Những chỉ huy trưởng trong ‘pháo đài’ chống dịch

Hoàng Chiến 17/09/2021 05:12

Dịch Covid-19 bùng phát là quãng thời gian vất vả nhất trong suốt những năm công tác của Tổ trưởng tổ dân phố. Nhưng cũng chính từ đó, vai trò của những Tổ trưởng tổ dân phố “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” lại rõ nét hơn bao giờ hết…

Đau đáu với những hoàn cảnh khó khăn

Chiều tối ngày 15/9, ông Thái Ngọc Oanh (60 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 14 phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn mải mê làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát. Cuộc trò chuyện với PV cứ được vài phút thì chuông điện thoại của ông lại réo lên từng hồi. Lúc thì sinh viên thuê trọ, khi thì người dân hỏi về việc tiêm vaccine, đến việc bao giờ hàng quán được mở lại… Qua lớp khẩu trang kín mít, chỉ thấy tiếng ông cười: “Từ hồi giãn cách, trong điện thoại có cả hàng trăm cuộc gọi mà chẳng biết của ai, cứ ai hỏi gì trả lời nấy thôi…”

Ông Oanh kể lại, từ khi “vùng xanh” của tổ dân phố 14 được dựng lên cũng là lúc các nhóm Covid cộng đồng bắt tay vào nhiệm vụ, cứ 3 người 1 nhóm, mỗi nhóm phụ trách 17 hộ gia đình. Ông Oanh cùng tổ Covid cộng đồng hàng ngày kéo loa đi từng ngõ, “gõ cửa từng nhà” tuyên truyền người dân thực hiện 5K, tiêm phòng vaccine...

Hơn 9 năm làm Tổ trưởng, thuộc trong lòng bàn tay từng hộ dân trên địa bàn nhưng chưa bao giờ ông Oanh bị choáng ngợp bởi khối lượng công việc nhiều như những ngày này.

“Công việc phát sinh phải gấp 3, gấp 4 lần ngày thường: Từ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 5K cho đến tiến hành rà soát tỉ mỉ từng đối tượng gặp khó khăn, sinh viên mắc kẹt để họ không bị bỏ rơi mà ổn định cuộc sống trên địa bàn. Có những ngày phải thức đến 3, 4h sáng lập danh sách. Giữa đêm phải gọi điện đến từng trường hợp để xác nhận hỗ trợ” - ông Oanh tâm sự.

Ông Thái Ngọc Oanh, Tổ trưởng tổ dân phố 14 phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát.

Mất ăn mất ngủ như vậy, cứ tưởng đến sáng hôm sau phải phát ốm, nhưng cứ nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn trong những ngày giãn cách chưa được giải quyết, ông lại có động lực để tiếp tục công việc. “Mình chỉ lo người dân thiệt thòi, chậm trễ nhận được hỗ trợ, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi bao giờ tiền mới đến tay người yếu thế?”.

“Hiểu được tâm lí của những người xa nhà, lại rơi vào tình cảnh khó khăn dịch bệnh nên tôi coi sinh viên thuê trọ như con cái trong nhà, giúp được gì cho các cháu tôi không ngại” - ông Oanh trầm ngâm.

Nghĩ là làm, ông đã vận động được các chủ nhà trọ giảm từ 25% đến 50% tiền nhà cho sinh viên và người người lao động. Ông cũng đứng ra kêu gọi ủng hộ, thành lập quỹ phòng dịch của tổ dân phố, trao hàng trăm suất quà đến tận tay các sinh viên đang trọ học ở địa bàn”.

Ông Nguyễn Văn Hòa (62 tuổi) chia sẻ: “Có tổ trưởng tổ dân phố như ông Oanh chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Từ công tác phòng, chống dịch đến hỗ trợ người dân gặp khó khăn đều được ông thực hiện rất nhanh chóng và kịp thời, đảm bảo cho cả tổ dân phố không có ai bị bỏ lại phía sau, giữ vững “vùng xanh” an toàn cho đến ngày hết dịch”.

Thế nhưng, trăn trở lớn nhất của những người Tổ trưởng như ông Oanh là làm sao các văn bản chỉ đạo của cấp trên khoa học, đồng bộ hơn, kèm theo những hướng dẫn cụ thể và thời gian thực hiện được nghiên cứu kĩ lưỡng để những người Tổ trưởng không phải loay hoay giải thích với người dân. Từ đó xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, gắn bó, cùng nhau phát triển và tình cảm như một gia đình.

Tổ trưởng Tổ dân phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19.

Cư dân an toàn là nhiệm vụ tối thượng

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đáng lẽ ông Phan Lang (76 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 29, phường Trung Hòa, Cầu Giấy) nghỉ ngơi tuổi già như bao người khác. Thế nhưng, người dân Tổ dân phố 29, phường Trung Hòa vẫn bắt gặp hình ảnh một ông lão sẵn sàng “xắn tay áo”, ngày đêm tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

15 năm công tác, chứng kiến bao thăng trầm, khó khăn nhưng ông Lang vẫn không khỏi bất ngờ trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và cũng từ đó ông bắt tay vào thực hiện hàng loạt các công việc chưa từng có tiền lệ.

