Kiểm tra dự án và chúc Tết cán bộ, công nhân lao động trên công trường dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và công trường xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng môi trường là vấn đề cấp bách, đặc biệt quan trọng của thành phố đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp kiên trì, lâu dài, “nhưng có những công trình phải xác định đầu tư không hối tiếc, hành động ngay để tạo chuyển biến căn bản”.
Lưu ý của Bí thư Thành ủy cũng là trăn trở bấy lâu nay của người dân Hà Nội.
Trước hết, về vấn đề xử lý nước thải. Đã từ lâu hệ thống “chứa” nước thải của Hà Nội đã khiến người dân hết sức lo ngại do ô nhiễm quá cao. Từ các ao hồ cho đến dòng sông, hay là hồ nước thải khu vực bệnh viện… đều trong tình trạng ô nhiễm. Nước thải bẩn trút thẳng ra cống rãnh, hồ ao, sông ngòi thì làm sao không ô nhiễm cho được.
Tiếp đó là chuyện của dòng Tô Lịch. Trong quá khứ, khi Hà Nội vẫn còn như “một cái làng lớn” thì Tô Lịch là dòng sông đã vào thơ ca nhạc họa. Nhưng rồi theo thời gian, nó không khác gì một con sông chết, bỏ thì thương vương thì tội. Đã bao lần, bao dự án cải tạo nhưng rồi đâu lại đóng đấy, người dân sống hai bên sông ngột ngạt vì mùi từ con sông bốc lên.
Khi kiểm tra tại công trường xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính tại nút giao đường Nguyễn Đình Hoàn - Hoàng Quốc Việt, ông Vương Đình Huệ cho rằng, đây là một dự án môi trường cấp bách, do vậy phải đảm bảo đúng tiến độ thi công đã ký kết (48 tháng) và đảm bảo chất lượng cao nhất, là biểu tượng cho sự hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Xin được nhắc lại, đã có biết bao công trình đầu tư nhưng rất… hối tiếc. Vì rằng làm ăn chớt chát dẫn đến chất lượng công trình rất kém, kể cả có những công trình mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Thế là lại bỏ tiền ra sửa chữa, nâng cấp. Thật là lãng phí.
“Cần phải có những công trình đầu tư không hối tiếc” - tinh thần ấy của Bí thư Thành ủy Hà Nội thật là đáng quý. Đặc biệt trong lúc đất nước còn nghèo, Thủ đô cũng không giàu có thì những đồng tiền chắt chiu bỏ ra phải thật sự hiệu quả. Người dân trông chờ điều đó. Mà trước hết, với bất cứ người Hà Nội nào thì chính là dòng Tô Lịch sẽ không còn là “con sông nước đen”.