Đối với người Việt Nam, Quốc khánh 2/9 là một dịp trọng đại. Trong tâm thức tôi, luôn vinh dự được dội lại vang vọng những khúc ca khải hoàn của một dân tộc kiên trung, bất khuất, anh hùng. Tôi cũng may mắn được cất lên biết bao ca khúc ngợi ca, cổ vũ lòng yêu nước thương dân, tinh thần anh dũng, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền của đất nước.
1.Đọc, yêu sử Việt Nam, làm sao có thể quên bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc khao khát tự do, hòa bình. Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước.
Trong lời thề vang vọng dưới nắng Ba Đình mùa thu năm 1945, toàn quân, toàn dân ta đã quyết một lòng “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn Độc lập). Cha ông ta khắc sâu lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đem máu xương giữ vững quyền tự do, độc lập của dân tộc, đem sức lực, trí tuệ, của cải để tô đẹp non sông, đất nước.
9 năm trường kỳ kháng chiến “Gan không núng, chí không mòn”, 20 năm gian khổ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, toàn dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn lời thề năm xưa ở Quảng trường Ba Đình lịch sử. Để ngày thống nhất non sông, khắp nơi rực rỡ cờ hoa. Những ca khúc mừng chiến thắng ngân lên. Trong lòng mỗi người dân đều có những ca khúc được ngân lên. Bởi mỗi người là một đóa hoa thơm.
Tâm hồn mỗi người đều có một khúc ca yêu nước, lòng thương người. Mỗi người cùng nối dài vườn ca khúc Việt Nam. Từ đó, mỗi người cũng có cách hát, cách vang vọng của mình cùng dân tộc, cùng màu cờ Tổ quốc.
Sinh ra trong thời bình, tôi chỉ được biết đến những tháng năm chống thực dân, đế quốc qua sách báo, phim ảnh, qua những ca khúc cách mạng. Trong những ngày lòng dân phơi phới, hướng về ngày Tết Độc lập, tôi lại nhớ biết bao nhạc sĩ đã góp phần tô thắm vẻ đẹp con người Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Rất nhiều người, trong đó có tôi vô cùng yêu mến tài năng âm nhạc của các nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Vũ Trọng Hối, Xuân Hồng, Huy Thục, Doãn Nho, Trần Chung, Xuân Giao, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Hà...
Mỗi tác phẩm cách mạng (nhạc đỏ) của các ông là tiếng kèn xung trận, là lời thề sắt son trước sau như một của hai miền Bắc, Nam gửi đến cho nhau. Các bài hát cất lên giữa cung đường Trường Sơn huyền thoại, những mâm pháo phòng không ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị... đã nhân lên sức mạnh kết đoàn, làm vững hơn bước chân của những người lính, và đắp bồi thêm niềm tin chiến thắng ở những người đang ngóng đợi, tăng gia sản xuất nơi hậu phương.
2.Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng chia sẻ: “Âm nhạc cách mạng đã thực sự khắc họa trọn vẹn quá trình đấu tranh, dựng xây đất nước của dân tộc. Người ta có thể thấy được đầy đủ tinh thần chiến đấu quật cường của chiến sĩ, nhân dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc qua những trường ca như: “Trường ca sông Lô” của Văn Cao, “Lô giang” của Lương Ngọc Trác, “Chiến sĩ sông Lô” của Nguyễn Đình Phúc, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, "Bình Trị Thiên khói lửa" của Nguyễn Văn Thương...
Các ca khúc cách mạng cũng rất đa dạng. Bên cạnh những ca khúc mang âm hưởng hoành tráng, thể hiện khí thế chiến đấu với tinh thần lạc quan chiến thắng, còn nhiều ca khúc giàu chất trữ tình, mang âm hưởng dân gian và nhiều đề tài khác nhau. Nhưng trên hết, dòng ca khúc này hướng tới tinh thần tập thể, nói lên tiếng nói dân tộc, tiếp thêm nguồn năng lượng cho quân và dân ta trong những năm tháng đấu tranh gian khổ.
