Những 'niềm hi vọng' của điện ảnh châu Á tại Oscar 2021

22/01/2021 15:52

Sau thành công của "Parasite" tại Oscar 2020, điện ảnh châu Á tiếp tục hi vọng vào những chiến thắng tại Oscar. Dưới đây là những ứng viên được kỳ vọng nhất trong số 27 bộ phim châu Á được giới thiệu tại Oscar 2021.

Trong lịch sử, các bộ phim châu Á mới có 12 lần giành tượng vàng Oscar ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất, trong đó 4 lần của các đại diện từ Nhật Bản.

Với việc "Parasite" của đạo diễn Bong Joon-ho là phim nước ngoài đầu tiên giành giải Phim hay nhất tại Oscar 2020; điện ảnh châu Á đang tràn đầy hi vọng giành được những giải thưởng mới tại Oscar 2021. 27 bộ phim của điện ảnh châu Á đã được gửi tới Oscar 2021, danh sách rút gọn sẽ được công bố vào tháng 2.

1. Asia (Israel, đạo diễn Ruthy Pribar)

Bộ phim đầu tay của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Ruthy Pribar; có sự tham gia của Alena Yiv trong vai một bà mẹ đơn thân trẻ tuổi người Nga, đang vật lộn để nuôi dạy cô con gái tuổi teen nổi loạn nhưng mắc bệnh nan y (Shira Haas).

Bộ phim đã đạt nhiều giải thưởng của Viện Hàn lâm Israel, chiến thắng ở chín hạng mục bao gồm phim hay nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Các bộ phim Israel đã 10 lần được đề cử Oscar, nhưng quốc gia này vẫn chưa lần nào đạt giải.

2. Better Days (Hồng Kông, đạo diễn Derek Tsang)

Các bộ phim Hồng Kông mới chỉ hai lần được đề cử, là "Raise the Red Lantern" của Trương Nghệ Mưu và "Farewell My Concubine" của Trần Khải Ca.

"Better Days" do đạo diễn Derek Tsang Kwok-cheung thực hiện. Câu chuyện đau lòng về nạn bắt nạt học đường và áp lực thi cử này được quay ở Trùng Khánh - một thành phố ở tây nam Trung Quốc, với các diễn viên Châu Đông Vũ và Dịch Dương Thiên Tỉ. Phim đã giành được tám giải thưởng tại Hong Kong Film Awards, trong đó có giải Phim hay nhất.

3. Broken Keys (Lebanon, đạo diễn Jimmy Keyrouz)

Trong lịch sử, những bộ phim từ Trung Đông thường được đánh giá cao. "Broken Keys" là một ứng viên tiềm năng. Bộ phim kể về Jimmy Keyrouz - một nghệ sĩ dương cầm (Tarek Yaacoub) chạy trốn khỏi một cộng đồng, nơi âm nhạc bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Được chọn công chiếu tại Cannes, "Broken Keys" đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa bức tranh chính trị và chiến thắng của tinh thần con người. Hình ảnh người nhạc sĩ với cây đàn piano bị phá tan và tinh thần nghệ thuật trước áp lực của chủ nghĩa chính thống chắc chắn sẽ được Ban giám khảo chú ý.

4. Jallikattu (Ấn Độ, đạo diễn Lijo Jose Pellissery)

Điều đạo diễn Lijo Jose Pellissery có thể thuyết phục người xem, đó là Jallikattu không giống bất kỳ bộ phim Ấn Độ nào trước đây. Khác xa với vẻ đẹp long lanh quen thuộc của Bollywood, bộ phim mô tả một cộng đồng tại vùng quê hẻo lánh đang tập hợp để bắt một con bò tót bỏ trốn.

