Những động vật chịu lạnh giỏi nhất hành tinh

Bùi Mai Loan 12/01/2017 14:00

Bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho một số loài động vật những khả năng tuyệt vời để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong đó có khả năng chống lại thời tiết băng giá. Cơ thể của những loài này có thể sản sinh ra các chất chống đông tự nhiên, giúp chúng duy trì tình trạng không đóng băng cơ thể dù ở nhiệt độ dưới 0°C.

Gấu nước có thể chịu đựng môi trường nhiệt độ -273oC.

1. Gấu nước

Gấu nước (Tardigrade) là loài sinh vật nhỏ bé, sống trong nước, thuộc nhóm các động vật có kích thước hiển vi. Tên gọi Gấu nước bắt nguồn từ hình dạng mập mạp và rất giống một con gấu tí hon của chúng trên kính hiển vi. Thông thường gấu nước dài trung bình khoảng 0,5 mm. Nó có bốn cặp chân, mỗi chân có từ bốn đến tám vuốt chân. Chúng thường được tìm thấy trên rêu hay địa y và ăn tế bào thực vật, tảo hay các động vật không xương sống nhỏ.

Gấu nước được mệnh danh là loài sinh vật bất tử nhờ khả năng tồn tại hoàn hảo ở mọi điều kiện đông lạnh, đun sôi, tiếp xúc với lượng bức xạ lớn, áp lực gấp sáu lần tại điểm sâu nhất của đáy biển, phóng xạ ion hóa gấp nhiều trăm lần mức chết người hay thậm chí là môi trường chân không.

Nhiều kết quả cho thấy chúng có thể chống chịu được nhiệt độ -273°C trong phòng thí nghiệm, sống sót qua nhiệt độ cao tới 150° C- trên cả điểm sôi của nước. Do những khả năng không tưởng trên nên gấu nước được tìm thấy trên toàn thế giới, từ dãy Himalaya (trên 6.000 m), tới đáy biển sâu (dưới 4.000 m), từ vùng cực tới xích đạo.

2. Bướm đêm sâu róm Bắc Cực

Hầu hết các sâu bướm ấp nở vào mùa xuân và trải qua vài tháng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu trước khi chui vào kén và biến đổi thành bướm đêm hoặc bướm. Tuy nhiên, bướm đêm sâu róm Bắc cực không trải qua chu trình này.

Bướm đêm sâu róm Bắc cực ngủ đông để chống chọi giá lạnh.

Ở vùng Bắc Cực, sâu bướm phải mất nhiều mùa để phát triển thành nhộng và bước vào giai đoạn ngủ đông kéo dài tới gần hết năm. Khi đó, tim của chúng ngưng đập, hô hấp tạm dừng và cơ thể sâu bướm tạo ra các chất chống đông tự nhiên giống như glycerol để bảo vệ các tế bào của chúng trước các tinh thể băng. Chúng thậm chí còn làm thoái hóa các ty thể của tế bào trong khi ngủ đông. Nhờ chiến lược này, chúng có thể đối phó với cái lạnh, kể cả nhiệt độ dưới 0°C.

3. Sóc đất Bắc cực

Mặc dù nhiều động vật có vú có lớp lông rậm rạp hoặc ngủ đông để đối phó với cái lạnh, nhưng không có loài nào trong số này sánh được với khả năng của sóc đất Bắc cực. Chúng là động vật có vú duy nhất trong danh sách các loài có thể chống lại việc đóng băng dưới 0°C, bằng cách làm lạnh cơ thể của mình xuống dưới ngưỡng -2,9° C, một kỷ lục trong thế giới động vật có vú.

Sóc đất Bắc cực có thể chịu lạnh dưới ngưỡng -2,9°C.

Nhờ đâu mà sóc đất Bắc cực có khả năng chịu đựng giỏi như vậy? Bộ não của sóc đất Bắc cực có thể cắt rời các kết nối thần kinh, các khớp thần kinh để ngủ đông, rồi tái kết nối chúng ngay sau khi thức tỉnh và làm ấm cơ thể, gần 2 - 3 tuần một lần trong suốt mùa đông.

Một nghiên cứu cho thấy, chỉ 2 tiếng đồng hồ sau khi bừng tỉnh khỏi giấc ngủ, các kết nối thần kinh của chúng được khôi phục và thậm chí còn có nhiều sợi nhánh tế bào thần kinh hơn trước kia. 12- 15 tiếng sau đó, bộ não bắt đầu cắt đứt các kết nối một lần nữa khi sóc quay trở lại trạng thái ngủ đông.

4. Ếch rừng

Môi trường sống tự nhiên của ếch rừng thường là rừng ẩm vùng đất thấp nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới và vùng núi ẩm nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Vì vậy, cơ thể ếch rừng có khả năng chống lại sự tấn công của cái lạnh bằng cách sản sinh ra các chất chống đông lạnh ngập cơ thể, giữ cho chúng khỏi bị đóng băng. Những sinh vật này tích tụ urê trong các mô của chúng và gan thì làm nhiệm vụ biến đổi glycogen thành glucose.

Ếch rừng sản sinh ra các chất chống đông cơ thể.

Thông thường ếch rừng chôn mình dưới một lớp lá cây và thường cả một lớp tuyết. Chúng có thể sống sót lâu tới 2 tuần với hơn 60% cơ thể đóng băng. 2/3 số băng này hình thành dưới da và bên trong các khoang cơ thể, do ếch tự sấy khô các cơ quan nội tạng trong 12 tiếng đông lạnh đầu tiên.

5. Rùa con

Mặc dù có cơ thể bé xíu nhưng rùa vẽ con lại sở hữu khả năng chịu lạnh vượt xa các loài rùa họ hàng. Sau khi ấp nở vào cuối hè đầu thu, hầu hết những chú rùa con mới chào đời thường tự tìm đường đến hồ hoặc dòng sống suối không đóng băng để trải qua mùa đông đầu đời của mình. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể sống trong lạnh giá khi nhiệt độ giảm xuống đến âm độ C.

Rùa vẽ con chịu lạnh cực giỏi.

Khi đó, những con rùa non vẫn có thể sống sót nhờ máu có khả năng làm chậm đông, ngăn các tinh thể băng hình thành ngay cả ở dưới mức nhiệt độ đóng băng máu của chúng. Lớp da dày cùng lượng nước cực nhỏ tích trữ trong các con rùa con chỉ nặng 5g cũng cho phép chúng chống chọi với cái lạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những động vật chịu lạnh giỏi nhất hành tinh