Mạng xã hội facebook mấy hôm nay “dậy sóng” bởi mảnh giấy viết vội của một nam sinh thành phố Hoa Phượng Đỏ gửi lời xin lỗi tới một người không quen biết. Sự trung thực, thẳng thắn, dám nhận trách nhiệm của cậu bé học sinh lớp 11 khiến không chỉ chủ xe ô tô bị vỡ gương, mà cả cộng đồng mạng, cũng như dư luận xã hội hết sức xúc động. Người ta bảo việc cậu học trò để lại mảnh giấy xin lỗi, việc chủ xe ô tô không bắt đền đều là hành động cao thượng của những người tử tế.
Sự trung thực, dám làm dám chịu đáng quý nhường nào.
Chiều 11/11, sau giờ tan trường, Nguyễn Thế Tùng (học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng) đi xe đạp điện về nhà, do không chú ý nên va quệt làm gãy gương xe ô tô của anh Trung.
Cậu bé đứng đợi một lúc vẫn không thấy ai ra nhận xe nên đành để lại mảnh giấy với nội dung là do vô ý nên làm hỏng gương xe, đồng thời để lại số điện thoại hy vọng chủ xe liên lạc để có cơ hội xin lỗi và đền bù.
Sự việc đơn giản chỉ có thế. Song, khi hành động văn minh trên của Tùng được chia sẻ trên mạng thì lập tức nhận được hàng nghìn like và nhiều chia sẻ.
Lẽ thường khi làm sai, hoặc hỏng đồ của ai đó thì điều đương nhiên là phải xin lỗi và bồi thường, song ngày nay đâu phải ai cũng có văn hóa đó.
Giờ ra đường, không khó để gặp những tình huống khi va chạm giao thông, người ta hoặc là cãi nhau như mổ bò, hoặc căng hơn, “máu” hơn chút là xông vào “chiến”, chứ mấy ai bình tĩnh để nói với nhau những lời có văn hóa.
Người có lỗi thì cố cãi để khỏi phải bồi thường, người bị phạm lỗi thì cũng ra sức hò hét để thị uy nhằm lấy được bồi thường. Bởi vậy mà không ít vụ ẩu đả, dẫn đến thương tích, thậm chí là gây án mạng chỉ vì những va quệt nhỏ trên đường.
Người ta cho rằng hành vi, cử chỉ, lời nói của mỗi con người thể hiện “phông” văn hóa của họ. Song, đâu phải cứ người thất học mới xử sự không phải phép, trên thực tế không phải khá nhiều người mang trọng trách, mang hàm phẩm là giáo sư, tiến sĩ vẫn hồn nhiên văng tục, chửi bậy, đỏ mày, say mặt để giành phần thắng đó sao?
Giải thích cho hiện tượng trái logic này, người ta bảo đó là những người có học nhưng lại thiếu văn hóa. Vậy nên văn hóa ứng xử, sự tử tế không đồng nghĩa với chức to, cũng không đồng nghĩa với học hàm, học vị của mỗi người.
Trở lại câu chuyện Nguyễn Thế Tùng để lại số điện thoại để chủ xe ô tô bị cậu làm vỡ gương liên lạc mới thấy sự trung thực, dám làm dám chịu đáng quý nhường nào.
Trong hoàn cảnh không có chủ xe ở đó, Tùng hoàn toàn có thể “chuồn êm” mà không ai có thể biết để trách móc, chứ đừng nói là bắt đền số tiền lên đến bạc triệu.
Chẳng phải thực trạng xã hội hiện nay, khi xảy ra tình huống đó thì không ít người đều chọn giải pháp “tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng” hay sao? Vừa không mất tiền bồi thường, vừa không phải xin lỗi, vừa không bị nghe chửi... trăm đường tiện lợi còn gì?!
Tất nhiên sẽ có một vài người cho rằng cậu nam sinh lớp 11 ngốc khi để lại số điện thoại, tự dưng mua dây buộc vào người, ôm rơm cho rặm bụng, vừa phải xin lỗi, vừa phải bồi thường một số tiền lớn. Ở lứa tuổi của Tùng còn đang cắp sách đến trường thì số tiền triệu đâu phải là nhỏ, chưa kể những rắc rối khác phát sinh.
Vậy thì vì sao Tùng lại không giấu giếm lỗi của mình mà thẳng thắn đương đầu đón nhận. Tùng không hề ngốc, chỉ là cậu đã quyết định chọn cho mình một con đường đi đúng đắn - đó là làm một người tử tế!
Nói đến người tử tế, cộng đồng mạng cũng hết sức xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của anh Trung - chủ xe ô tô bị Tùng sơ ý làm vỡ gương chiếu hậu. Lẽ thường ở đời, vâng lại vẫn là lẽ thường thì bỗng dưng chẳng có ai cho không ai bạc triệu cả.
Ở đây, anh Trung không chỉ tốn tiền mà còn phải mất thời gian, bỏ công đi thay gương mới. Vậy thì vì sao anh lại chọn giải pháp bỏ qua lỗi của cậu học trò đã làm mình phải tiêu tốn thời gian, công sức và tiền bạc? Đơn giản thôi, anh đã lấy sự tử tế để đối đãi với người tử tế.
Lại cũng có một vài ý kiến cho rằng anh Trung dại, lại không bắt đền. Tiền có quý không? Ai mà chẳng khẳng định ngay và luôn là tiền rất quý. Song, tiền lại không phải là tất cả, có những thứ mà dù có bao nhiều tiền cũng không thể mua được - đó là sự tử tế.
Anh Trung cũng như nhiều người trong xã hội chúng ta đang cố nâng niu, trân trọng sự tử tế từ một cậu học trò còn đang cắp sách đến trường - thứ mà ngay cả một số người lớn cũng không có được. Sự việc đang truyền đi một thông điệp: Mọi người hãy là người tử tế và sống với nhau tử tế!