Khi màn đêm buông xuống, khu rừng rậm được thắp sáng thô sơ bởi những ngọn đuốc, bỗng biến thành một vũng lầy đầy nguy hiểm xung quanh mối đe dọa của bạo lực…

5. Leap (Trung Quốc, đạo diễn Trần Khả Tân)

Trung Quốc mới chỉ có hai đề cử, đều cho phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Ju Dou và Hero). Bộ phim đề tài thể thao – "Leap" không giống một bộ phim để tranh giải, nhưng đạo diễn Trần Khả Tân là một cái tên xuất sắc.

Bộ phim được chú ý với sự tham gia của ngôi sao Củng Lợi, cùng đội bóng chuyền nữ Trung Quốc tham dự Olympic 2016. Leap khắc họa hình ảnh Trung Quốc những năm 1980 – giai đoạn chuyển đổi từ một quốc gia mới nổi thành một cường quốc như hiện nay.

6. Lunana: A Yak in the Classroom (Bhutan, đạo diễn Pawo Choyning Dorji)

Bộ phim của Bhutan đã góp mặt ở rất nhiều liên hoan phim, từ London, Vancouver và Busan, trước khi giành được hai giải thưởng từ bình chọn của khán giả tại Liên hoan phim quốc tế Palm Springs.

"Lunana: A Yak in the Classroom" đánh dấu sự tham gia đầu tiên tại Oscar của điện ảnh Bhutan sau hơn 20 năm. Bộ phim kể về một giáo viên trẻ, người miễn cưỡng phải đến "ngôi trường xa xôi nhất thế giới" trên dãy núi Himalaya. Sự kết hợp giữa các tình tiết gây cười với những địa điểm tuyệt đẹp và nền văn hóa của Bhutan sẽ gây ấn tượng tại Oscar 2021.

7. The Man Standing Next (Hàn Quốc, đạo diễn Woo Min-ho)

Sau "Parasite", mọi con mắt đều đổ dồn vào Hàn Quốc để xem liệu thành tích của năm ngoái có thể lặp lại. Lee Byung-hun - người được cho là nam diễn viên hàng đầu Hàn Quốc và quen thuộc với công chúng thế giới – sẽ tham gia bộ phim về vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee năm 1979.

Đây là một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất ở Hàn Quốc vào năm 2020, thu về khoảng 36 triệu USD tiền bán vé sau khi phát hành vào cuối tháng 1. Vai diễn của Lee Byung-hun trong The Man Standing Next đã mang về cho anh giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, tại Baeksang Arts Awards lần thứ 56 và Chunsa Film Arts Awards lần thứ 25.

8. The Sun (Iran, đạo diễn Majid Majidi)

Bộ phim "The Sun" (hay còn gọi là Sun Children) là phim thứ sáu của đạo diễn Majid Majidi được gửi đến các kỳ Oscar. Một trong số đó là phim "Children of Heaven" năm 1998, đã nhận được một đề cử.

Điện ảnh Iran đã hai lần giành giải Oscar trong thập kỷ qua, vì vậy bất kỳ tác phẩm nào từ quốc gia này đều sẽ được xem xét nghiêm túc. "The Sun" đã giành được ba giải thưởng tại Liên hoan phim Venice năm ngoái, khẳng định vị thế là một ứng cử viên nặng ký.

9. True Mothers (Nhật Bản, đạo diễn Naomi Kawase)

Là nhân vật được yêu thích lâu này của Liên hoan phim Cannes, năm nay là lần đầu tiên đạo diễn Naomi Kawase đại diện Nhật Bản gửi phim tham dự giải Oscar. "True Mothers" xoay quanh chủ đề nhận con nuôi, với màn thể hiện xuất sắc từ các nữ diễn viên Hiromi Nagasaku và Aju Makita.

Với danh tiếng của đạo diễn Naomi Kawase, cùng uy tín của quốc gia từng 4 lần giành giải Oscar, "True Mothers" được kỳ vọng sẽ mang vinh quang về cho điện ảnh châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những 'niềm hi vọng' của điện ảnh châu Á tại Oscar 2021