Thiên nhiên vốn là ngôi nhà lớn của rất nhiều loài động vật hoang dã, trong số đó không thể không kể đến những loài chim với đặc tính và “nhan sắc” có một không hai. Có loài chim tuổi thọ đến cả mấy chục năm, có loài lại chỉ đi với nhau khi có đôi có cặp, lại cũng có loài chim không bao giờ bay được...
Vẹt Kakapo - loài chim không biết bay
Một trong những loài chim quý hiếm nhất của New Zealand chính là loài vẹt đêm có tên Kakapo, nhưng loài vẹt này lại rất ít được biết đến. Trước hết, do chúng chỉ sống trong rừng già New Zealand, thứ hai, do chúng chẳng còn được bao nhiêu (có thể nói, số lượng cá thể của loài kakapo hiện đếm được trên đầu ngón tay).
Nguyên nhân về nguy cơ tuyệt chủng này theo các nhà khoa học do loài vẹt Kakapo rất hờ hững trong việc hẹn hò. Hình như chúng không có nhu cầu yêu đương quá một lần trong hai năm. Đây cũng là lý do khiến con trống bị lãnh cảm. Có lẽ vì vậy mà loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng với chỉ 124 cá thể tại New Zealand, vùng đất duy nhất chúng sinh sống.
Vẹt Kakapo có bộ lông màu xanh lá sáng tuyệt đẹp giúp chúng dễ dàng ngụy trang với cây cỏ trên mặt đất. Có điều lạ là loài chim này không thể bay được, chúng thường đập cánh vô vọng khi bị con mồi tấn công. Đặc tính đặc biệt của loài vẹt này là vô cùng thân thiện với loài người và không hề có biện pháp nào chống đỡ khi bị kẻ thù bắt.
Chim Ô-tit
Loài chim tuyệt đẹp và dũng mãnh này chuyên sinh sống tại Ấn Độ và các vùng giáp ranh của Pakistan. Thuộc lớp chim lớn với đôi chân dài, chim Ôtit nhiều khi khiến người ta nhầm tưởng nó với loài đà điểu của châu Phi. Điều khiến người ta vô cùng lo ngại là chim Ô-tit đang nằm trong danh sách những loài bị tuyệt chủng.
Uyên ương – Loài chim hạnh phúc
Uyên ương thực ra chỉ là một loài chim di trú, thuộc gia đình vịt trời. Chúng luôn luôn có đôi và hình ảnh ấy được người ta ví với những cặp vợ chồng hạnh phúc. Chim trống đẹp hơn chim mái, bộ lông nhiều màu, chuyển từ màu nọ sang màu kia rất hài hoà. Chim mái không sặc sỡ như chim trống, vòng quanh mắt và cổ màu trắng.
Thường chim trống chỉ rời xa chim mái trong thời gian con mái ấp trứng, sau khi con mái ấp nở con chúng sẽ quay lại gia đình. Chính vì đặc tính này mà những người nuôi uyên ương rất thích bởi chỉ cần nhốt con mái lại thì con trống chẳng bao giờ bỏ đi, chúng chỉ sống quanh chỗ con mái bị nhốt.
Hồng hoàng - Phượng hoàng đất
Hồng hoàng thường sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới tại một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc. Còn ở Việt Nam loài chim này mới chỉ có ở Tràng An (Ninh Bình), thi thoảng người ta vẫn bắt gặp Hồng hoàng bay lượn trên núi.
Hồng hoàng còn gọi là phượng hoàng đất có tên khoa học Buceros bicornis - một trong những loài chim mỏ sừng lớn. Thường mỗi con chim Hồng hoàng nặng từ 2,5 - 4 kg, chiều dài toàn cơ thể từ 95 – 122 cm, sải cánh rộng tới 1,6m. Khi còn nhỏ lông chúng có màu xám và dần chuyển sang đen tuyền khi trưởng thành. Nửa thân sau và phần đuôi có màu trắng muốt, điểm thêm là một vành đen óng.
Điều khiến người ta vô cùng ngạc nhiên là loài chim này có tuổi thọ rất khủng, trung bình một con chim Hồng hoàng trong môi trường nuôi nhốt có thể sống 60 năm, thậm chí đến 90 năm, xấp xỉ tuổi thọ của một người. Khác với những chú chim bình thường, Hồng hoàng có bộ sừng rất đặc biệt, thoạt nhìn, người ta có thể lầm tưởng ai đó đã tinh nghịch buộc trên đầu chúng một chiếc hoa chuối rừng với màu vàng phối đỏ vô cùng bắt mắt.
Nhiều người vẫn cho rằng Hồng hoàng là loài chim có thế lực tối cao. Vì vậy, nó được chọn làm linh vật, được dùng làm lễ vật cúng tiến và đón chào các vị thần trong các lễ hội.
Tucan mỏ lục
Chim Toucan, hay còn được gọi với cái tên Tucan mỏ thuyền bởi thoạt nhìn người ta có cảm giác cái mỏ của nó giống như hai chiếc thuyền úp vào nhau với nhiều màu sắc nhưng trông vô cùng độc đáo và bắt mắt.
Trông có vẻ lòe loẹt như thế nhưng chiếc mỏ cũng là vũ khí lợi hại giúp chim Tucan xua đuổi kẻ thù. Đến cả diều hâu cũng phải e ngại chiếc mỏ này của Tucan. Thường khi ăn, chúng sẽ dùng mỏ để rỉa thức ăn thành từng miếng nhỏ, sau đó nghiêng đầu và nuốt chửng toàn bộ số thức ăn đó. Loài chim này sống trong các rừng Nam Mỹ, từ nam Mehico đến Honđuras.
Loài chim độc đáo nhất
Hoatzin là loài chim độc đáo nhất thế giới, có kích thước cỡ chim trĩ, sống tại rừng Amazon và đồng bằng Orinoco. Thức ăn của chúng chủ yếu là lá cây, trái cây và các loài hoa. Tuy sống khá thanh đạm nhưng chúng còn có biệt danh khác là “chim hôi” vì chúng có mùi như phân bón thực vật. Có lẽ vì thế mà chúng thoát khỏi sự săn bắt của loài người vì thịt của chúng không thể chế biến thành thức ăn.
Điểm đặc biệt của loài chim Hoatzin này còn nằm ở hệ tiêu hóa. Hoatzin có ruột trước dùng để nghiền nát thức ăn và lên men bằng vi khuẩn. Bầu diều ở Hoatzin được tiến hóa với những chức năng như dạ cỏ ở bò. Sự tiến hoá này làm bầu diều của chúng rất lớn, khiến chúng không thể bay xa như những loài khác.