Trong căn nhà chật hẹp, bà Nhàn khó nhọc còng lưng cúi xuống tắm rửa cho người con trai 45 tuổi bị bại não. Vừa tắm bà vừa nhìn ra ngoài trông cô con gái đang co ro ngồi ở cầu thang, lạnh nhưng không biết đi tất. Trên tường là di ảnh của người chồng đã mất hơn 30 năm nay. Bà thở hắt ra một tiếng nặng và dài tưởng chừng như đó là âm thanh của nửa cuộc đời đã tần tảo sớm khuya hi sinh cho gia đình.
Hạnh phúc mong manh
Sau năm 1975, từ trong chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Văn Vang trở về miền Bắc đoàn tụ cùng gia đình. Tại đây, ông gặp được bà Nguyễn Thị Nhàn, sau một thời gian tìm hiểu, hai người đã nên duyên vợ chồng. Bên nhau được một năm, hai người đón đứa con đầu lòng. Trước đó, ông Vang đã nghĩ đến việc nếu là con trai thì sẽ để tên là Dũng, cái tên thể hiện sự mạnh mẽ và ý chí quyết đoán.
Ngày đứa con trai đầu lòng ra đời, gia đình bà Nhàn vui mừng khôn xiết. Những viễn cảnh hạnh phúc mở ra trong đầu hai người. Vì cuộc sống ngày đó còn khó khăn nên ông Vang cố gắng đi xin những bộ quấn áo trẻ sơ sinh về. Còn bà Nhàn thì vẫn gắng đi làm để đủ tiền viện phí, thuốc thang. Trong lòng hai ông bà, mơ ước lớn nhất là Dũng sẽ trưởng thành và gánh vác gia đình.
Nhưng cuộc đời chẳng như giấc mơ, niềm mong đợi Dũng có thể gọi một tiếng “Mẹ” như thiêu đốt ruột gan bà Nhàn và Ông Vang. Đến 2 tuổi, Dũng chỉ bò quanh nhà một cách chậm chạp và khó khăn. Họ hàng đến chơi có bảo rằng: “Chắc cháu chậm nói hơn các bé khác thôi, anh chị đừng nôn nóng”. Bà Nhàn cũng tự nhủ trong lòng như vậy, nhưng mỗi lần nghe tiếng con ọ ẹ, hi vọng trong bà lại trỗi lên.
Đến lúc 4 tuổi, Dũng vẫn không thể nói như bao đứa trẻ khác, bà Nhàn lo lắng đứng ngồi không yên. Lúc đưa con đi khám, kết quả bác sĩ trả lại như sét đánh ngang tay bà Nhàn: “Con chị bị bại não rồi, hiện tại chưa có phương thuốc cứu chữa”. Bà Nhàn không tin vào những điều bác sĩ nói và thầm nghĩ: “Bại là bại thế nào”. Và rồi sau đó là những năm tháng đằng đẵng một mẹ một con trên chiếc xe đạp Thống Nhất đi tìm phương thuốc.
Bà Nhàn đèo Dũng đi khắp Hà Nội chữa trị. Vì chồng thường xuyên phải công tác xa, nên một mình bà phải chăm nom nhà cửa, con cái. Như một thói quen, năm giờ sáng, bà Nhàn vội vã thức dậy sửa soạn đồ đạc để đèo Dũng sang bên Hòe Nhai châm cứu. Đến nơi, bà xin bác sĩ cho vào trước để sáu rưỡi còn về đi làm kịp. Nhìn tình cảnh hai mẹ con lẽo đẽo đến không thiếu buổi nào đến cục đá cũng phải cũng động lòng trắc ẩn.