Còn PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nhạc đỏ là âm nhạc của một dân tộc không bao giờ khuất phục. Nhiều ca khúc đồng hành cùng hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Hôm nay những bài hát một thời đạn bom rực lửa vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn, lôi cuốn. Công chúng trẻ, bằng trách nhiệm công dân và sự nhiệt thành, bằng tình yêu với dòng nhạc cách mạng, tiếp tục quảng bá, lan truyền để những ca khúc bất hủ đi xa hơn. Yêu những ca khúc cách mạng, nên tôi nhận thấy trong ca khúc "Tình ca" của Hoàng Việt có cảm hứng đáng sống, hào hùng, tin tưởng:
“…Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly/ Giữ lấy đức tin bền vững em ơi…”.
Nhớ công ơn người đi trước, nên mỗi khi nghe lại bài “Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên, tôi lại rưng rưng xúc động. Và bởi thế, vang vọng trong quá khứ không chỉ là những bài hát, mà trong tôi luôn còn được dội lại những vang vọng từ lời cha ông ta.
Mỗi chiến công của cha ông ta là một khúc tráng ca tuyệt vời. Mỗi sự hy sinh để bồi đắp sự vững mạnh Việt Nam là một khúc tráng ca bất diệt. Bao lời thề giữ nước, bao sự quyết tâm và hối thúc nhắc nhở con cháu hôm nay và mai sau viết thêm những trang hào hùng vào lịch sử Việt Nam.
3.Cùng sự ngân vang của biểu tượng, sức sống trường tồn, trên mảnh đất thân yêu của chúng ta có hàng nghìn hàng vạn di tích lịch sử, cách mạng. Những di tích nhắc nhớ, giáo dục, chỉ bảo cho chúng ta bài học quý báu, để mỗi người dân càng thêm hiểu biết và tự hào.
Cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp. Cuộc sống cần cả những bước đi âm thầm, trao hy vọng, nhân ái, định hướng cho tương lai tươi sáng. Và những ngày này, chúng ta thường đến những di tích, để được “gặp” cha ông, để tưởng nhớ, hát và suy nghiệm.
Như Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), năm nào cũng đón hàng triệu người hành hương, thăm viếng. Bởi từ lâu nơi đây đã đi vào tâm thức và quen thuộc với triệu triệu người dân Việt Nam. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra, nơi hội tụ tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn năm châu; là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng.
Hay như xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều cựu chiến binh trở lại đã nhận thấy sự đổi thay của mảnh đất anh hùng lịch sử. Đến Điện Biên, qua đèo Pha Đin - một trong tứ đèo nổi tiếng quanh co hiểm trở vùng Tây Bắc là tôi lại thấy nao lòng. Trong tâm khảm và hồi tưởng của tôi là hàng vạn bước chân năm xưa dồn dập bước lên phía trước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, rất nhiều chí sĩ, nhà hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày ở nhà giam, nhà tù. Rất nhiều bạn trẻ cũng đã tìm đến các di tích này để hiểu hơn về lòng kiên trung, bất khuất của cha ông ta trong quá trình hoạt động cách mạng. Có thể kể đến các di tích: Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Sơn La, Nhà tù Hỏa Lò…
Nằm trên phố Hỏa Lò (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), di tích Nhà tù Hỏa Lò được biết đến là “địa ngục trần gian” ngay giữa lòng Hà Nội. Hay Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hôm nay không còn là “địa ngục trần gian” mà trở thành một điểm du lịch tâm linh, một trong những di tích lịch sử quốc gia thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Mỗi năm đón hơn nửa triệu du khách, con em gia đình liệt sĩ, đồng bào cả nước đến tham quan, học tập, tưởng nhớ các liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại đây. Chúng ta có rất nhiều nhà hoạt động cách mạng mang tinh thần “sống trong tù kiên trung, bất khuất - ở ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”. Cuộc đời sáng đẹp của họ làm gương cho con cháu, cho thế hệ hôm nay.
Tinh thần, tiếng nói và đời sống của các chí sĩ yêu nước cũng là khúc tráng ca về tinh thần vượt lên mọi gian khổ chốn ngục tù, để trở thành đóa hoa yêu nước, mang hương thơm cho đời.
Khi biết tri ân tiền nhân, tự hào là con dân nước Việt, ta không thể cầm lòng được trước một rừng hoa thơm. Ta cũng sẽ nâng lòng mình, để được quyện hòa cảm xúc cùng những khúc ca dân tộc.