“Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ; Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Câu thơ trong bài “Là thi sĩ” của Sóng Hồng (Tổng Bí thư Trường Chinh) năm 1942 viết để binh vận, đã nói lên sức mạnh của ngòi bút góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Chính trong năm 1942, khi báo Cứu Quốc ra đời, Tổng Bí thư Trường Chinh là người trực tiếp chỉ đạo nội dung và viết nhiều bài trên báo.
Báo Cứu Quốc số 1.
Tháng 5/1941, với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941) tại Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng). Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng các đại biểu của Xứ ủy Trung Kỳ, Bắc Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị đã cụ thể hóa chủ trương chuyển hướng trong chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trung tâm và cao hơn hết thảy, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thay đổi tổ chức và phương thức vận động của Mặt trận. Theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã nhất trí quyết định thành lập Mặt trận có tên gọi Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị đã kiện toàn ban lãnh đạo của Đảng, cử ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm: Tổng Bí thư Trường Chinh, Ban Thường vụ gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt.
Hội nghị Trung ương VIII cũng chủ trương cho xuất bản một tờ báo của Mặt trận, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận và trong quần chúng cảm tình. Theo tác giả Nguyễn Thành trong cuốn “Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945”: Hội nghị cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập tháng 9/1941 quyết nghị: “Các cấp bộ phải giúp đỡ tờ báo của Việt Minh sắp xuất bản nay mai, phải vận động quần chúng ủng hộ về tài chính, phải tổ chức công tác lấy tin, phải viết bài và vận động quần chúng viết bài cho tờ báo và nhất là bài vở phải sát với trình độ quần chúng và phản chiếu đời sống của nhân dân”. Sau một thời gian chuẩn bị, báo Cứu Quốc ra mắt bạn đọc ngày 25/1/1942. Ban đầu, Ban Tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng phụ trách báo.
Số 1 báo Cứu Quốc gồm 4 trang, khổ 30x40cm, in litô. Trang 1, phía trên, suốt 4 cột bề ngang là chữ Cứu Quốc to đậm. Dưới chữ Cứu Quốc là dòng chữ: “Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng Minh. Số 1. Giá: 3 xu”. Tòa soạn báo Cứu Quốc khi ra số đầu tiên được đặt tại làng Xuân Kỳ nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn Hà Nội. Hồi ký của cố Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo do nhà văn Nguyệt Tú ghi lại đã viết rất rõ, toà soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư, làm việc trong căn nhà lá nhỏ của một người nông dân nghèo, bàn làm việc là một chiếc phản gỗ gồm hai tấm ván cũ kỹ ghép lại, kê trên hai chiếc mễ. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp viết bài và chỉ đạo nội dung tờ báo. Thậm chí, còn trực tiếp trình bày trang báo.
Nói về sự ra đời báo Cứu Quốc, tác giả Nguyễn Thành trong cuốn sách “Báo chí cách mạng Việt Nam” viết: “Tên tờ báo như một lời kêu gọi thiêng liêng, một nhiệm vụ cấp bách của cả dân tộc ta trước vận mệnh của đất nước. Cứu Quốc ra đời làm phấn chấn lòng dân và gây hoang mang, lo sợ cho kẻ thù”.
Ông Nguyễn Văn Hải (1916-2002), từng quản lý báo Cứu Quốc những năm trước và sau cách mạng, trong cuốn sách “Báo Cứu Quốc 1942 – 1954” (NXB Tri thức xuất bản năm 2017) viết: “Cơ quan báo chia làm hai cơ sở: Tòa soạn và nhà in xa nhau vài cây số. Mỗi cơ sở có trạm giao thông riêng, trạm của tòa soạn để nhận bài từ các nơi gửi đến và tiếp những người cần liên hệ với tòa soạn; trạm của nhà in để nhận giấy và vật liệu chuyển đến, nhận báo in xong để giao thông chuyển đi. Gọi là tòa soạn và nhà in, nhưng thường chỉ có một góc buồng nhỏ của một gia đình cơ sở, ban ngày làm việc trong buồng đóng kín, tối mới được ra ngoài hóng gió. Ở đâu cũng bố trí lối thoát ra phía sau, đề phòng địch lùng sục”.
Để đảm bảo bám sát phong trào quần chúng, đồng thời gắn chặt với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cơ quan báo Cứu Quốc thường xuyên đóng ở các vùng xung quanh Hà Nội, nhưng phải chuyển địa điểm thường xuyên: Hạ Dương, Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), Tiên Lữ (Chương Mỹ), Vạn Phúc (Hà Đông), Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai), Thu Quế (xã Song Phượng, Đan Phượng), Liễu Khê (Thuận Thành, Bắc Ninh)…
Trong sách của ông Nguyễn Văn Hải viết: Báo được in trên đá (in li tô) theo lối thủ công. Dụng cụ in gồm hai hòn đá mặt nhẵn để in được hai mặt báo, mấy cái trục lăn nhỏ bằng gỗ bọc cao su và ít vật liệu khác. Chữ viết ngược, vẽ hình ngược vào mặt đá bằng loại ngòi bút và mực chuyên dùng, sau đó rửa sạch bằng nước chanh loãng, để khô rồi đặt giấy, lăn trục cao su, bóc tờ giấy đã in ra. Việc này cần có hai người đồng thời cùng làm, mỗi ngày in được khoảng ba bốn trăm tờ. In xong lại mài đá thật sạch, nhẵn để làm số sau. Ban đầu, báo Cờ Giải phóng (cũng do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách) và báo Cứu Quốc in chung cơ sở in báo của Đảng, do ông Phạm Đức Khiêm phụ trách. Từ giữa năm 1943, đồng chí Lê Viên ở nhà tù ra được phân công nhận bộ phận in nên báo Cứu Quốc tách ra, lập nhà in Phan Đình Phùng. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, cùng với một số điều kiện thuận lợi, lại thêm một số đồng chí bổ sung (Nguyễn Việt, Quang, Dần) nên nhà in được củng cố, kỹ thuật tiến bộ, giấy tốt hơn.