Ngày lại ngày trôi qua, bệnh tình của Dũng vẫn không hề thuyên giảm, sau ba tháng, bà Nhàn dừng lại để tìm chỗ khác để chạy chữa cho con. Ai mách cho chỗ nào, bà đều đưa Dũng đến khám. Suốt 3 năm trời, bà Nhàn vẫn đợi một tiếng gọi mẹ từ Dũng như một người bộ hành tìm nguồn nước trong sa mạc. Nhưng rồi ai cũng phải chùn chân mỏi gối, bà Nhàn đành học cách chấp nhận và đặt niềm tin và cô con gái thứ hai.
Trò đùa của số phận
Một năm sau khi Dũng ra đời, ông Vang và bà Nhàn tiếp tục hạ sinh một cô con gái và đặt tên con là Dung. Nhiều họ hàng đến chúc mừng đôi vợ chồng mới cưới, “hai năm đã có nếp có tẻ”. Nhiều người hàng xóm nhìn vào gia đình bà Nhàn và thầm ngưỡng mộ. Nhưng đâu ai biết rằng, khi hai đứa trẻ lớn lên, rắc rối mới thực sự bắt đầu.
Dung có khả năng nhận thức tốt hơn người anh trai của em. Cô bé có khả năng nói được những câu ngắn, đọc một số chữ cái, tuy nhiên vẫn không thể giao tiếp bình thường được. Lúc nào Dung cũng chép miệng: “Chào bác, chào cô” nhưng lúc cần vẫn không thể gọi mẹ, chỉ hét lên xong lại đập phá. Những lúc trái gió, trở trời, cô còn tự làm tổn thương bản thân mình. Đến lúc nhận ra bệnh tình của Dung, bà mới hiểu hai đứa con đầu của mình đã bị ảnh hưởng chất độc mà da cam từ ông Vang.
Trong những ngày bà Nhàn đưa Dũng đi châm cứu và chạy chữa, bà gửi Dung ở Công ty CP vải sợi may mặc miền Bắc, nơi bà Nhàn làm việc. Khác với Dũng, Dung không đi lung tung, ngoan ngoãn ngồi yên một chỗ đợi mẹ về. Đến tuổi đi học, bà Nhàn gửi Dung đến một trường ở địa phương. Học được chưa hết lớp 1, cô giáo đã trả về vì khiếm khuyết trong não Dung không thể học được như các bạn bè đồng trang lứa.
Một điều khác ở Dung chỉ bà Nhàn có thể nhận ra là em thường hay nói ngược, có sẽ thành không, muốn sẽ thành không muốn. Không một ai có thể hiểu được Dung ngoài bà Nhàn.
Đến năm 1981, người con út của gia đình chào đời. May mắn thay, Hòa sinh ra và lớn lên với sức khỏe bình thường. Trong suốt những ngày tháng khó nhọc, Hòa là niềm an ủi lớn nhất của bà Nhàn. Vậy nhưng, vì sợ Hòa lo lắng cho gia đình, bà chẳng bao giờ dám tâm sự gì nhiều. Đối với Hòa, “mẹ luôn ít nói như vậy, nhưng mình hiểu rằng trăm thứ khổ cực mẹ đang phải gánh vác”.
Cho đến khi Hòa lên bốn, ông Vang đột nhiên mắc bệnh nặng và phải chạy chữa khắp nơi. Tai ương chưa qua, phong ba đã tới, bà Nhàn cùng một lúc phải gánh trên vai cả gia đình. Suốt 10 năm tiếp theo, hai ông bà dành toàn bộ số tiền cho việc thuốc thang, thậm chí có những lúc phải đi vay mượng họ hàng. Đến tận năm 1995, trước khi nhắm mắt xuôi tay, nỗi niềm lo lắng cho hai đứa con thơ và người vợ gầy gò ốm yếu vẫn canh cánh trong lòng. Ông Vang thủ thỉ: “Liệu tôi không còn, bà và hai đứa sẽ ra sao?”. Bà Nhàn, nuốt nước mắt vào trong lòng, tươi cười và nói rằng: “Ông đi làm sao được”. Vậy nhưng chẳng mấy chốc, ông Vang đã ra đi.
