Ngày 9/11, Quốc hội bước sang ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai. Vấn đề về tham nhũng và công tác cán bộ đã được các ĐBQH truy trách nhiệm đối với các Bộ trưởng.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ĐB Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) đặt vấn đề: Bộ trưởng đã nói “quét nhà thì phải quét nhà mình trước rồi mới quét nhà người khác”. Thời gian qua, Bộ có tổ chức thanh tra, kiểm tra, quản lý công chức, viên chức các bộ, ngành Trung ương và địa phương rất nhiều. Xin Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ Bộ trưởng đã kiểm tra, xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm tại Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương và địa phương?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 280 để giải quyết những vấn đề về trật tự, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị và thực hiện vấn đề chính trị nội bộ và thành lập một tổ công tác để giải quyết vấn đề này.
Về vấn đề sử dụng biên chế và tinh giản biên chế, ông Tân cho biết, Bộ Nội vụ thực hiện ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn các đơn vị khác. Vừa rồi đăng ký tinh giản biên chế đến năm 2021, Bộ dự kiến giảm 12,5%.
Sau đó, Chính phủ yêu cầu tính mặt bằng chung là 10% trước, sau đó khi điều chỉnh về vị trí việc làm, sắp xếp lại tình hình sau khi các nghị định của Chính phủ ban hành rồi sẽ tiếp tục giai đoạn sau năm 2021, tiếp tục với những đơn vị còn thừa biên chế.
“Vấn đề biên chế và tinh giản biên chế làm rất nghiêm minh. Bộ đã làm thành 2 bản quy chế ứng xử của công chức, quy chế thực hiện nội vụ cơ quan để cho cán bộ công chức hằng ngày đi vào cơ quan đó để xem xét và phải điều chỉnh hành vi của mình cho đúng.
Nếu phát hiện cán bộ, công chức của ngành nội vụ vi phạm trong đạo đức công vụ hoặc là gây khó khăn trong thực hiện công vụ đối với các bộ, ngành, địa phương thì đề nghị các đại biểu cung cấp thông tin cho Bộ trưởng. Tôi sẽ cương quyết và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- ông Tân giải trình.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng này xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực nào? Ai phải chịu trách nhiệm về việc xảy ra tình trạng này? Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gì và có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng nêu trên? Cử tri rất vui mừng khi nghe Chính phủ báo cáo tình hình tham nhũng ở nước ta thời gian qua đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Vậy Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết căn cứ vào đâu để có được kết luận như vậy?
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, toàn diện của Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, mà trực triếp và thường xuyên là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; sự lãnh đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc đầy đủ toàn diện của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nhân dân và báo chí thì công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân và được quốc tế đánh giá cao.
Tình trạng cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân là vấn đề hết sức quan trọng được Đảng, nhân dân rất quan tâm và ngành Thanh tra cũng hết sức quan tâm.
Đề cập đến việc trách nhiệm thuộc về ai? theo ông Khái “là người đứng đầu cơ quan, lĩnh vực để xảy ra nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân”. Còn về lĩnh vực nào, theo ông Khái, đó là những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân. Những lĩnh vực cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì dễ xảy ra tham nhũng như khu vực phục vụ dịch vụ công.
Ông Khái cho biết, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị để chống nhũng nhiễu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc. Tháng 4/2019, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị này.
Sau đó Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai. Thanh tra Chính phủ cũng tham mưu Thủ tướng có Công điện 724 năm 2019 để tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
“Hai văn bản này có ý nghĩa rất lớn chấn chỉnh tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức thực hiện công vụ”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh và cho hay, tháng 10 vừa rồi, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 10, trong đó có đánh giá trình trạng, giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Vậy, căn cứ nào để nói tình hình tham nhũng thời gian qua đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm? Theo ông Khái, với tư cách cơ quan tham mưu, Thanh tra Chính phủ cố gắng bám sát vào những nội dung để làm căn cứ đánh giá. Đầu tiên ý kiến của người dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thì người dân cảm nhận tình hình tham nhũng của đất nước. Thứ hai là bộ chỉ số đánh giá của Thanh tra Chính phủ là hiệu quả phòng, chống tham nhũng có tăng lên. Thứ ba là căn cứ vào những đánh giá, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. “Hàng năm trong báo cáo cuối năm, Ban Chỉ đạo có cân nhắc rất kỹ và đánh giá tình hình tham nhũng”, ông Khái nói.
Cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính
Trả lời câu hỏi mà ĐB Mai Ánh Tuyết (đoàn An Giang) về “nền kinh tế không tiếp xúc”, giao dịch không tiếp xúc, nhất là dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi nhiều quy định, giá trị truyền thống; ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Việc cắt giảm thủ tục hành chính là bước đi đúng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, có trường hợp cắt thủ tục hành chính này thì mọc quy định khác, cắt điều kiện kinh doanh này thì chuyển sang quy chuẩn, tiêu chuẩn, và trở thành rào cản doanh nghiệp.
Do đó cần đẩy mạnh rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hiện nay, nâng cao chất lượng kiểm soát từ dự thảo, nâng cao năng lực cơ quan thẩm định; thực sự cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cần đẩy mạnh công khai, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp giám sát.