Khi nhận huy chương, câu nói “Có sữa cho con rồi” của 4 cô gái vàng rowing Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền, Phạm Thị Thảo đã khiến khán giả rơi nước mắt. Một câu nói được thốt lên đầy chân thật và đặc biệt chính xác với trường hợp của tay chèo Phạm Thị Thảo, người mới sinh con được 4 tháng nhưng đã chấp nhận quay lại tập luyện cùng đội để chuẩn bị cho Asiad 2018.
Khi Quốc ca Việt Nam vang lên.
6 tháng cai sữa, khổ luyện tranh vàng
Ở tuổi 29, Phạm Thị Thảo chính là đàn chị ở đội tuyển rowing Việt Nam. Trải qua bao kỳ SEA Games, Á vận hội, Thảo luôn chiếm được sự tin tưởng của ban huấn luyện và đồng đội. Ở kỳ Asiad lần này, Thảo là một trong những VĐV “đặc biệt” nhất. Sự đặc biệt ấy đến từ sự khó tin, thậm chí kinh ngạc và thán phục.
Đội trưởng đội rowing Việt Nam vừa sinh con đầu lòng được 1 tuổi. Đáng nói hơn, Phạm Thị Thảo trở lại tập luyện cho Asiad hồi đầu năm 2018 khi con gái còn chưa được 6 tháng. Gia đình, bản thân Thảo rất băn khoăn nhưng nhờ sự động viên của chuyên gia Joe Donnelly và HLV Lê Văn Quang, Thảo quyết tâm tái xuất.
VĐV quê Thái Bình đã có một quyết định rất khó khăn, khi cô cai sữa, gửi con để gia đình hai bên nội ngoại chăm sóc, nuôi nấng. Nếu muốn theo nghiệp VĐV và muốn có thành tích cống hiến cho đất nước, cũng là cách để có thu nhập nuôi gia đình, Phạm Thị Thảo không còn lựa chọn nào khác.
Sự hi sinh của chị đã được đền đáp xứng đáng. Bản lĩnh, kinh nghiệm của cô gái từng 2 lần dự Olympic giúp Thảo chỉ huy đàn em thi đấu bùng nổ, giành tấm HCV lịch sử cho đua thuyền Việt Nam ở Asiad 2018.
Nhà vô địch không biết bơi
Với sải tay dài khác thường, Phạm Thị Thảo đã nhận được lời mời gia nhập đội tuyển chèo thuyền tỉnh Thái Bình từ khi còn học lớp 12. Dù vậy, phải mất tận 2 tháng trời thuyết phục, các HLV chèo thuyền mới được cái gật đầu của cô học trò đầy tiềm năng.
Theo các HLV ở đội tuyển đua thuyền chia sẻ, chỉ mất đúng một năm đào tạo, Phạm Thị Thảo đã nổi lên như một tài năng hàng đầu, hội tụ đầy đủ các phẩm chất của một VĐV đua thuyền hiện đại, nổi bật là một nền tảng thể lực cùng sự bền bỉ đặc biệt, dựa trên một sải tay so với chiều cao cơ thể dài hơn bình thường: 12 cm.
Suốt 10 năm nay, Thảo thường xuyên quen cảnh xa nhà biền biệt để tập luyện ở Hà Nội. Cứ 5h sáng, cô đã vác chiếc thuyền nặng xuống nước, chèo hàng chục cây số bất kể nắng mưa. Nhìn mái tóc khô, làn da đen sạm, bàn tay chai sần…đủ khắc họa lên những khổ cực mà Thảo và các đồng đội đã bỏ ra, đằng sau những chiếc huy chương lấp lánh.
Ở đội tuyển rowing Việt Nam, Phạm Thị Thảo được ví von là “máy gặt vàng” số 1 với bộ sưu tập lên đến vài chục chiếc huy chương quốc tế các loại. Không chỉ vậy, tuyển thủ có khuôn mặt khắc khổ ấy lại đang thuộc diện giàu nhất làng đua thuyền khi có được cả tỷ đồng tiền thưởng trong khoảng 10 năm gắn bó với thể thao.
Thảo từng suýt bị chết đuối khi cùng các đồng đội tập luyện ở Hồ Tây vào năm 2008. Lúc đó, chiếc thuyền của Phạm Thị Thảo bị chìm dần nhưng cô gái người Thái Bình không biết bơi. Tưởng chừng cái chết cận kề thì Thảo được các đồng đội nghe tiếng la nên lao đến cứu.
Nhớ lại điều đáng sợ này, Phạm Thị Thảo từng tâm sự: “Lúc em được thầy và các đồng đội tới nơi thì em đuối sức lắm rồi. Nếu mọi người đến chậm thì có lẽ em đã sang thế giới bên kia”.
Bây giờ, Phạm Thi Thảo có quyền nở nụ cười mãn nguyện để quên đi câu chuyện cũ. Thảo đã là nhà vô địch Asiad 18, là 1 trong 4 cô gái vàng mang về tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở ASIAD 18.
Nữ phụ hồ bén duyên với đua thuyền
So với các VĐV trong đội, Phạm Thị Lý đến với đua thuyền khá muộn. Suốt thời học sinh, VĐV sinh năm 1991 chưa từng chơi bất kỳ một môn thể thao nào nổi bật.
Từ năm đầu học Cao đẳng, Lý đã đi làm thêm để có tiền phụ giúp gia đình và trang trải học phí, một trong số đó là làm phụ hồ. Một lần đi tìm VĐV, đến công trình xây dựng, nhìn thấy cô sinh viên 22 tuổi làm thêm, HLV Phan Văn Biên vô cùng ưng ý trước cô phụ hồ trẻ có sức vóc khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhất là đôi tay dài khỏe rất thích hợp cho môn chèo thuyền. Cũng từ buổi gặp gỡ tình cờ đó, Lý gác luôn việc học, làm quen và gắn bó với bộ môn rowing.
