy hồ. Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo, các tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới.