Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã có nhiều chuyển động tích cực. Nhiều công trình được đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi.
Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nhiều địa phương thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình bảo đảm theo quy định tại Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Hà Nội là địa phương tự cân đối được ngân sách thực hiện Chương trình, nên ngay sau khi Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội ban hành, UBND Thành phố Hà Nội đã trình HĐND Thành phố tại kỳ họp cuối năm 2020 phê duyệt danh mục 69 dự án với tổng kinh phí 500 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2021. Đến tháng 9/2021, Thành phố tiếp tục bổ sung thêm 243 tỷ đồng đầu tư cho 30 dự án. Trong đó, địa phương được đầu tư nhiều nhất là huyện Ba Vì.
Theo đó, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Ba Vì được giao 40 dự án với tổng kinh phí là 500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đến nay, huyện đã bố trí 423 tỷ đồng cho 37 dự án, trong đó, 23 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán với tổng kinh phí 290,3 tỷ đồng; một dự án đã hoàn thành quyết toán với tổng kinh phí 14 tỷ đồng... Các chương trình dự án đầu tư được triển khai bảo đảm đúng đối tượng, đúng danh mục đầu tư được phê duyệt trong kế hoạch, dự án được triển khai lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định Nhà nước.
Hay như tỉnh Quảng Ninh, cũng là một trong những địa phương tự cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện Chương trình. Theo đó, tổng nguồn vốn tỉnh Quảng Ninh xác định thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 4.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện là 1.500 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 200 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình được triển khai thực hiện ngay từ đầu giai đoạn, một số nhiệm vụ, dự án hạ tầng thuộc Chương trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt. Các dự án đang triển khai thi công sau khi hoàn thành tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà...
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, triển khai thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã có kế hoạch dành 1.984 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thành phần của Chương trình, với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Khi thực hiện Chương trình này, năm 2023, huyện Đồng Hỷ được đầu tư trên 28,8 tỷ đồng thực hiện Chương trình 1719. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 25 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,2 tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết, từ nguồn vốn này, huyện dự kiến đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 40 công trình thuộc các Dự án, Tiểu dự án. Qua đó, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Từ kinh nghiệm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã chủ động trong việc cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn lực bảo đảm thực hiện Chương trình. Việc triển khai hiệu quả nguồn lực đầu tư sẽ giúp đồng bào DTTS nhanh chóng được hưởng lợi, qua đó thúc đẩy vùng DTTS và miền núi phát triển.