Ngay lập tức Lý trở thành hiện tượng lạ của bộ môn này khi chỉ tập chừng một năm đã giành 2 chiếc HCB quốc gia, đặc biệt là khả năng thi đấu đa dạng ở nhiều nội dung.
Đường đua của những nhà vô địch.
Đến năm 2015, Lý lên tuyển quốc gia và cùng đồng đội đạt HCĐ châu Á. Một năm sau, cô gái vùng quê này là gương mặt được gửi gắm để tham dự Olympic tại Rio (Brazil). Giờ đây, cô phụ hồ năm nào cùng các đồng đội giành chiếc HCV danh giá Asiad.
Khác với Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền được phát hiện năng khiếu thể thao từ khá sớm nhưng là ở môn…bơi lội. Năm 2009, khi đang là học sinh của trường Năng khiếu thể dục thể thao, cô gái quê Thái Bình bất ngờ được gọi chuyển sang đội đua thuyền phân môn rowing.
Năm 2012, Huyền trở thành thành viên đội tuyển đua thuyền quốc gia. Tại Asiad 17 (2014), Huyền gây tiếng vang khi giành được tấm HCĐ. Những năm sau đó, cô tiếp tục là cái tên ấn tượng của rowing Việt Nam ở đấu trường quốc tế như SEA Games, Rowing Cúp châu Á…Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của Huyền là cùng đồng đội đổi màu tấm huy chương Asiad. Cuối cùng bằng những nỗ lực tuyệt vời, Huyền đã làm được điều mình mong muốn.
Lường Thị Thảo cũng là tay ngang chuyển sang đua thuyền. Cô gái quê Sơn La ban đầu được lựa chọn vào đội điền kinh Sơn La, được cử xuống Hà Nội tập huấn. Sau đó, các chuyên gia nhận định Thảo khó phát triển nếu tiếp tục theo đuổi điền kinh. Bước ngoặt đến với Thảo khi cô lọt vào “mắt xanh” của ông Lê Văn Núp, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện TDTT Quảng Bình trong một lần ra Hà Nội công tác.
Trong bốn cô gái vàng Việt Nam, Lường Thị Thảo là VĐV trẻ nhất (19 tuổi) và chưa có thành tích gì nổi bật. Tuy nhiên, ba “đàn chị” của Thảo đều là những tay chèo lão luyện và có “số má” trên đấu trường châu lục, đã bù đắp lại sự hạn chế về kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu.
Nụ cười, nước mắt và vinh quang
Trước khi lên đường dự Asiad, ban lãnh đạo đội tuyển rowing Việt Nam không đặt mục tiêu cao ở giải này và chỉ hứa cố gắng làm hết sức có thể. Sự dè dặt này là hoàn toàn có thể hiểu được bởi đội tuyển rowing của chúng ta không đạt thành tích nào xuất sắc tầm châu lục, thế giới trong năm 2017.
Thế nhưng, ít ai ngờ rằng khi bước vào trận chiến giành huy chương, các cô gái Việt Nam đã thi đấu với 200% sức lực. Ngay sau thời khắc giành chiến thắng, toàn đội rowing đã quỵ gối và nôn xuống đất vì quá mệt. Có thể hiểu họ đã làm tất cả để có thể giành HCV cho thể thao Việt Nam. Thế nên, tấm HCV của 4 cô gái rowing thực sự quý hơn… vàng!
Sau khi về đích, 4 cô gái đều òa khóc trước sự cổ vũ của đồng đội bên bờ sông. Nhiều thành viên khác của tuyển Rowing Việt Nam cũng khóc và vỡ òa trong vui sướng. Các cô gái gào thét đến khản giọng. Một số phóng viên nước ngoài cũng đến chia vui với đội. Trên bục nhận huy chương, nước mắt chiến thắng tiếp tục lăn trên má các cô gái vàng Việt Nam.
Phạm Thị Thảo chia sẻ: “Chúng em rất tự hào, vinh dự mang lại vinh quang cho đất nước. Niềm ao ước được hát quốc ca tại kỳ Asiad lần này là quá lớn. Và hôm nay chúng em đã làm được. Lần đầu tiên trong đời, cả bốn chúng em sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc này trong suốt cuộc đời”.
Những cô gái vàng của TTVN đã phải vượt qua vô vàn khó khăn mới đứng được trên bục cao nhất tại Asiad 2018. HLV Lê Văn Quang của đội tuyển đua thuyền quốc gia cho biết: “Trước khi thi đấu tại Asiad 2018, chúng tôi phải thuê thuyền để VĐV làm quen vì thuyền được trang bị không đủ điều kiện tốt nhất để thi đấu”. Với đua thuyền, tập đơn sẽ đem đến hiệu quả, nâng cao thành tích của VĐV. Nhưng số thuyền đơn của đội tuyển không đủ nên các VĐV phải chia ca ra tập.
Tổng thư ký Liên đoàn đua thuyền Việt Nam, ông Nguyễn Hải Đường cho biết: “Các VĐV đua thuyền tập luyện trong âm thầm, nhưng luôn mang vinh quang về cho Tổ quốc. Đua thuyền tập luyện trên môi trường khắc nghiệt, nên thiệt thòi hơn các VĐV khác. Tuy nhiên với truyền thống đua thuyền, chúng ta vươn lên bằng ý chí”.