Những miền hương nhớ…

TRANG THANH 17/08/2023 08:18

Tôi hay tiếc cả những thứ không phải của mình. Thấy vài quả thị người ta để héo - thứ nhan sắc mùa thu hươm hươm mây nắng, giờ nhăn nheo buồn bã - lòng bỗng len len mấy sợi buồn.

Nghĩ thế thôi, mà bất giác mùi thơm thị chín dắt tôi về lại những miền thơm…

Hoa lan tiêu, hoa móng rồng khô trong túi áo, những ngày mưa buồn so ro trên bậu cửa, nhìn mưa bong bóng, nghe xa xa sấm vọng, sẽ sàng nhón tay đưa lên mũi hít hà. Mùa thị chín thì lan tiêu, móng rồng cũng chín. Hoa ngâu vàng rợp cả chòm cây góc sân nhà bà Thăng.

Qua bên kia sông, nhà cụ Nguyện có hai cây ngâu cổ thụ trồng tự nhiên không cắt tỉa, tán nó đổ nghiêng đổ ngả ngày ngâu dầm mưa bão. Làng bên, nhà cái Liên cùng lớp có một cây lan tiêu gầy khẳng khiu, rình được bông nào chín, nó thủ vào túi quần mang đến lớp, đứa nào thân nhất nó dúi cho một bông. Nhưng mùi hương ấy là không giấu được, cuối cùng, phải chia ra cho mỗi đứa một cánh.

Tôi muốn có một bông móng rồng, thì phải đi sang xã bên, xa chừng 3 cây số. Nhà bác Bình tôi ở thôn Tức Mặc gần Đền Trần, thời ấy được gọi là giàu. Nhà xây mái dốc lợp ngói, nhưng ngoài hiên lại đổ mái bằng, hàng hiên rộng, có thể nằm ngủ đêm hè, trải chiếu dọn cơm ăn tối dưới trăng. Bác Bình trồng hai gốc móng rồng, vươn ngọn lên mái hiên như hai con rồng chầu, cành nhánh sum suê che nắng.

Mùa thị chín.

Tôi của thuở bé luôn bị những mùi hương dẫn dụ. Thị ư? Đương nhiên rồi! Cả làng chỉ có một cây thị nhà bác Dưỡng, bác họ của tôi. Mấy cành thị lòa xòa ngang tầm tay với, già quả nào là quả nấy rơi vào tay bọn trẻ con. Tôi chỉ cần lên tiếng từ đầu ngõ là đã nghe tiếng bác trong nhà vọng ra: Cái Thanh đấy à, cứ lấy đi! Nhưng qua mấy ngày đầu mùa, cành thấp lòa xòa hết quả. Ai đi qua cũng cứ với tay lên là hái. Con bé nhìn lên chẳng thấy quả nào thì chạy vào sân, bác ơi! Bác lật đật chạy ra, hiểu ngay, cầm cây sào dài hướng thẳng lên cây, loáng cái là có vài quả thị nằm gọn lỏn trong giỏ sào, con bé cười tít mắt.

Mùa thị chín cũng vào mùa ổi rộ. Con đường đi tìm mùi hương của tôi chạy zích zắc từ xóm giữa xuống xóm dưới rồi lại vòng lên xóm trên, qua làng bên, sang xã khác. Tới nhà thì loanh quanh luồn lọt qua vườn, qua giậu, vòng ra cái soi bên bờ ao nhà bà Niệm.

Xóm dưới dẫn dụ bởi cây thị nhà bác Dưỡng. Xóm trên gọi mời bởi rặng ổi nhà bác Ánh, chị Xiêm. Quả ổi găng, ổi thóc nhà bà Niệm chỉ nhỏ như cái trứng gà tre, phải trèo như khỉ leo cây thì mới hái được, mà tôi thì ốm nhách, chẳng bao giờ dám trèo. Xưa ổi thường được ươm bằng hạt, nên cây nó khẳng khiu cao vút chứ không như giống ổi chiết cành sau này, thấp lòa xòa ngang vai. Ông Niệm dùng sào chọc ổi, lúc chín rộ, mỗi cây cho một thúng khảo.

Bà Niệm sống khá tĩnh lặng trong ngôi nhà to nhất xóm, ổi bo, ổi đào, ổi vân nam, ổi găng, ổi mỡ, ổi thóc vài chục cây. Trẻ con trong xóm chỉ có tôi là lê la suốt ở nhà bà, cất vó tép lúc sáng sớm, trưa ngủ lăn ở hiên, chiều tắm nước giếng, mùa đông thì chui vào bếp xem bà thổi cơm, chờ những hoa bỏng trắng thơm nảy ra từ ngọn rơm đang cháy.