Người em trai của ông Vang thấy hoàn cảnh bốn mẹ con khó khăn, đành giúp đỡ sang sửa, xây thêm một tầng cho căn nhà cấp bốn của người anh. Bốn mẹ con nương tựa vào nhau sống. Đến khi Hòa lớn, em đã lo được cho hai người anh chị của mình. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Hòa luôn cố gắng trong học tập, em đỗ vào một trường cấp ba có tiếng trong vùng, sau đó em thi đỗ Đại học và hiện đang đi làm. Hòa là nguồn động lực lớn nhất để bà Nhàn vượt qua những giai đoạn suy sụp nhất.
Trăn trở cho tương lai
Có một lần, Dũng đi lạc, bà Nhàn phải bỏ hết công việc ở cơ quan để đi tìm Dũng. Bà đạp xe tìm dọc cả đường Đức Giang, giọng bà gọi Dũng khản cả cổ. Từ 4h chiều, bà tìm mãi đến lúc chùn chân mỏi gối vẫn chưa dừng lại. Bà hỏi mọi người bà thấy đang ngồi trên đường: “Ông bà có thấy đứa con trai cao chừng này của tôi không?”. Vừa hỏi, bà vừa đưa tay ra mô tả đứa con mình. Đến tận tối bà mới tìm được Dũng. Khoảnh khắc nhìn thấy con bà đã ôm chầm nó vào lòng, chân tay bà lúc đó bủn rủng, cả người nóng bừng, nước mắt bà như chỉ trực ứa ra.
Có những lúc trời nóng, Dũng ọ ẹ không nói được, chỉ bà Nhàn mới hiểu rằng con đang cảm thấy khó chịu. Bà hướng quạt hẳn sang chỗ Dũng để mình chịu nóng, có những lúc mất điện, bà phải nằm quạt cho các con chứ không được ngủ. Đôi lúc bà thiếp đi, nhưng Dũng lại ọ ẹ, bà Nhàn lại phải dậy.
Khi Dũng và Dung lớn, Hòa đi học, bà Nhàn để hai con ở trong nhà. Dũng phóng uế bữa bãi ra nhà cửa, bà Nhàn về lại phải dọn. Bà thở dài những tiếng nặng và dài. Âm thanh phát ra như một nỗi lòng ủ kín bị trói chặt, bưng bít. Nghẹn ngào và u uất, bà Nhàn chỉ biết gói ghém tâm tư lại trong lòng, bà không dám nói với Hòa vì không muốn con thấy tự ti về hoàn cảnh gia đình. Bà để dư dứ trong lòng một nỗi niềm bất hạnh như một cơn gió chẳng lọt nổi kẽ mành thưa.
Bà Nhàn đã đến xem cơ sở nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân chất độc màu da cam ở trên Ba Vì. Bà định gửi Dũng và Dung vì bà hiểu bà chẳng còn sống được bao lâu, rồi bà sẽ đến lúc gần đất xa trời. Hòa bây giờ đã có gia đình và phải chăm sóc hai người con trai. Khi bà ra đi, bà không thể để Hòa gánh vác tất cả như bà được. Nhưng tâm can người mẹ không cho phép bà làm như thế. Nửa đêm, bà Nhàn thao thức trằn trọc nghĩ: “Mình đã sống với chúng nó quá nửa đời, người khác đâu dễ hiểu được chúng nó muốn gì và cần gì để chăm sóc”. Ấy vậy, bà lại để Dung và Dũng ở lại bên mình.
Từ ngày ông Vang mất, Dũng không đi ra ngoài nữa mà chỉ đến cửa là dừng lại. Tưởng chừng như một phần trong Dũng đã cảm nhận được sự ra đi của người cha, ngày nào Dũng cũng ra cửa đợi như vậy. Trong căn nhà bé nhỏ, ba tâm hồn dựa vào nhau để tiếp tục cuộc sống khó nhọc này.