Những ngày tháng 4 này chúng tôi may mắn được gặp những nhân chứng lịch sử là những tướng lĩnh đã từng có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30/4 cách đây gần 50 năm.
Dù tuổi đã cao, nhưng ký ức những ngày tháng năm khi đất nước hoàn toàn thống nhất vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của họ.
Giờ phút không thể nào quên
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước khi đó giữ cương vị Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 trực tiếp dẫn đầu một mũi tấn công vào Sài Gòn nhớ lại: Hướng tấn công của Quân đoàn 3 là hướng Tây Bắc, từ Tây Ninh, Củ Chi đánh vào Sài Gòn. Quân đoàn quyết định mở “cánh cửa thép” Tây Bắc, tiêu diệt căn cứ Đồng Dù và giữ hai cây cầu huyết mạch là cầu Bông và cầu Sáng trên đường số 1 và đường 15 nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn. Quân đoàn đã đưa được toàn bộ lực lượng cơ giới với hơn 3 vạn quân, hơn 1.500 xe ô tô, hàng nghìn pháo và xe tăng tràn vào giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất và đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, hai mục tiêu này được giải phóng hoàn toàn.
“Trên con đường 4 km như vậy tràn ngập cờ hoa dưới hai làn đạn của hai bên ta và địch. Nhân dân ta là như vậy, không sợ bom đạn mà lao ra đường cổ vũ, tiếp tế cho bộ đội. Họ không sợ chết bởi khát vọng hòa bình đã được họ chờ đợi hơn 30 năm, sự dồn nén đó được bùng ra một cách quyết liệt” - vị tướng kể lại.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, những khó khăn, vất vả trong hàng chục năm chiến đấu dường như tan biến khi ông cùng đồng đội chứng kiến giờ phút Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam Bắc thu về một mối. Người dân reo hò, vẫy cờ hoa dọc hai bên đường đón đoàn quân giải phóng vào Sài Gòn trong niềm tự hào, phấn khởi không tả xiết.
Cũng như bao người Việt Nam khác, ngày đất nước thống nhất là ngày Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến vỡ òa trong niềm vui. Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), ông xúc động kể lại những kỷ niệm về đơn vị mình trên đường tiến vào Sài Gòn. Khi đó, Trung tướng Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, được giao nhiệm vụ đốc chiến các đơn vị tấn công căn cứ Đồng Dù, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất ở hướng Tây Bắc, mở cửa vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch.
“Khi chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, tất cả cán bộ, chiến sỹ đều tin tưởng đã nắm chắc phần thắng trong tay bởi vì quân và dân ta vừa đánh thắng hai chiến dịch lớn là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng. Tinh thần quân ngụy thì đã xuống rất thấp” - Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ.
Điều đặc biệt, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự chở che cho cách mạng của nhân dân ta đã làm nên chiến thắng. Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại những giờ phút đoàn quân của ông tiến về Sài Gòn ngày này gần 50 năm trước: “Khi quân ta chuẩn bị đánh vào Sài Gòn, các mẹ, các chị và thanh thiếu niên miền Nam ra động viên bộ đội rất nhiều. Đến khi Sài Gòn được giải phóng, các mẹ, các chị tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Quân với dân cùng một ý chí đã làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lẫy lừng: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Họ đã hy sinh cho đất nước trường tồn
Niềm tự hào, niềm vui không thể tả xiết là những cảm xúc của nhân dân ta sau khi non sông thu về một mối, nhưng với những người đã từng xông pha trận mạc thì trong lòng họ luôn canh cánh những câu chuyện về đồng đội. Với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hình ảnh về những người đồng đội, đồng chí hy sinh gan dạ trước giây phút hòa bình là một điều khiến ông nuối tiếc và day dứt nhất.
Theo lời kể của vị tướng già thì 10 năm chống Mỹ, Quân đoàn 3 có gần 3 vạn người đã hy sinh. Nhưng hơn 1 giờ trước giây phút hòa bình, hơn 120 đồng chí đã ngã xuống để giành lại nền độc lập cho đất nước này. Nếu Dương Văn Minh đầu hàng sớm hơn, vào lúc 9 giờ 45 phút sáng 30/4/1975 thì Quân đoàn 3 đã cứu được hơn 120 đồng chí liệt sĩ. “Chứng kiến khung cảnh đó, chúng tôi rất đau đớn”- giọng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ngậm ngùi.