Trong cuốn sách “Báo Cứu Quốc 1942-1954”, ông Nguyễn Văn Hải viết: Báo Cứu Quốc bí mật không phát không, mà bán cho các cơ sở, vì theo ý kiến đồng chí Nguyễn Ái Quốc “có bán thu tiền thì quần chúng thấy tờ báo mới quý, coi trọng hơn báo cho không, đọc cẩn thận và giữ tờ báo chu đáo hơn”. Ban đầu báo bán 3 xu/tờ, sau lên 5 xu, rồi 10 xu, từ giữa năm 1945 lên 3 hào, tùy thuộc vào số trang và giá giấy của mỗi số.
Trong hồi ký của Xuân Thủy (đã trích đăng một phần trên báo Đại Đoàn Kết số 12 và 13 năm 1985) cho biết: Khi báo ở Thu Quế (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), tòa soạn ở trong một nhà phụ của gia đình một cơ sở. Nhà tre lợp rạ lụp xụp, vừa là chuồng lợn, vừa là bếp đun, anh em làm việc hàng ngày chỉ một chõng tre duy nhất. Đồng chí Xuân Thủy trước cảnh sinh tình, có mấy câu thơ: “Văn chương đã át hơi chuồng lợn; Khói lửa thêm nung chí diệt thù; Chiếc chõng nan tre bền sắt thép; Phen này phát xít hẳn ra tro”. Ở Thu Quế hay Sài Sơn cũng như ở nơi khác, việc đi lại của các đồng chí hết sức bí mật. Cần đi công tác, các đồng chí phải đi từ sáng sớm, tối mịt mới về, phải luồn qua bãi mía, nương ngô, bãi dâu. Đồng chí Lê Quang Đạo lúc này bí danh là Mẫn, tả cảnh sinh hoạt bằng mấy câu thơ: “Ổ rơm chiếu cói quen nằm; Cơm ăn dưa muối nhộng tằm mà ngon; Lệ thường đi sớm về hôm; Khi chui bãi mía, khi luồn nương dâu”.
Đội ngũ báo Cứu Quốc cũng biến động và tăng dần thêm. Trong sách, ông Nguyễn Văn Hải viết: Đôi khi các đồng chí Trần Độ, Minh Châu cũng có bài viết. Ông Lê Quang Đạo lúc này còn kiêm cả Bí thư Thành ủy Hà Nội, nên thi thoảng cũng mang về mấy bài viết của cán bộ hoạt động nội thành. Đầu năm 1945, ông Nguyễn Khang bận nhiều ít viết bài thì tòa soạn có thêm ông Trần Huy Liệu vừa từ trại tập trung Nghĩa Lộ về, rồi ông Phạm Văn Bảo, tức Huệ, vừa thoát khỏi nhà tù Sơn La. Ông Xuân Thủy ký bút danh là Tất Thắng, Ngô Tất Thắng, Chu Lang, Ngô Xuân Đan. Ông Trần Huy Liệu ký là Kiếm Bút, Âm Hận. Ông Lê Quang Đạo ký là Ái Dân. Khi họp tòa soạn, ông Xuân Thủy trình bày khuôn khổ số báo theo số giấy mình có, bao nhiêu trang, trọng tâm vấn đề gì, có những mục gì, những bài gì, mỗi bài có mấy dòng, mỗi dòng mấy chữ… Tòa soạn nhất trí xong, ai nhận viết bài nào thì hẹn ngày nộp bài, rồi mỗi người đi một ngả.
Những năm tháng đầu trước Cách mạng tháng Tám, báo Cứu Quốc trở thành tờ báo hàng ngày lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh. Báo xuất hiện giữa thủ đô Hà Nội. Trong tình hình mới, báo Cứu Quốc tuyên truyền, giải thích, phổ biến những chủ trương, chính sách mới của cách mạng, đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái của những tờ báo phản động tay sai nước ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng và cuộc sống mới.
Báo Cứu Quốc thu hút được rất nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài cho báo Cứu Quốc, đặc biệt trong nhiều năm liền, Người viết chuyên mục “Chuyện gần xa” trên báo Cứu Quốc với bút danh “Ð.X”. Trong hồi ký của đồng chí Xuân Thủy ghi lời đánh giá của Tổng Bí thư Trường Chinh: “Chúng ta có báo Cứu Quốc Trung ương, lại có báo Cứu Quốc ở khắp các liên khu kháng chiến. Ðó là tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta”.