Chẳng hiểu sao bà quý tôi đến thế. Ngày xưa, mỗi nhà đều có căn buồng trống và buồng kín, buồng trống để ngủ, buồng kín không cửa sổ, để cất giữ tất cả những gì quý nhất, nào cót thóc, nào chạn thức ăn trong đó có đường, mật ong hay bột sắn hồi đó đều là quý hiếm. Vậy mà tôi được bà Niệm cho theo cả vào buồng kín, soi đèn giúp bà, để bà rót cho khi thì chén đường, khi thì tí mật ong về ngâm hoa hồng bạch chữa ho. Bà đựng đường trong cái chai thủy tinh nút lá chuối, được đặt trong một cái bát con chứa nước, để ngăn kiến bò. Tôi thấy cái cót thóc quây ba tầng to khổng lồ, cao gần đến xà nhà. Nhà giàu mới có cót quây tầng như thế, chứ nhà nghèo thì mùa vụ chưa đến đã phải bán lúa non. Gặt hái xong, thuế má nộp xong rồi, trong buồng có khi chỉ còn lưng cót thóc, tháng ba chưa đến, trẻ con đã gầy rạc.

Hồi ấy cho nhau tí mật ong như thế là quý lắm. Ngôi nhà của bà bề thế, cách sân nhà tôi cái vườn nhỏ chưa đầy mươi bước chân. Nhà tôi thấp bé, bị nhà bà che chắn hết luồng gió nồm nam từ đồng ruộng thổi vào. Tôi hay lê la cắp manh chiếu tướp sang nằm ở hiên nhà bà, là vì mát. Gió cứ lồng lộng, suốt mùa hè chẳng cần đến quạt quậy gì. Vào mùa ổi rộ, tôi thích ăn ổi thóc, ổi mỡ bà cho, hai thức ổi thơm ngon nhất trần đời, dù nó nhỏ nhất, hái được nó cũng khó nhất.

Tôi nhớ, dễ hái nhất chỉ có cây ổi bo nhà bà Tiến, cô Hồng, bị trận bão nào đó quật cho đổ lả cả thân. Cô tôi dùng hai cái cọc tre bắt chéo chống dưới đất lên để đỡ thân cây. Đi ra bờ ao giặt giũ, phải cúi lưng xuống luồn qua vòm lá, nên cũng chỉ với nhẹ tay một cái là bứt được quả ổi. Cô biết tôi hái mà không xin phép, nhưng không khi nào la mắng.

Dễ hái nữa là cây ổi đào nhà bà Thăng. Nó mọc bên bờ ao, lâu ngày bờ ao bị xói lở khiến gốc rễ nó trơ ra, thân đổ lả trên mặt ao, nơi có bắc cái cầu ao gỗ ván. Vào ngày mưa bão, nước ao dâng cao, có khi ngập hết nửa cây, quả chìm dưới nước, bọn cá cũng được ăn thỏa thích. Cây ổi vẫn sống một cách mãnh liệt, mùa nào mùa nấy sai chi chít, khi chín thì vàng ươm, thơm lựng, thịt quả màu hồng đào, mềm và ngọt lịm.

Tôi với cái Oanh cháu bà Thăng thân nhau như hình với bóng, đi tắm, đi hái rau vớt bèo, quét nhà, dọn sân. Cây ổi đào ấy, có lẽ hai đứa tôi và bọn cá trong ao ăn là chính, và ăn nhiều nhất là khi hai đứa ngụp lặn tắm ao, ăn no được.

Tôi cứ đi lòng vòng như thế, suốt hè sang thu, hết nhà này sang nhà khác. Còn nhà thím Huệ, nhà chị Xiêm anh Dũng nữa, ổi mọc san sát bờ ao. Nhiều đến nỗi khiến chúng tôi kén chọn, cây ngon nhất mới ăn, mỗi vườn ổi thể nào cũng có vài cây dở. Ổi nhà thím Huệ tôi sẽ ăn vào buổi sáng, lúc chờ hai đứa con thím cỡ tuổi tôi cùng đi học. Khi ấy là chọc ổi để đi chợ, thím cho chúng tôi ăn no nê ở cây ổi nghệ rồi mới xếp gánh quảy đi. Ổi nhà chị Xiêm chúng tôi sẽ ăn vào trưa tan học, ổi đã cuối mùa, trên đường từ trường về, rẽ vào vườn chị ăn ổi đã, rồi đi tắt qua bờ ao mà về với cái bụng lưng lửng.

