Những giờ phút không bao giờ quên

Nguyên Khánh - H.Vũ (ghi) 30/04/2020 07:30

Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có may mắn được gặp nhân chứng đã từng đi qua những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua những câu chuyện kể của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325; Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, những ngày giải phóng miền Nam như một thước phim quay chậm ùa về. Ký ức những ngày khói lửa chiến tranh ấy khiến chúng tôi càng thấy được cái giá của hòa bình là mồ hôi, xương máu của biết bao con người.

Những giờ phút  không bao giờ quên

Xe tăng quân Giải phóng tại Dinh Độc lập trưa ngày 30/5/1975. Ảnh tư liệu.

Hòa bình dệt bằng máu xương của bao người

Đã 45 năm đã trôi qua nhưng đối với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Chiến dịch Hồ Chí Minh - Mùa Xuân năm 1975 tựa như vừa diễn ra. Ông khẳng định, Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là kết quả tất yếu. Một đường lối đúng đắn, một nghệ thuật quân sự tài tình, một lực lượng đoàn kết quân - dân thì không một kẻ thù nào có thể đè bẹp được. Và ngày 30/4/1975 là kết quả của cuộc trường chinh 20 năm dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện được ý chí giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Ông nhớ từng giờ từng phút, từng cột mốc quan trọng của chiến dịch. Trong chiều dài ký ức ấy, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn không thể nén được cảm xúc khi nhớ lại những ký ức về buổi sáng ngày 30/4/1975. Những ngày ấy như vừa diễn ra hôm qua.

Theo quan điểm của vị tướng trận mạc, cho đến sáng 30/4, khi nghe được tin giải phóng Sài Gòn thì từ Nam đến Bắc, nhiều người còn chưa bao giờ nghĩ đến sẽ có một ngày như vậy. Bởi, chính bản thân ông là một người trong cuộc, cũng không nghĩ rằng sự thắng lợi sẽ diễn ra nhanh chóng như thế. Một chiến dịch kéo dài 14 ngày (từ 16 đến 30/4) đã đập tan hệ thống kìm kẹp của đế quốc Mỹ và tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng đến với những người xông pha trận mạc cả một đời như ông đẹp như một giấc mơ, điều mà ông và đồng đội đã chờ đợi từ lâu lắm rồi.

Giọng ông cao vút khi nhắc đến ngày 30/4 đầy ý nghĩa của dân tộc. Chiến trường trở thành một trận đánh hào hùng nhất từ trước tới nay của quân đội ta. Và một điều đặc biệt là 3 mũi tấn công chính: Dinh Độc lập, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu đều được kéo cờ chiến thắng đúng vào 11 giờ 30 phút. Một sự trùng hợp tạo nên lịch sử oai hùng.

Sáng ngày 30/4/1975 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 10 tiến về Sài Gòn giải phóng Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Đi đến đâu, tàn quân ngụy tháo chạy đến đó. Trước mắt ông là hình ảnh những tàn binh cởi trần, mặc duy nhất chiếc quần cộc chạy loạn xạ để thoát thân. Quân giải phóng chỉ tước vũ khí của địch, không hề bắt bớ, giết bất kỳ ai. Ông Thước kể, suốt dọc đường từ ngoại ô vào khu vực trung tâm Sài Gòn cả một dãy người di chuyển như những sợi chỉ di động trên đường. Thật không thể tưởng tượng, một đội quân được cho là vô địch chỉ trong chớp mắt đã sụp đổ hoàn toàn.

Trong khi tàn quân địch lầm lũi cúi đầu trước quân Giải phóng thì trái ngược với hình ảnh này là những người dân thường lao ra đường reo hò, cổ vũ đoàn quân Giải phóng.

“Lúc đó Sài Gòn chưa hề im tiếng súng. Quân địch vẫn chống trả quyết liệt nhưng nhân dân không sợ. Họ không sợ họng súng của kẻ thù. Lúc xe tăng của ta tiến vào Sài Gòn hai bên vẫn đánh nhau nảy lửa. Đạn pháo vẫn đùng đoàng khắp phố phường. Ở ngã tư Bảy Hiền tôi nghe thấy tiếng khóc, tiếng kêu thất thanh của người dân hô hoán lên: Hãy cứu lấy các chiến sĩ pháo binh! Thì ra 3 chiếc xe tăng của ta đã bị địch bắn cháy. 5 chiến sĩ lái xe tăng đã bị chết cháy trên xe”. Giọng tướng Thước lạc đi. “Nhân dân của ta là như vậy, không sợ bom đạn lao ra đường cổ vũ tiếp tế cho bộ đội. Họ không sợ chết bởi khát vọng hòa bình đã được họ chờ đợi hơn 30 năm rồi”.

