Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế (giai đoạn 2) công trình xây dựng sai phép 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình). Để có thể tiến hành cưỡng chế, UBND quận Ba Đình đã phải mất tới vài tháng xây dựng kế hoạch, phương án phá dỡ, dự toán kinh phí..., rồi “chạy đôn, chạy đáo” khắp nơi xin ý kiến Sở Xây dựng, Sở Tài chính và UBND TP Hà Nội. Được biết, ngân sách nhà nước còn phải ứng ra 17 tỷ đồng để tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm.
Từ năm 2015, dư luận xã hội đã vô cùng bức xúc với việc một tòa nhà “chọc trời” mọc lên ngay giữa trung tâm chính trị Thủ đô, sát với khu vực Quảng trường Ba Đình..., trong khi theo quy hoạch, nơi đây không được phép mọc lên những tòa nhà cao như vậy. Dư luận càng bức xúc hơn nữa khi biết được thông tin chủ đầu tư dự án đã xây dựng sai phép tới hơn 6.000m2 sàn, vi phạm vượt phép tới 16m (tương đương với 5 tầng), không giật cấp lui vào đúng quy định, mà xây thẳng từ chân móng lên đến đỉnh tòa nhà...
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức và công trình vi phạm. Song, suốt từ đó cho đến nay tòa nhà sừng sững tồn tại. Đáng nói, không những tòa nhà không bị “xử lý nghiêm” theo chỉ đạo của Chính phủ, mà thậm chí chủ đầu tư còn ngang nhiên cho người mua nhà dọn đến ở khi chưa nghiệm thu công trình, chưa đảm bảo công tác PCCC. Đã thế, chủ đầu tư là Công ty CP may Lê Trực còn khiếu nại và dọa khởi kiện các cơ quan chức năng về việc cấp giấy phép xây dựng trái luật, tòa nhà không thuộc diện phải cấp giấy phép xây dựng...
Đến đây chắc sẽ có nhiều người thắc mắc: Lẽ ra ở vào vị thế là người vi phạm thì chủ đầu tư phải biết sợ, cớ sao lại lớn tiếng thách thức cả cơ quan chức năng? Câu hỏi này phải chia làm hai vế để trả lời. Vế thứ nhất là bề nổi: Chủ đầu tư có gan lớn vì cơ quan chức năng không nghiêm. Vế thứ hai chìm: Vì sao thì chỉ có chủ đầu tư, quan chức quận Ba Đình và TP Hà Nội trả lời được.
Tới đây, chắc sẽ có ý kiến phản đối, cho rằng phí tháo dỡ công trình theo quy định của pháp luật sẽ do chủ đầu tư chi trả, sao có thể nói tốn kém? Vẫn biết vậy, nhưng việc ngân sách nhà nước phải “tạm ứng” tới 17 tỷ đồng để phá dỡ công trình vi phạm, biết bao giờ “đòi” được chủ đầu tư? Còn các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước (UBND các cấp từ phường tới thành phố, các sở, ngành...) ăn lương ở đâu để dành tới gần 10 năm lo họp hành, chuẩn bị các thủ tục cần thiết cưỡng chế công trình vi phạm? Chi phí các cuộc họp hành thì sao? Tiền ấy lấy ở đâu ra?
Đối với các cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan hữu trách của TP Hà Nội, “xay lúa thì thôi ẵm em” – nghĩa là họp hành, lo các thủ tục cưỡng chế công trình vi phạm thì thôi khỏi cần làm các việc khác, lương vẫn thế. Vậy thì 10 năm không xong thì 20 năm, thậm chí 30 năm… đâu có vấn đề gì. Vấn đề còn lại chỉ là sự bức xúc của người dân vì việc thực thi pháp luật không nghiêm, những người mua nhà bức xúc vì không biết đến bao giờ họ mới được giao nhà...
Tóm lại, mọi hậu quả, rắc rối xảy ra cho đến thời điểm này từ công trình xây dựng sai phép 8B Lê Trực nói riêng và các công trình sai phép, không phép nói chung, đều bắt nguồn từ sự bất lực của các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội, nếu không muốn nói là có sự nhấm nháy tiêu cực. Tất nhiên, trong vụ xây dựng sai phép tòa nhà 8B Lê Trực cũng đã có một số cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý, nhưng điều đó giúp ích chẳng là bao trong khi hậu quả ghê gớm của nó cho đến tận hôm nay vẫn chưa thể khắc phục xong?
4 tháng, phải dỡ xong tầng 18
Từ ngày 20/5, lực lượng cưỡng chế sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội đã bắt đầu phá dỡ mái tầng 18 của tòa nhà này. Dự kiến việc tháo dỡ tầng 18 sẽ kéo dài khoảng 4 tháng, chi phí vào khoảng 17 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành tháo dỡ tầng 18, UBND quận Ba Đình sẽ đề nghị các cơ quan chuyên môn đánh giá để có phương án xử lý tiếp theo đối với tòa nhà.
Ông Trương Văn Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Bắc Nam (Công ty Bắc Nam), đơn vị đang tiến hành tháo dỡ tầng 18 của tòa nhà cho biết, sáng ngày 20/5 đã tiến hành cắt sàn, còn dầm và cột đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, nếu không ảnh hưởng đế kết cấu của tòa nhà thì sẽ tiến hành cắt tiếp. Đơn vị thi công dùng máy cắt bê tông lưỡi kim cương để xử lý 3.600m2 sàn trên tầng 18 tòa nhà này. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 5/2020 đơn vị tháo dỡ sẽ phá bỏ phần tường trong, tháo kính mặt tiền, lắp đặt giàn giáo; cắt bỏ một phần ô sàn (mái trên của tầng 18, chỉ để lại phần khung cột)…
N.Khánh