Với Trung tướng Khuất Duy Tiến, trong thời gian diễn ra Chiến dịch Tây Nguyên, ông có một kỷ niệm khó quên với chiến sỹ cần vụ tên là Lưu Đình Thiều. Chiến sỹ Thiều quê Ân Thi, Hưng Yên và đã ở cùng từ khi ông còn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64. Ở chiến trường, việc ăn uống rất kham khổ, có lúc tiêu chuẩn hằng ngày chỉ có 2,5 lạng gạo/người. Người chiến sỹ ấy khá to cao nên thường xuyên bị đói, trong khi ông vốn ăn ít, có ngày mải việc, ông chỉ cần ăn vài chiếc kẹo. Vì thế mà ông Khuất Duy Tiến vẫn hay nhường suất cơm của mình cho người chiến sỹ cần vụ này.
Trung tướng Khuất Duy Tiến ngậm ngùi kể: “Thiều là người rất thật thà, chịu khó. Một tối, tôi đang ngồi nghiên cứu bản đồ trong phòng làm việc thì Thiều mang đến hai miếng dứa nhỏ bằng hai ngón tay. Thiều đưa cho tôi một miếng. Tôi hỏi: “Dứa ở đâu ra thế?” Thiều định giấu không nói, nhưng gặng mãi, Thiều mới thật thà kể là dứa của anh em đi trinh sát trận địa mang về. Tôi nghiêm giọng, bảo: “Lấy của dân phải không? Đã trót rồi thì thôi, nhưng từ nay không được thế, mình phải gương mẫu để anh em đơn vị noi theo chứ”. Biết mình sai, Thiều im lặng, rơm rớm nước mắt... Sau ngày Buôn Ma Thuột giải phóng, Thiều nhận nhiệm vụ đi cùng đồng chí Mẫn - Trưởng Ban bản đồ - vào thị xã thu gom bản đồ và một số tài liệu, vật dụng cần thiết cho cơ quan tác chiến. Đâu ngờ, trong chuyến đi ấy, Thiều hy sinh...”.
Cho tới nay, có một điều vẫn làm ông day dứt, ấy là khi đất nước thống nhất, ông có về Hưng Yên để tìm hiểu gia cảnh và công tác chính sách đối với người cần vụ của mình, nhưng chẳng ai nắm rõ về Liệt sĩ Lưu Đình Thiều. Ông chỉ biết Thiều quê ở thôn Lưu Xá, xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi, Hưng Yên). Mỗi khi nhớ lại những giọt nước mắt ân hận của Thiều trong buổi tối ngoài mặt trận, ông lại thầm trách về sự nghiêm khắc của mình và luôn canh cánh một nỗi niềm: Không biết Thiều đã “trở về” quê hương chưa, hay từng ấy năm anh vẫn còn nằm lại ở cánh rừng cao su nào đó giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Phi đội Quyết Thắng và trận đánh đặc biệt
Góp vào Chiến dịch Hồ Chí Minh không thể không kể đến trận ném bom lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 của Phi đội Quyết Thắng. Anh hùng, Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục chia sẻ: Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng rời sân bay Phù Cát tiến về sân bay Thành Sơn chuẩn bị cho trận chiến quyết định. Tại đây, mọi mục tiêu, phương án tấn công đã được đề ra. Theo đó, mục tiêu mà Phi đội Quyết thắng phải hoàn thành là oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất.
Một yêu cầu lớn được đặt ra với Phi đội khi tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất là phải bảo đảm an toàn cho trại David, cách đường băng khoảng 300 mét, nơi có phái đoàn quân sự của ta. Mọi công tác đã chuẩn bị xong, đến 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng hạ mệnh lệnh chiến đấu. 16 giờ 25 phút, Phi đội được lệnh xuất kích.
Sau khi bay qua khu vực Hàm Tân, phi công nhìn rõ mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, đã kéo máy bay lên độ cao theo kế hoạch, rồi từng máy bay bổ nhào về phía mục tiêu lúc 17 giờ 5 phút. Khi quan sát thấy số 1 Nguyễn Thành Trung thả bom không ra, lập tức số 2 - Từ Đễ lao xuống thả 4 quả trúng mục tiêu. Tiếp theo các số 3, số 4, số 5 bổ nhào vào cắt bom, từng loạt bom nổ, các cột lửa, khói bốc cao bao trùm sân bay Tân Sơn Nhất.
“Bước ra khỏi máy bay, chúng tôi liền ôm lấy nhau mà hét toáng lên: “Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi!”. “Thực sự đến bây giờ tôi vẫn không thể tin được chúng tôi có thể chiến thắng trong trận đánh đó. Chúng ta chỉ có phương tiện ít ỏi nhưng lại có một cái đầu sắt, có một tinh thần đoàn kết, tinh thần quả cảm mà không đội quân nào có được” - Đại tá, cựu phi công Nguyễn Văn Lục tự hào kể.
Trong trận này, Phi đội Quyết thắng đã phá hủy 24 chiếc máy bay A-37, tiêu diệt và làm bị thương hơn 300 quân ngụy; sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh coi tiếng bom Tân Sơn Nhất như hiệu lệnh để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.