Những giờ phút  không bao giờ quên - 1

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Trung tướng Thước kể, ông được sống và trở về thật không gì diễn tả được niềm hạnh phúc ấy. Nhưng có rất nhiều điều hối tiếc. Giá mà chiến tranh kết thúc trước 1 giờ đồng hồ thì ông đã không mất đi nhiều đồng đội đến thế. 10 năm chiến đấu, quân đoàn của ông hy sinh trên 3 vạn người. 1 giờ trước hòa bình binh đoàn ông mất đi 200 người. Thế là đã có biết bao gia đình mất con, vợ mất chồng… họ đã ngã xuống để giành lại nền độc lập cho đất nước này.

Với ông, trong chiến tranh thì việc chứng kiến những cái chết là bình thường và ngay cả mạng sống của mình cũng coi “nhẹ tựa lông hồng”. Thế nhưng cái chết của đồng đội ông, những người hi sinh ở ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình đó luôn là nỗi day dứt lớn nhất đối với người cầm quân, lãnh đạo.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trên những rừng cà phê, cao su bạt ngàn xanh mướt, trên những công trình đồ sộ, nguy nga… đâu đó còn liệt sĩ nằm lại đó. Điều này nhắc nhở cho thế hệ hôm nay và mai sau rằng: Ta có thành quả như ngày nay là nhờ xương máu của biết bao người đã hy sinh. Bây giờ xương cốt họ vẫn nằm ở đó. Chúng ta không được phép quên. Lãng quên là có tội với liệt sĩ, là có lỗi với nhân dân. Trước đây chúng ta thắng được kẻ địch hùng mạnh là nhờ khối đoàn kết quân dân, cán bộ. Bài học tình quân dân mối quan hệ máu thịt cán bộ, đồng bào, quân đội càng phải bền chặt hơn bao giờ hết. Chúng ta không được quên bài học lịch sử tình quân dân. Bởi, đây là mạch nguồn của chiến thắng.

Sức mạnh của lòng dân làm nên chiến thắng

"Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những chiến công chói lọi nhất, thu non sông về một mối". Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chia sẻ.

“Tôi còn nhớ như in ngày được lệnh tiến về Sài Gòn. Tất nhiên không riêng gì tôi mà tất cả cán bộ chỉ huy, chiến sĩ đều phấn khích trong niềm vui vỡ òa. Được tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn là vinh dự với mỗi người lính chiến đấu vì Tổ quốc. Chúng tôi đã thấy ngày độc lập, thống nhất non sông đã đến gần. Tự hào, vinh dự như vậy, nhưng chặng đường từ Đà Nẵng vào Sài Gòn cả nghìn km, chúng tôi phải thần tốc tiến vào Sài Gòn nhưng cũng phải phá tan mọi rào cản của quân địch trên đường Nam tiến. Cho nên nhiệm vụ này rất khó khăn. Đã có nhiều người hy sinh trên bước đường hành quân trước thềm ngày đất nước giải phóng. Thậm chí có những người đã hy sinh trong ngày cuối cùng Sài Gòn hoàn toàn giải phóng”.

Những giờ phút  không bao giờ quên - 2

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

Bằng giọng sang sảng xen lẫn sự tự hào ông kể lại chi tiết những ngày cầm quân tiến về Sài Gòn. Sáng 23/4/1975, Sư đoàn 325 nhận lệnh tác chiến của Tư lệnh Quân đoàn 2. Nhiệm vụ trước mắt của Sư đoàn là đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, khu vực Thành Tuy Hạ, bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, khống chế đường không và đường sông, không cho địch chạy thoát bằng cách bay lên trời hoặc bơi ra biển. Nhiệm vụ tiếp theo của Sư đoàn là tổ chức vượt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, đánh vào nội đô Sài Gòn để giải phóng quận 9 và quận 4. Đó cũng là trục tiến công của cả sư đoàn.

Sáng 24/4/1975, Bộ Tư lệnh sư đoàn phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến cho các đơn vị. Thời gian làm công tác chuẩn bị rất gấp, chỉ vẻn vẹn có 2 ngày, nhưng với quyết tâm rất cao và sự nỗ lực của mỗi chiến sĩ, trưa ngày 26/4/1975 mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành.

Đúng 17h ngày 26/4/1975, là “giờ G” của cánh quân ở hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn. Chiến dịch đã mở màn. Hàng ngàn quả đạn của các đơn vị pháo binh thuộc quân đoàn, sư đoàn và các đơn vị bạn bắt đầu trút bão lửa vào nhiều trận địa, căn cứ của địch ở Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành... Pháo cao xạ của ta kiên cường đánh trả máy bay địch phản kích, bảo vệ an toàn cho các trận địa pháo và đội hình chiến đấu của quân ta. Đợt pháo chuẩn bị vừa dứt, các cánh quân của ta từ các hướng, các công sự, chiến hào... ồ ạt xông lên đánh chiếm trận địa địch.

