Những kết luận trái chiều về vụ MH17

Linh Chi 16/10/2015 05:54

Theo báo cáo điều tra mới nhất của Hà Lan  hôm 13/10 về vụ chuyến bay mang số hiệu MH17 bị bắn hạ trên không phận Ukraine, hành khách trên chuyến bay này có thể vẫn còn tỉnh táo trong khoảng một phút rưỡi trước khi máy bay bắt đầu bổ nhào xuống mặt đất do bị bắn hạ bởi một quả tên lửa.

Những kết luận trái chiều về vụ MH17

Hình ảnh mô tả một đầu đạn phát nổ gần buồng lái MH17
khiến chiếc máy bay này gặp nạn.

Hà Lan nói gì về vụ MH17?

Các nhà điều tra Hà Lan cho hay hệ thống tên lửa BUK do Nga sản xuất đã phát nổ ở khoảng cách chỉ vài cm trước buồng lái của MH17, giết chết các phi công và phá vỡ phần đầu của chiếc máy bay này. Ảnh hưởng từ vụ nổ tên lửa này chủ yếu ảnh hưởng đến các thành viên phi hành đoàn ở buồng lái của chiếc máy bay thuộc Hãng Malaysia Airlines.

Ngoài ra, các thành viên phi hành đoàn khác cùng các hành khách bị thiệt mạng là do tình trạng hạ áp khiến mức oxy trong khoang giảm đột ngột, nhiệt độ hạ nhanh chóng, sức gió quá lớn và các mảnh vỡ sau khi phần đầu máy bay bị nổ…Báo cáo của phía Hà Lan còn gợi mở khả năng một số hành khách vẫn còn tỉnh táo trong khoảng thời gian từ 60-90 giây trước khi máy bay đâm xuống mặt đất.

Chủ tịch của DSB, ông Tjibbe Joustra, thì nói rằng: “Chuyến bay MH17 gặp nạn là do vụ nổ của một đầu đạn xảy ra bên ngoài chiếc máy bay, ngay phía bên trái của buồng lái. Đầu đạn này phù hợp với loại tên lửa đất-đối-không BUK”.

Thông tin kể trên dường như trái ngược hẳn so với báo cáo sơ bộ trước đó cho rằng các hành khách trên khoang chuyến bay MH17 đã chết ngay lập tức sau khi quả tên lửa phát nổ.

Bản báo cáo mà phía Hà Lan mất 15 tháng mới có thể đưa ra cho rằng, MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa đất-đối-không do Nga sản xuất, hệ thống tên lửa phòng không BUK, được khai hỏa từ vùng lãnh thổ mà người ly khai ngự trị ở miền Đông Ukraine. Vụ nổ do tên lửa này khiến 298 người có mặt trên khoang chiếc Boeing 777 thiệt mạng vào ngày 17/7 năm ngoái.

Ngoài ra, Báo cáo của Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) cũng đưa ra viễn cảnh kinh hoàng mà các nạn nhân phải đối mặt trước khi chết. Báo cáo này cho rằng các mảnh vỡ của tên lửa đã va chạm vào máy bay với vận tốc khoảng 4.480 – 8.960 km/h, “xé nát buồng lái” và phát ra “một đợt sóng áp suất” ảnh hưởng đến toàn bộ thân máy bay chỉ trong một khoảng thời gian cực ngắn.

Vụ nổ tên lửa, dù không trực tiếp va chạm vào máy bay, cũng gây nên “sóng âm chói tai” và khiến máy bay hạ độ cao đột ngột và đâm xuống đất nhanh chóng. Loại sóng âm gây nên bởi vụ nổ còn gây nên tình trạng choáng váng, nôn mửa và mất ý thức của các hành khách trên khoang.

Báo cáo của DSB còn nói rằng những người có mặt trên MH17 lúc gặp nạn thậm chí còn “không thể nhận thức được điều gì xảy ra lúc đó…bởi không có chứng cứ của một hành động có nhận thức nào lúc đó”, như một tin nhắn trên điện thoại di động. Một số nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc còn được tìm thấy trong tình trạng không mảnh vải che thân, điều này được cho là do “sức gió quá mạnh” đã thổi qua thi thể của họ.

Theo DSB, một thi thể hành khách được tìm thấy khi vẫn đang mang mặt nạ dưỡng khí, nhưng họ vẫn không thể hiểu tại sao hành khách này lại có thể có được nó trong tình trạng hoảng loạn trên.

Sau khi báo cáo điều tra về MH17 của Hà Lan xuất hiện, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã kêu gọi Nga hợp tác với quá trình điều tra vụ tai nạn hàng không lịch sử này. Ông Rutte nói rằng việc ưu tiên hàng đầu hiện nay là truy ra kẻ chịu trách nhiệm cho vụ bắn hạ MH17.

Báo cáo điều tra thực nghiệm từ Nga

Trong khi đó, Cục Giao thông hàng không Liên bang Nga và Bộ Ngoại giao nước này hôm 15/10 đã phản ứng trước kết quả điều tra mà phía Hà Lan công bố về số phận MH17. Phó Giám đốc cơ quan này, ông Oleg Storchevoi cho rằng kết quả điều tra mà phía Hà Lan đưa ra trước đó có nhiều lỗi.

Bộ Ngoại giao Nga cũng tổ chức một cuộc họp báo về sự việc, trong đó nói rằng kết quả điều tra của Hà Lan cũng như cách mà họ tuyên truyền nó là một chương trình nghị sự chống lại nước Nga.

“Các chuyên gia đến từ Almaz-Antey và Cục Giao thông hàng không Liên bang Nga đã làm việc rất nỗ lực. Họ đã từng nhiều lần đưa ra các đánh giá của mình cho Ủy ban điều tra. Giờ chúng tôi nghi ngại rằng mục đích thực sự của cuộc điều tra diễn ra ở Hà Lan không phải là tìm ra sự thật mà là nhằm lên án nước Nga” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói.

Trước đó, nhà sản xuất vũ khí chế tạo hệ thống phòng không BUK cũng tung ra báo cáo điều tra dựa trên các cuộc thử nghiệm của riêng họ, trong đó nói rằng MH17 không thể bị bắn hạ bởi một tên lửa khai hỏa từ phần lãnh thổ mà người ly khai ở miền Đông Ukraine đang quản lý.

Trong ngày 13/10, Almaz-Altey, nhà sản xuất hệ thống BUK của Nga, cũng công bố kết quả điều tra thảm kịch MH17 của riêng mình, bác bỏ những kết luận trước đó của các nhà điều tra Hà Lan. Almaz-Altey đã sử dụng tên lửa IL-86, Buk 9M38M1 trong hai cuộc thử nghiệm gần đây để tái hiện lại thảm kịch MH17 trong phòng thí nghiệm.

Kết quả từ cả hai cuộc thí nghiệm cho một kết quả giống hệt nhau rằng chiếc Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã trúng một tên lửa SAM BUK, nghĩa là tên lửa loại BUK 9M38, phiên bản cũ của Buk 9M38M1 và không phải là loại tên lửa thương mại của Nga. Liên Xô đã ngừng sản xuất BUK 9M38 từ năm 1986 và thời hạn sử dụng của những tên lửa đã sản xuất trước đó là 25 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những kết luận trái chiều về vụ MH17

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO