Nhiều em sinh viên Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam đã cắt ngắn mái tóc của mình, chuẩn bị hành trang “gọn gàng” nhất để lên đường đi chống dịch. Mỗi thầy trò một vali nhỏ cho một chuyến đi dài.
Sáng ngày 20/7, 81 trong tổng số 239 thầy trò Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã lên đường vào TP Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả thầy trò cùng khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ để lên đường thực hiện nhiệm vụ.
PGS TS Phạm Quốc Bình, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường, phát biểu tại lễ xuất quân: “Bằng sức trẻ, sự quyết tâm và tinh thần quả cảm, sẵn sàng dấn thân cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Học viện luôn tin tưởng các đồng chí, sinh viên tham gia đoàn công tác sẽ cùng các lực lượng nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, để cuộc sống của nhân dân TP HCM nói riêng và nhân dân cả nước trở lại sự yên bình”.
Đoàn đi TP HCM lần này, nòng cốt là các giảng viên, sinh viên đã từng tham gia chống dịch tại Bắc Giang, bổ sung thêm những giảng viên, bác sỹ và các sinh viên tình nguyện khác. Trước khi lên đường đi TP HCM, đoàn đã được chuẩn bị kĩ càng, đặc biệt tổ chức tập huấn về mặt chuyên môn cho toàn bộ cán bộ, sinh viên tham gia.
TS BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội nhi, BV Tuệ Tĩnh, Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Trưởng đoàn công tác cho biết: “Đối với TP HCM nói riêng và miền Nam nói chung, tính phức tạp và nguy hiểm hơn Bắc Giang nhiều. Theo đó, khi tuyển quân các em sinh viên tình nguyện thì rất nhiệt tình, rất hăng hái nhưng chúng tôi phải tư vấn cho các em về sự xa nhà, nguy hiểm nhiều hơn, nêu hết những tình huống cho các em.
Phải nói là tinh thần của sinh viên Việt Nam, đoàn viên thanh niên rất lớn, khi chúng tôi nêu hết những khó khăn, nguy hiểm trước mắt thì các em không ai rút đơn, số lượng ngày càng tăng lên. Từ chiến dịch đi chống dịch ở Bắc Giang đến thời điểm này là hơn 1.200 đơn tình nguyện. Các em đi với tinh thần tự nguyện, nhiệt huyết và được sự ủng hộ của gia đình”.
Và mỗi em sinh viên lên đường đều có những tâm trạng riêng, đều có sự chuẩn bị riêng cho mình. Chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online, sinh viên Bùi Thị Thu Hằng lần thứ hai lên đường đi tình nguyện cho biết, Hằng cũng đã chuẩn bị kĩ càng, nắm kĩ các kiến thức chuyên môn được tập huấn để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi vào TP Hồ Chí Minh. Trong lần đi này, Hằng đã cắt tóc ngắn để thuận tiện cho công việc. “Em mới cắt tóc nên trông còn ngố lắm. Tóc ngắn như thế này gội xong không cần sấy và tóc ngắn cũng mặc đồ bảo hộ thuận tiện hơn”, Hằng cười tươi.
Trò chuyện thêm với sinh viên Nguyễn Việt Hà, chúng tôi được biết đây cũng là lần thứ 2 lên đường đi chống dịch. Hà cũng như nhiều bạn sinh viên khác trong đoàn luôn nở nụ cười, lên đường với tâm trạng sẽ cống hiến hết sức mình, hết dịch sẽ trở về. Và Hà cũng có mái tóc ngắn.
“Em đã để tóc ngắn từ nhiều năm nay, mái tóc của em thường được chính tay mẹ em cắt, lần này mẹ cắt ngắn hơn một chút để em sẽ thuận tiện trong thực hiện nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh”, Hà nói.
Sinh viên Nguyễn Đăng Tùng đã rất nhiều lần đi vào TP Hồ Chí Minh. Bố mẹ và người thân của Tùng đang sinh sống và công tác trong đó. Và lần này Tùng cũng lên đường vào TP Hồ Chí Minh nhưng có lẽ là chuyến đi đặc biệt nhất.
“Em cảm thấy hồi hộp hơn và cũng háo hức hơn. Em mong muốn được cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình và đây sẽ là trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời sinh viên của em. Bố mẹ em đã không đồng ý khi em nộp đơn tình nguyện, nhưng em đã thuyết phục và chia sẻ tâm sự của mình với bố mẹ, sau những ngày suy nghĩ, bố mẹ đã đồng ý cho em lên đường”, Tùng nói.
Mỗi bạn sinh viên một vali nhỏ, hành trang là vài bộ quần áo, những loại thuốc cần thiết như oresol, thuốc bôi da,… và ít đồ ăn. Trước khi lên đường, tất cả cùng hô vang: “Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm !!!”, mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ lên đường vào Nam đi chống dịch.