Cuộc chiến đấu giữa ta với địch diễn ra một mất một còn. Ngay tại đó, các mũi tiến công của ta đều bị chặn, hai xe tăng của ta bị bắn cháy. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nguyễn Ánh Dương và một số cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh ngay trên đường phố khi ngày hòa bình đã cận kề.

Sáng 27/4/1975, cuộc chiến đấu ở Long Thành vẫn diễn ra rất ác liệt. Ta quyết đánh chiếm được Long Thành, còn địch cũng ra sức cố giữ lấy. Chúng tăng cường Lữ đoàn 468 thủy quân lục chiến cho lực lượng tại chỗ, tăng cường phi pháo đánh phá vào đội hình chiến đấu của ta, đồng thời phản kích để giữ Long Thành.

Đối với bộ đội ta, với quyết tâm chiến đấu cao trên cơ sở nắm được lực lượng địch nên đã thay đổi cách đánh phù hợp. Do đó, đến 16 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn Chi khu quân sự Long Thành.

Sáng 29/4/1975 là thời điểm toàn mặt trận chuyển sang tổng công kích. Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho trận địa pháo tầm xa 130mm đặt ở Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếng pháo rung chuyển cả thành phố Sài Gòn, báo hiệu giờ cáo chung không thể tránh khỏi của chính quyền “Việt Nam Cộng hòa”.

Lúc này, Trung đoàn 46 của Sư đoàn 325 cũng được lệnh tiến công mục tiêu Thành Tuy Hạ. Đây là một khu thành cổ, địch đã cải tạo thành một kho chứa bom đạn và vũ khí rất lớn để dự trữ cho toàn miền Nam. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt suốt 6 tiếng đồng hồ mà Trung đoàn 46 vẫn chưa dứt điểm được mục tiêu. 18 giờ cùng ngày, căn cứ Thành Tuy Hạ bị tiêu diệt. Sau đó khoảng một giờ, lực lượng tấn công của ta đã tới bến phà Cát Lái, sẵn sàng vượt sông đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái và tiến về giải phóng Sài Gòn.

Sau khi đánh chiếm xong Thành Tuy Hạ, Trung đoàn 46 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 thọc thẳng đến bến phà Cát Lái. Trước mặt chúng tôi lúc này là dòng sông rộng chừng 800m. Nơi đây vốn không có cầu. Hàng ngày, muốn vượt sông chỉ có hai chiếc phà. Theo các đồng chí địa phương cho biết, mỗi phà có thể chở được cùng lúc 20 chiếc xe vận tải. Nếu đúng như vậy thì kế hoạch vượt sông của ta rất thuận lợi. Nhưng khi đến nơi, thực tế mỗi phà chỉ có thể chở được hai chiếc xe vận tải, mà ngay từ chiều hôm trước, địch đã đưa cả hai chiếc phà đó sang bờ sông bên kia.

Vào thời điểm đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy còn nhớ như in hàng trăm tàu thuyền do nhân dân địa phương được đưa đến Cát Lái, giúp chở quân của Trung đoàn 101 nhanh chóng vượt sông, đánh chiếm các cụm địch ở ven sông và thọc vào đánh chiếm căn cứ Cát Lái. Nhờ sức mạnh của lòng dân, quân ta đã dễ dàng vượt sông tiến về Sài Gòn. Dân không chỉ giúp bộ đội tàu thuyền mà vào phố lần đầu, nếu không có dân dẫn đường, không có dân tiếp tế lương thực cùng bộ đội vượt qua hòn tên, mũi đạn của kẻ thù thì không có chiến thắng thần tốc đến vậy.

Sau khi đánh chiếm xong căn cứ Cát Lái, Trung đoàn 101 nhanh chóng phát triển vào đánh chiếm quận 9, vượt sông qua bến phà Thủ Thiêm chiếm khu vực quận 4 và Tân Cảng. Trong lúc này, lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 cũng đã vượt qua cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, rồi theo đường Hồng Thập Tự tiến vào chiếm dinh Độc Lập. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Toàn bộ Nội các Việt Nam Cộng hòa do Tổng thống Dương Văn Minh đứng đầu đã đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, non sông đã thu về một mối.

Lá cờ chiến thắng tung bay trên Dinh Độc lập

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 73, nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, người đã dẫn độ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh từ Dinh Độc lập đến Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30/4/1975 vẫn còn nhớ như in những giây phút lịch sử đó.

