Những người không khuất phục số phận

Hương Giang 24/07/2019 08:00

Từ nhiều năm nay tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Thành phố Hồ Chí Minh -  có một góc nhỏ dành  cho các nạn nhân chất độc da cam để họ bày những đồ lưu niệm bán cho du khách. Đây là cách giúp những con người thiệt thòi vươn lên trong cuộc sống.

Những người không khuất phục số phận

Nhóm các nạn nhân dioxin lại có mặt tại góc nhỏ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để làm việc và bán hàng lưu niệm.

Những móc đeo chìa khóa xinh xắn, những con chó nhỏ ngộ nghĩnh, những chiếc vòng cổ duyên dáng hay những chiếc ví cầm tay… được kết bằng các hạt cườm nhỏ, màu sắc bắt mắt. Tất cả đều do những người khuyết tật, là nạn nhân của dioxin tạo ra.

Ngồi bên hai chiếc bàn chất đầy đồ lưu niệm, hai người phụ nữ và một người đàn ông tỉ mỉ kết cườm. Những chiếc ghế ngồi của họ đều phải kê thêm đệm cao. Là những người trưởng thành nhưng họ nhỏ thó như những đứa trẻ lên 5, lên 6 và thân hình khiếm khuyết.

Sáng nào cũng vậy, khoảng 8h30, nhóm các nạn nhân dioxin lại có mặt tại góc nhỏ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để làm việc và bán hàng lưu niệm cho khách tham quan. Đó là anh Trịnh Thái Chiến, 32 tuổi, quê Buôn Ma Thuột ; chị Đặng Thị Ngân, 46 tuổi, quê Thái Bình và nhỏ tuổi nhất là chị Não Nữ Hoàng Lan, 29 tuổi, người dân tộc Chăm, quê Ninh Thuận. Tất cả đều bị khuyết tật bẩm sinh do di chứng của chất độc da cam mà bố các anh chị bị nhiễm trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Không mang hình dáng như những người bình thường, hệ vận động bị thương tổn, đi lại khó khăn nhưng các anh chị vẫn chăm chỉ làm việc. Họ luôn cố gắng hết mình để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống của bản thân.

Chị Ngân, anh Chiến, chị Lan đều sinh sống tại mái ấm An Phú, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Tân Bình, TP HCM. Đây là ngôi nhà chung của 22 người khuyết tật đều là nạn nhân chất độc da cam. Họ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thành viên nhỏ tuổi nhất của mái ấm là một bé trai 5 tuổi. Tất cả sống chan hòa, tương thân, tương ái như anh chị em một gia đình.

Hàng ngày, mọi người đến các chùa chiền, hội đoàn, làm đồ thủ công bán cho khách tham quan. Riêng chị Ngân, anh Chiến, chị Lan được làm việc tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Chị Não Nữ Hoàng Lan là người dân tộc Chăm, quê Ninh Thuận. Những xét nghiệm y khoa kết luận chị bị nhiễm độc dioxine. Chính vì vậy, cơ thể chị không lành lặn. Có cánh tay ngắn với bàn tay nhỏ và những ngón tay bằng nhau chằn chặn nhưng chị lại rất khéo léo, nhờ đó, chị vẫn sống có ích bằng chính đôi bàn tay của mình.

Những người không khuất phục số phận - 1

Những sản phẩm khéo tay được tao ra bởi các nạn nhân Dioxin.

Còn chị Đỗ Thị Ngân thì lại sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, nơi có đến hơn 30.000 người bị nhiễm chất độc da cam. Bố chị, một cựu chiến binh từng chiến đấu trong chiến trường miền Nam đã bị nhiễm dioxin và hậu quả là sinh ra chị bị di chứng chất độc da cam. Từ Thái Bình, chị theo họ hàng vào TP HCM và được giới thiệu tới Mái ấm An Phú, nơi chị coi như gia đình yêu quý của mình. Bên cạnh những người anh em cùng cảnh ngộ, chị luôn cố gắng lao động vượt lên số phận.

Du khách nước ngoài tới thăm Bảo tàng đều thán phục ý chí và nghị lực của những nạn nhân da cam. Chị Carole Dardillac, du khách Pháp cho biết chị rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến những tư liệu phản ánh hậu quả nặng nề của chất độc da cam ở Việt Nam và đặc biệt sức mạnh phi thường của những nạn nhân dioxine khi họ làm ra những đồ thủ công vô cùng đẹp mắt.

Theo ông Châu Phước Hiệp- Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng luôn tạo điều kiện giúp đỡ các nạn nhân dioxin còn sức khỏe tham gia lao động. Đây cũng là cách để giúp họ vượt lên số phận, hòa nhập với xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người không khuất phục số phận