Những ngày Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách là những ngày ông Lang cùng phối hợp với Ban quản lí tòa nhà G4 Vũ Phạm Hàm và tòa nhà Trung Yên 1 thực hiện công tác truyền thanh, nhắc nhở người dân hạn chế đi lại, lập nhóm Zalo theo tòa nhà để thông tin nội bộ. Đồng thời tích cực chuẩn bị trang thiết bị phòng, chống dịch, lên phương án vừa tuyên truyền, vừa giám sát chặt chẽ người dân để bảo vệ “vùng xanh” an toàn của 2 tòa nhà.

“Tổ dân phố được coi là cánh tay phải của phường trong quản lí cư dân trên địa bàn, thực hiện các yêu cầu chỉ đạo từ cấp trên và cũng là lực lượng gần dân, hiểu dân nhất. Bởi vậy có quản lí tốt từ Tổ dân phố thì dịch bệnh mới không lây lan” - ông Phan Lang chia sẻ với chúng tôi. Cũng theo ông, dù phải thực hiện rất nhiều công việc không tên trong những ngày chống dịch, có ngày trực chiến 24/24h, nhưng các thành viên trong tổ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm mình vì mọi người.

“Trên địa bàn tôi quản lí có rất nhiều thuận lợi bởi người dân trong các tòa nhà hầu hết là đều là những người có trình độ hiểu biết, ý thức chấp hành rất cao nên việc tuyên truyền và quản lí cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, tại đây gần như không có đối tượng khó khăn như lao động tự do hay sinh viên mắc kẹt nên khối lượng công việc cũng không quá áp lực. So với những nơi khác, tôi còn nhàn hơn rất nhiều”, ông Lang khiêm tốn.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, vai trò của những Tổ trưởng tổ dân phố như ông Lang, ông Oanh được phát huy hơn bao giờ hết. Họ được ví như những vị chỉ huy trưởng để củng cố vững chắc hơn các “pháo đài chống dịch” ở khu dân cư, bảo vệ cho sự an toàn của người dân.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV: Cần tạo điều kiện, lợi ích để tổ trưởng dân phố hoạt động

Ở các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đã xác định rất rõ vai trò quan trọng của tổ dân phố. Một mặt tổ dân phố phải nắm rõ và báo cáo tình hình dịch bệnh với cấp trên, mặt khác phải tổ chức các chốt chặn, chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư và nắm bắt an sinh xã hội, nhu cầu về y tế của người dân trên địa bàn.

Về cơ bản, thời gian qua các tổ dân phố đã làm tương đối tốt, phát huy được vai trò “cánh tay phải” của chính quyền trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, về hiệu quả còn chưa đồng đều, cách thức tổ chức triển khai ở mỗi nơi cũng khác nhau. Khó khăn lớn nhất của tổ trưởng dân phố là không có nhiều nguồn lực, cũng không được coi là một thiết chế quyền lực, mọi việc phụ thuộc vào sự tin tưởng của người dân.

Bàn về các giải pháp để nâng cao hiệu quả của những tổ trưởng dân phố, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần rạch ròi trong chức năng, quyền hạn của tổ trưởng dân phố, tránh rơi vào tình trạng “quyền rơm”. Đặc biệt cần tạo điều kiện, lợi ích để các tổ trưởng dân phố hoạt động, họ không chỉ là “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”. Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp của tổ dân phố với công tác Mặt trận cũng như Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi…trong địa bàn dân cư để phát huy tối đa nguồn lực cũng như giảm tải khối lượng công việc cho các tổ trưởng dân phố.

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII: Phải có hình thức khen thưởng xứng đáng

Chống dịch là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, nhưng người sâu sát với dân nhất chính là cơ sở, là tổ trưởng dân phố - những người đứng mũi chịu sào cho toàn bộ hoạt động phòng chống dịch tại cơ sở. Trong những ngày xuất hiện dịch Covid-19, vai trò của họ được thể hiện rất rõ nét: Họ sát với dân, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Mọi biến động dân cư trong tổ dân phố đều nắm hết, cho nên vai trò của họ không khác gì những “nhạc trưởng” chỉ huy trong tổ dân phố. Hơn ai hết, tổ trưởng dân phố là người trực tiếp đưa được những quyết định của các cấp cao hơn đến với người dân. Họ vừa trực tiếp xắn tay vào làm, đồng thời vừa kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người dân hiện thực hóa đường lối, chủ chương, chính sách của cấp trên.

Bởi vậy cần phải đánh giá thỏa đáng vai trò của họ. Sau đợt Covid này, chúng ta phải chọn ra những gương mặt tiêu biểu và có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với những tổ trưởng lăn lộn suốt ngày đêm vì an toàn của người dân. Kinh nghiệm cũng cho thấy, tổ dân phố nào có tổ trưởng năng động, sáng tạo, hết lòng vì dân…thì tại nơi đó tình hình trật tự, phòng chống Covid rất tốt, còn tổ trưởng nào lơ là, “bình chân như vại”, coi mình như công chức nhà nước thì mọi chỉ đạo cũng chỉ dừng ở cấp trên, không thể hiện thực hóa vào đời sống người dân được.

H. Chiến (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chỉ huy trưởng trong ‘pháo đài’ chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO