Ngày 9/12, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vào ngày làm việc đầu tiên. Đại hội có sự góp mặt của 2.300 đại biểu, những người ưu tú trên các lĩnh vực đời sống xã hội trong tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, như chủ đề của Đại hội.
Đại biểu cao tuổi nhất là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (Thành phố Hồ Chí Minh), năm nay 95 tuổi. Đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng thi đua. Người dặn rằng, người người thi đua, ngành ngành thi đua. Những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám thành công, việc nước bộn bề, nhưng Người đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngày 11/6/1948. Theo Người, “vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho nhiều”. Người căn dặn, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.
Người cũng dặn rằng, nội dung thi đua cần gắn với thời điểm cụ thể, không được “bàn giấy”, “công chức hóa” thi đua.
Theo chỉ dạy của Người, ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào của đất nước, thi đua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trong những phong trào thi đua ấy đã xuất hiện những tấm gương sáng cả về đức và tài, được mọi người mến phục. Và, cũng chính những đại diện tiêu biểu của các phong trào thi đua đã là đầu tàu kéo cả đoàn tàu tiến về phía trước với tốc độ nhanh và mạnh mẽ.
Trong những phong trào thi đua yêu nước, thật cảm động với sự góp mặt của những con người bình dị, những người vốn dĩ “vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên”. Nhưng chính những con người bình dị mà cao cả ấy lại đem đến niềm hân hoan cho cộng đồng: Chúng ta vui vì được sống bên cạnh một người bình dị, một người trên trán không khắc hai chữ “người tốt” nhưng họ đã thầm lặng gieo vào cuộc đời này sự chân thành, chân thực, để cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp chung cho tất cả mọi người.
Trong buổi chiều ngày 9/12, gặp mặt đại biểu là Anh hùng, Chiến sỹ thi đua về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dù ở các lĩnh vực, địa bàn và hoàn cảnh khác nhau, với những độ tuổi khác nhau, song các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, sống có lý tưởng, hoài bão và cùng có chung khát vọng cháy bỏng để cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Trong đó có những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19; những chiến sĩ công an, quân đội dầm mình trong mưa, lũ giúp người dân vượt qua khó khăn, thiên tai, bão, lũ… Đó chính là những tấm gương bình dị mà cao quý, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trong cộng đồng.
Chia sẻ về công tác Thi đua - Khen thưởng thời gian qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho rằng chất lượng khen thưởng ngày càng được nâng lên. Theo bà Hà, trong 5 qua rất nhiều tấm gương điển hình trong cả nước đã được biểu dương, tôn vinh trong đó trên 60% là người trực tiếp lao động sản xuất công tác.
Việc động viên khen thưởng kịp thời, đặc biệt là người lao động trực tiếp có tác động tích cực, tạo động lực động viên khích lệ những người được khen, tôn vinh. Qua đó họ tiếp tục tham gia vào các phong trào thi đua. Và từ các phong trào xuất hiện nhiều tấm gương mới là những người dẫn đầu trong các phong trào thi đua. Rõ ràng, việc biểu dương, động viên kịp thời, đã lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, động viên, lôi cuốn mọi người tiếp tục tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.
Xưa, đại thi hào Nguyễn Du viết rằng “Khen cho con mắt tinh đời/Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Có nghĩa là cần có “con mắt xanh” tinh tường và cần hơn nữa chính là sự công tâm của những người “cầm cân nảy mực”.
Nếu không, sẽ bỏ qua những người xứng đáng vinh danh, thay vào đó lại “trao danh hiệu” cho những người không xứng đáng. Lần này, về dự Đại hội là những người thực sự xứng đáng, dù ở cương vị công tác nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào thì cũng đều đã đem hết sức mình để cống hiến.
Tự hào về những đại biểu tiêu biểu, thật sự xuất sắc, cũng cần nhắc lại rằng những biểu hiện của bệnh thành tích trong thi đua nói riêng, trong cuộc sống nói chung cần phải được loại bỏ. Đã từ lâu, xã hội lên án bệnh thành tích mà biểu hiện cụ thể ở “những con số đẹp”.
Thành tích đến từ bản báo cáo hay thì chỉ là thành tích giả. Thành tích phải đến từ những con người thầm lặng cống hiến, hết lòng cống hiến, vượt lên số phận để cống hiến mà không màng danh lợi, càng không nghĩ đến chuyện tranh công đoạt lợi.
Chỉ có như thế phong trào thi đua yêu nước mới càng ngày càng phát huy tác dụng, đem lại niềm tự hào không chỉ với mỗi cá nhân người được vinh danh mà với toàn xã hội.