Tình hình dịch Covid-19 tại Nga, Đức đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp nới lỏng giãn cách thì các quốc gia này cũng thực hiện nhiều giải pháp để không tái bùng phát đợt dịch thứ hai. Trong những ngày đại dịch căng thẳng, các tổ chức hội, đoàn của người Việt tiếp tục được nhắc đến như những điểm sáng về tinh thần đoàn kết và sự tương trợ lúc cộng đồng gặp khó khăn.
2 doanh nhân năng động
Thái Ngọc Bảo Trâm là người đồng sáng lập Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam tại châu Âu (VSNE) và là thành viên trong Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Được thành lập với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và mong muốn tạo ra một mạng lưới khởi nghiệp cho người Việt tại châu Âu, tổ chức VSNE của chị thường xuyên tổ chức các sân chơi về khởi nghiệp trong cộng đồng người trẻ gốc Việt đang sinh sống và học tập tại châu Âu.
Còn Hạnh Nguyễn Schwanke là người đã sáng lập Nhà xuất bản song ngữ Việt - Đức HORAMI, từng phát hành cuốn Từ điển Việt - Đức bằng tranh đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu nhi tại Đức mang tên “Meine kleine Welt/Thế giới quanh em” với nguyện vọng giúp các em nhỏ yêu tiếng Việt và hiểu biết thêm về đất nước Việt Nam.
Những ngày qua, hai cái tên này được nhiều người Việt ở Đức nhắc tới rất nhiều. Bởi khi cuộc sống đảo lộn, công việc ngừng trệ vì dịch bệnh cũng là lúc hai doanh nhân năng động cùng thực hiện một công việc mới nhằm kêu gọi người Việt cùng nhau ở nhà để cắt đứt chuỗi lây nhiễm và đẩy lùi dịch Covid-19...
Không chỉ tuyên truyền, hô hào chung chung, Hạnh Nguyễn và Thái Ngọc Bảo Trâm đã bắt tay vào xây dựng một cổng thông tin điện tử đồng hành với “chiến dịch ở nhà” cho bà con người Việt giữa dịch Covid-19 mang tên “Hãy ở nhà”. Tại đây, tất cả các thông tin về dịch bệnh, những ảnh hưởng liên quan đến luật, kinh tế và cuộc sống gia đình dành cho cộng đồng người Việt được cập nhật thường xuyên dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia kinh tế và các bác sĩ gốc Việt.
Đó là những thông tin chính thống đến từ Chính phủ và Nhà nước Việt Nam, thông tin y tế và sức khỏe (nơi tổng hợp các kiến thức, lời khuyên và chia sẻ của các bác sĩ chuyên môn về vấn đề ứng phó và ngăn ngừa Covid-19), thông tin dành cho doanh nghiệp (nơi tổng hợp các thông tin và tư vấn của các chuyên viên kinh tế như đặt đơn xin hỗ trợ doanh nghiệp, cách đối phó về việc cắt giảm công nhân, cắt giảm đóng thuế).
Ngoài ra, các sinh viên Việt Nam tại Đức cũng có thể tìm kiếm trên đây các thông tin học trực tuyến, sinh viên hỗ trợ sinh viên, kết nối sinh viên hỗ trợ cộng đồng người Việt trong phiên dịch, khám bác sĩ..
Theo Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ, cộng đồng người Việt tại Đức có khoảng 180.000 người, tập trung đông ở các thành phố lớn như: Berlin, Hamburg, Leipzig, Frankfurt… Bà con chủ yếu kinh doanh buôn bán, mở nhà hàng, làm dịch vụ với quy mô nhỏ (tiệm tạp hóa, tiệm nail, cửa hàng hoa…) hoặc làm thuê. Trong bối cảnh Chính phủ Đức áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh thì công việc làm ăn của bà con gặp nhiều khó khăn.
Nhưng nhìn chung bà con vẫn tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch bệnh, giãn cách xã hội, đoàn kết cùng vượt qua khó khăn. Tính đến thời điểm này đã có 20 người Việt tại Đức bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đẹp trong mắt bạn bè
Nga là một trong những nước trên thế giới có đông cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập, công tác. Các tổ chức đoàn, hội ở đây cũng hoạt động rất mạnh mẽ. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nhiều cá nhân trong cộng đồng và các lưu học sinh Việt Nam tại LB Nga đã hình thành các nhóm tương trợ giúp đỡ bà con người Việt.
Trong đó, nổi bật hơn cả là mạng lưới người Việt tại Nga chống Covid-19 với nòng cốt là cán bộ cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Nga cùng với các nhóm thiện nguyện của cộng đồng đã đoàn kết, phát huy được sức mạnh tập thể, giúp đỡ được nhiều trường hợp cá nhân và gia đình có nhiều khó khăn, hoạn nạn.
Tới nay, Mạng lưới đã nhận được sự hỗ trợ của 85 cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp với số tiền lên tới hơn hai triệu ruble (khoảng 29.000 USD). Quỹ đã chủ động có các khoản hỗ trợ cho các cá nhân và gia đình gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, đặc biệt là những người không may qua đời trong dịp này.
Mới đây nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức cuộc họp trực tuyến lần thứ tư Mạng lưới người Việt tại Nga chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để đánh giá hoạt động của mạng lưới trong thời gian qua và định hướng công tác trong thời gian tới…
Hơn 40 thành viên mạng lưới, bao gồm các cán bộ ngoại giao, Tổng lãnh sự Việt Nam tại vùng Viễn Đông Nga Nguyễn Hoàng Việt, đại diện các tổ chức cộng đồng người Việt tại Nga, Hội người Việt tại các tỉnh, thành phố của Nga đã tham dự. Các ý kiến đều đánh giá hoạt động của Mạng lưới thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga, đặc biệt là tại thành phố Moskva - nơi bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh khẳng định Mạng lưới người Việt tại Nga chống Covid-19 là sự liên kết, kết nối sức mạnh giữa cơ quan đại diện và cộng đồng trong việc hỗ trợ cộng đồng người Việt trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Những hoạt động phòng chống dịch trong thời gian qua đã cho thấy cộng đồng người Việt tại LB Nga là một khối đoàn kết, giàu tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, đồng thời giúp nâng cao hình ảnh của cộng đồng người Việt Nam trong con mắt bạn bè Nga.