Cuối cùng thì, cái vườn mà cây nào cũng ngon, có lẽ là vườn ổi nhà bác Ánh, bác ruột của tôi. Bác trồng ổi muộn, không phải trồng một cách hồn nhiên lấy mấy quả ăn, mà quật đất bùn ao lên dưỡng vườn, đắp ụ, bác trồng ổi để bán, nên quy củ hàng lối, với toàn giống ổi vân nam, ổi lê quý hiếm thời đó, quả to tròn, dáng đẹp, khi chín lên màu trắng sáng, cùi dày và giòn ngọt, hạt ít, ngon không chê vào đâu được và bán thì rất được giá.

Không dễ ai xin được ổi nhà bác Ánh, nhưng tôi thì vẫn có thể. Thỉnh thoảng, vào những lúc tan cơn mưa, mẹ rủ tôi đi thăm ao rau muống, xong thì tạt qua nhà bác. Mưa lớn vừa tạnh, từng cành ổi trĩu quả lả đi vì gió quật, lộ ra những trái ổi trắng mịn như trái lê, thơm nức vườn.

Mẹ tôi giúp hai bác hái ổi, chất đầy các thúng, nhưng phải chờ đến khi hái xong, bác mới cho tôi vài quả, có khi là những quả vẹo vọ, xấu mã, bán chắc là không được giá, nhưng ăn vẫn cứ ngọt lịm. Trong một mùa ổi, lúc đắt hàng, biết tôi thích thị, bác Ánh sẽ mua cho tôi vài quả, cũng không tròn trịa nhưng vẫn cứ thơm nức.

Bác bảo, thị tròn trông thì đẹp, nhưng thị vẹo ăn mới ngọt, bác mua quả vẹo để chơi xong thì cháu ăn. Tôi bỏ thị vào quang. Những chiếc quang xinh xắn được đan bằng sợi len hoặc sợi ni lông tước nhỏ, treo thị lên cây cột nhà. Thị chín nẫu thì bóp đều cho mềm, rồi nậy núm thị ra mà mút lấy thịt quả bên trong. Có quả chát, quả ngọt. Với trẻ con ngày ấy, chát ngọt gì cũng đều ngon cả, nhưng quả nhiên, quả thị vẹo ngọt hơn.

Hôm nay đã độ thu về. Trưa đang nắng chan hòa bỗng lâm râm mây phủ, trời sậm dần rồi ì ầm tiếng sấm từ xa vọng tới. Mưa loang loáng một lúc rồi lại hênh hểnh nắng lên. Nắng đâu chưa kịp khô tóc mấy đứa nhảy mưa, thì lại sầm sập mưa xuống, mà lần này là mưa bong bóng. Trời om om tối, sầm ầm ì rền rĩ như giận đất hờn trời, hờn mãi khôn nguôi.

Tôi ngồi nhìn mưa mà bất giác nhớ về quãng thời thơ ấu, lang thang những sáng - trưa - chiều - tối, lần theo hương sắc mùa đi mà tận hưởng những ngọt ngào. Cụ Nguyện, bà Tiến, bác Dưỡng, bác Bình, bác Ánh, ông bà Niệm, ông bà Thăng, cả chị Xiêm anh Dũng, tất cả giờ đã thành ra người thiên cổ.

Bác Dưỡng tôi sống trên trăm tuổi, phải chăng bởi cả đời bác được tắm gội trong hương thị mà trường thọ. Không biết có phải bởi những mùi hương của thu nay, đã dẫn dụ tôi về ký ức, hay chính là mùa Vu Lan sắp đến, trong mưa gió đầu thu.

Chợt thấy ấm áp, như thể trong mưa nắng phấp phỏng đây kia, mùi hương của những vườn xưa ngọt lành thơm thảo, đang dắt ta đi. Qua những khoảnh khắc mê mải ngày thường, qua dặm dài cách trở, dẫn ta về quê hương, làng xóm, nơi đâu đó những góc vườn, bờ soi, dải làng xanh óng, còn như thấp thoáng những bóng dáng thân thuộc ngày nào. Thấy ấm áp ngọt lành một miền hương nhớ, sưởi ấm lòng ta những lúc xa xôi…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những miền hương nhớ…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO