Gạt đi tất cả công việc của gia đình, những lo toan cuộc sống, nhiều chiến sĩ áo trắng thầm lặng nỗ lực và cống hiến rất nhiều trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Niềm vui của đội ngũ y bác sĩ phòng chống dịch bệnh không có gì khác ngoài nụ cười của bệnh nhân.
Tạm gác lại lo toan cuộc sống gia đình
Bác sĩ Lý Tuấn Anh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho hay, tôi được phân công về bệnh viện dã chiến số 6, được chuyển đổi công năng từ khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm đã lâu không sử dụng.
Ban đầu, mọi thứ còn rất thiếu thốn, đội ngũ y bác sĩ đến đây bắt đầu mọi việc từ con số 0. Tất cả cùng bắt tay làm các công việc chuyên môn, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, chuẩn bị hậu cần như vận chuyển, khuân vác đồ đạc, dụng cụ, hàng hóa... để phục vụ cho số lượng rất lớn bệnh nhân (hiện nay là khoảng 3.000 bệnh nhân).
“Chúng tôi luôn xác định đây là một cuộc chiến, mọi thứ đều khẩn trương cấp bách, đòi hỏi phải có sự cố gắng không ngừng. Thậm chí, làm việc không nghỉ ngơi”, bác sĩ Lý Tuấn Anh chia sẻ.
Bác sĩ trẻ này tâm sự, có những hôm làm việc rất mệt mỏi, vừa mới ngả lưng xuống được một chút, 12h đêm có bệnh nhân chuyển nặng, chúng tôi lại phải gấp rút xử lý để hỗ trợ bệnh nhân.
Vừa về đến phòng trực, lại tiếp tục trả lời những thắc mắc, lo lắng của bệnh nhân qua điện thoại. “Chúng tôi hiểu thời điểm này, bệnh nhân rất hoảng loạn. Vì vậy bất kể ngày đêm, chỉ cần họ thắc mắc, hoặc cần hỗ trợ, giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn lòng”, bác sĩ Tuấn nói.
Không ngại khó, không ngại khổ, song có những giây phút nhiều bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến cảm thấy nhớ nhà, nhớ người thân da diết. Bác sĩ Phạm Công Khánh, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6 cho hay: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng, chúng tôi nỗ lực chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân nhưng cũng khỏ lo lắng cho người thân của mình ở nhà có bị mắc Covid-19 không? Mọi người phòng dịch bệnh có tốt hay không?”.
Thầm lặng chiến đấu với dịch bệnh
Đôi khi có hàng loạt những lo toan, trăn trở về gia đình, tuy nhiên những “chiến sĩ” áo trắng vẫn thầm lặng chiến đấu với dịch bệnh, vẫn bền bỉ, tận tình chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Chia sẻ về kỷ niệm trong công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Phạm Công Khánh kể lại, vào ngày thứ 3 tại bệnh viện dã chiến, bác sĩ Phạm Công Khánh cùng các y bác sĩ khác phải chăm sóc cho một trường hợp bệnh nhân chuyển nặng. Cố gắng hồi sức cho bệnh nhân nhưng khó khăn vì vậy, đành chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
“Bệnh nhân lên tuyến trên rồi, chúng tôi hy vọng bệnh nhân sẽ qua khỏi cơn nguy kịch. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi được báo lại là bệnh nhân không qua khỏi. Tôi đã gọi thông báo tin buồn cho cô con gái 21 tuổi của bệnh nhân xấu số trên. Cô con gái khóc rất nhiều vì sự ra đi của ba mình, đồng thời nhờ chúng tôi tìm lại những đồ vật quan trọng của bệnh nhân để chuyển lại cho cô. Tôi đã trực tiếp trao tận tay cho cô ấy những kỷ vật của cha cô ấy. Thật sự là một người thầy thuốc, chứng kiến hình ảnh đau lòng đó, tôi không thể kìm được sự xúc động”, bác sĩ Phạm Công Khanh tâm sự.
Bác sỹ Khánh chia sẻ thêm: “Đối diện với những tình cảnh sinh ly tử biệt của người bệnh càng khiến chúng tôi thấy rất xót xa và tự nhắc nhở nhau càng phải cố gắng hơn nữa để cứu chữa từng bệnh nhân, không để bệnh nhân nào còn phải tử vong vì dịch bệnh. Chúng tôi cũng mong muốn người thân và mọi người ở bên ngoài hãy tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc… để không bị lây nhiễm Covid-19”.
Mừng rơi nước mắt trong ngày xuất viện
Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, lực lượng y bác sĩ cảm thấy áp lực rất nhiều vì số ca nhiễm ngày càng tăng, bệnh nhân nặng cũng không ít. Công việc đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải cật lực làm việc và hy sinh, song niềm vui lớn nhất của họ chính là lúc bệnh tình của bệnh nhân tiến triển tốt, bệnh nhân được xuất viện trở về với người thân, với gia đình.
Sau hơn 3 tuần được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, chị Thị Rophiah cuối cùng cũng được về nhà. Chị chia sẻ: “Ngày nghe tin mình mắc bệnh Covid-19 mình khóc như mưa, lo sợ đủ thứ. Mình sợ tình trạng bệnh của mình sẽ tiến triển nặng, rồi lại sợ vào các bệnh viện điều trị quá tải không ai lo cho mình, sợ đủ điều”.
Thế nhưng, khi vào tới bệnh viện, chị được các nhân viên y tế hỏi han, động viên thường xuyên, chị Thị Rophiah đã bình tĩnh trở lại. Chị kể, mỗi ngày các bác sĩ lên thăm khám 2 lần và luôn nhắc nhở chị báo ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Ngày xuất viện, nước mắt lại lăn trên má nhưng đó lại là những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị Thị Rophiah phấn khởi nói: “7 giờ sáng khi bác sĩ báo hôm nay được về, chị đã gọi ngay cho mẹ. Mẹ chị giờ cũng đang chờ chị về lắm”.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi và ngày trở về lại cảm thấy nặng lòng với y bác sĩ. Không ít người cho rằng, sẽ nhớ tất cả những nhân viên y tế làm việc tại đây. Nhớ cả các bạn dân quân vui vẻ ngày nào cũng mang nước đồ ăn lên cho cô, rồi lại mang rác đi dọn dẹp. Thương vô cùng!
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, biết bệnh nhân mang nhiều nỗi lo lắng khi vào đây nên Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân từ những nhu cầu nhỏ nhất.
“Hôm nay, bệnh viện vừa lắp máy nước nóng nữa đó, từ nay người bệnh có nước nóng để sử dụng rồi”, bác sĩ Thành Tâm vui vẻ nói khi người bệnh của mình mỗi ngày được phục vụ tốt hơn.
Theo bác sĩ Thành Tâm, ngày các bệnh nhân đủ điều kiện được về, không chỉ có bệnh nhân vui không đâu mà các nhân viên y tế cũng vui mừng lắm. Có những ngày tới 700-800 trường hợp được xuất viện, nhân viên y tế phải làm việc tất bật từ sáng đến chiều. Thậm chí, có khi bỏ luôn bữa ăn để mong sao xong sớm các thủ tục, cho mọi người được sớm về nhà.