Những giờ phút  không bao giờ quên - 3

Trung tướng Phạm Xuân Thệ

Là người từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận lớn tại chiến trường Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể: Lúc bấy giờ ông được giao trọng trách là Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu phối hợp cùng bộ đội xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập.

Ký ức ấn tượng nhất mãi không thể nào quên đối với ông chính là được Ban Chỉ huy quân đoàn cử đi đầu đội hình.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ bồi hồi nhớ lại: Đúng 17h ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu với những phát súng đầu tiên của Quân đoàn 2. Từ thời điểm đó đến hết ngày 28/4, quân ta bắt đầu đánh vào căn cứ Nước Trong, Biên Hòa. Cùng thời điểm này, các mục tiêu bên ngoài cũng chiến đấu rất quyết liệt. “Trong khoảng thời gian này, riêng Trung đoàn 9 của Sư đoàn 304 của chúng tôi hy sinh hơn 400 người. Tất cả các mũi tiến công đều chiến đấu rất ác liệt. Cho đến 19 giờ ngày 28/4, Trung đoàn 9 đã giải phóng được căn cứ Nước Trong. Bắt đầu sáng ngày 29/4 thì chuẩn bị mọi mặt để tiến công vào nội đô thành phố Sài Gòn. Đúng 17 giờ ngày 29/4, các lực lượng tiến công bắt đầu tiến công thọc sâu vào nội đô thành phố Sài Gòn. Đến 23 giờ cùng ngày thì đoàn quân thọc sâu tiến đến ngã ba Long Bình và đầu cầu xa lộ qua sông Đồng Nai”-Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.

Nhớ về giờ phút lịch sử ngày 30/4, Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể tiếp: Bước sang ngày 30/4, ngay từ 8 giờ sáng, đoàn quân Giải phóng đã bắt đầu vượt qua cầu Sài Gòn. Lúc bấy giờ quân địch bắt đầu bỏ chạy rút khỏi cầu Sài Gòn chạy vào nội đô. Đoàn quân đi đến gần cầu Thị Nghè thì địch bố trí xe bọc thép chốt chặn bên kia cầu, trong thời gian chiến đấu khoảng 1 giờ thì xe bọc thép địch bị xe tăng ta bắn và địch vội vã tháo chạy, nhưng hơn 20 đồng đội của tôi đã hy sinh ở đó.

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, khi quân Giải phóng vượt qua cầu Sài Gòn và tiến thẳng vào Dinh Độc lập, khi chiếc xe tăng thứ 1, và chiếc xe tăng thứ 2 lao vào, húc bật tung cánh cổng Dinh Độc lập, thì chiếc xe Jeep của ông tiến vào Dinh Độc lập với mục đích để cắm cờ. Tuy nhiên ông lại nhận được lệnh chỉ đạo lên phòng nội các của chính quyền Sài Gòn, nơi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi ở đó để dẫn độ về Đài Phát thanh Sài Gòn, tuyên bố đầu hàng.

Kể về giây phút lịch sử đó, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói: “Lúc bấy giờ tôi cũng không biết ai là Dương Văn Minh, ai là Vũ Văn Mẫu nhưng khi vào đến cửa thì Dương Văn Minh ra đến nơi và nói: “Chúng tôi đã biết quân Giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ quân Giải phóng vào để bàn giao”. Tuy nhiên lúc đó tôi nói rằng: “Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”. Sau đó tôi bắt Dương Văn Minh phải ra Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng thì lúc bấy giờ Dương Văn Minh rất sợ. Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi chính là một Tổng thống của một chính quyền nhưng khi gặp quân Giải phóng, nói đến chuyện đầu hàng thì rất run sợ. Ấn tượng đó mãi mãi không bao giờ phai trong tâm trí của tôi”.

Nhớ về không khí của quân và dân ta tại thời điểm lịch sử ngày 30/4, Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể: Khoảng hơn 10h thì xe tăng lao vào Dinh Độc lập với khí thế hùng mạnh, rầm rầm xe ô tô, và bộ binh tiến nhanh vào trong thành phố với khí thế tràn ngập hừng hực. Thời điểm xe tăng cùng đoàn quân đâm đổ cánh cổng tại Dinh Độc lập thì mọi người hào hứng lao vào rất nhanh để cắm cờ. Đặc biệt khi bắt Dương Văn Minh đưa ra Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì lúc bấy giờ quân Giải phóng đã tràn vào trong thành phố, không khí náo nức lâng lâng xúc động không tả siết. “Lúc bấy giờ, nhân dân bắt đầu đổ ra đường đón quân Giải phóng, tràn ngập cờ hoa. Nhân dân và quân Giải phóng hòa vào nhau trong thành phố. Và đến 11 giờ 30 ngày 30/4 đã đi vào lịch sử khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện”-Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giờ phút không bao giờ quên