Rất nhiều những hình ảnh, câu chuyện xúc động của thời chiến đã được kể lại trong triển lãm “Ký ức và niềm tin”, diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt - Hà Nội), sáng 19/12.
Đây là một trong những sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
Với ba chủ đề: “Sẵn sàng lên đường”; “Niềm tin chiến thắng” và “Ngày trở về” – Triển lãm “Ký ức và niềm tin” được thực hiện từ những tài liệu, hiện vật quý giá đã được sưu tầm trong gần 20 năm qua.
Đó là kết quả của những chuyến công tác trên khắp vùng miền Tổ quốc để gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử, và thân nhân của các Anh hùng liệt sỹ đã nằm lại nơi chiến trường năm xưa.
“Chỉ còn đêm nay! Ngày mai anh sẽ ra trận. Em ơi! Ngày ra trận cũng là ngày anh vào Đảng...Giữa lúc đơn vị rộn rịp, vội vàng, náo nức chuẩn bị lên đường là lúc anh giơ tay thề trước cờ Đảng nguyện trung thành trọn đời mình với lý tưởng cộng sản cao đẹp”, Trích Thư của ông Phạm Hoài Thủy, Tiểu đội 7, Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 75, Sư đoàn 3048 gửi vợ là bà Lê Nguyệt Bảo, ngày 17/12/1972.
“Ngày ấy, dù anh trai và các chị đang ở chiến trường nhưng tôi vẫn xung phong nhập ngũ với quyết tâm phục vụ và cống hiến cho Tổ quốc. Khi cánh cửa tàu đóng lại ở Ga Hàng Cỏ, cảm xúc trào dâng, tôi lấy bút, giấy viết thư cho mẹ nói rằng con đi lần này không biết sống chết thế nào, mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe và đừng buồn. Đến ngã tư tôi ném thư qua cửa sổ tàu và nhờ người dân gửi về cho mẹ”, bà Trần Thị Hoa, nguyên Y tá Đội Điều trị 25, Binh trạm Bắc, Quân đoàn 3 Tây Nguyên.
Cùng người thân có mặt tại triển lãm, ông Trần Trọng Nghĩa - con của liệt sĩ Trần Trọng Hoán rưng rưng xúc động khi nhìn thấy những lá thư của cha mình được trưng bày tại bảo tàng. Ông kể: “Từ năm 1964 đến khi hy sinh tháng 11/1969 bố không được về thăm nhà một lần. Bao nhiêu tình yêu thương, nhớ nhung vợ con bố đã gửi gắm vào những bức thư viết gửi cho mẹ. Chiếc áo đại cán của ông mẹ tôi cũng giữ mãi cho đến ngày mất. Đúng như tên gọi Ký ức và niềm tin, triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức là dịp để thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn những con người đã đóng góp vào trang sử đấu tranh kiên cường, anh dũng của dân tộc Việt Nam”.
Một hình ảnh khiến những người tham dự triển lãm vô cùng xúc động đó là bức tranh đề dòng chữ: “Kính tặng đồng chí Nguyễn Tiến Lịch, người chính trị viên đại đội đứng bên trái bom nổ chậm thổi Harmonica bài “Vì nhân dân quên mình” động viên bộ đội gấp rút vượt qua, kịp thời gian hiệp đồng tác chiến. Trên chiến trường năm 1971”.
Qua gần 200 hình ảnh, hiện vật gốc, trong đó có những kỷ vật tiêu biểu như: Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ hay chiếc kèn Harmonica mà người chiến sĩ đã dùng thổi bài “Vì nhân dân quên mình” cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần đồng đội… giúp người xem trả lời được câu hỏi vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự như vậy.
Triển lãm cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa “hậu phương” - “tiền tuyến”; qua đó gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp hãy sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, hãy tiếp bước cha anh “Sống một đời đáng sống”.
Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, công chúng sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm “Thư gửi người thân”, nơi mọi người có thể viết những dòng thư ý nghĩa, gửi gắm tình cảm chân thành đến những người thân yêu của mình qua những lá thư mang đậm phong cách “thời chiến”.