Chỉ trong vòng có vài ngày, 2 người quyền lực nhất nước Anh là Nữ hoàng Elizabeth II và Thủ tướng David Cameron đã thấm thía về sự nguy hiểm của những pha lỡ lời. Trước họ, hàng loạt các chính trị gia thế giới cũng từng trải qua những việc tương tự, mang lại không ít rắc rối cho họ.
Thủ tướng Anh David Cameron dường như đã quá thật thà khi nói với Nữ hoàng Anh về tình hình ở Nigeria và Afghanista, gọi những nước này là “hoàn toàn mục ruỗng” và “có lẽ là hai quốc gia mục ruỗng nhất thế giới” trong khi đứng trước ống kính camera. Sự việc đã gây nên cả một làn sóng phản ứng từ cộng đồng mạng và khiến người phát ngôn của Tổng thống Nigeria phải thốt lên rằng họ thực sự “xấu hổ”.
Chỉ ngay sau đó, đoạn video thu lại hình ảnh và cả lời nói của Nữ hoàng Elizabeth khi bà nói với một sỹ quan an ninh rằng giới chức Trung Quốc “rất thô lỗ” cũng được công bố. Một sự việc đã xảy ra từ hồi năm ngoái nhưng giờ lại quay về ám ảnh mối quan hệ giữa hai cường quốc.
Nhưng hai người quyền lực nhất nước Anh không phải là những người duy nhất từng trở thành món mồi ngon cho dư luận khi bỗng dưng “xảy miệng”. Đã từng có nhiều sự việc tương tự từng xảy ra để nhắc nhở cho các lãnh đạo thế giới rằng hãy luôn cẩn trọng khi chiếc micro còn đang bật.
Obama, Sarkozy nói xấu Thủ tướng Israel
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng người đồng cấp Pháp Nicolas Sarkozy từng chịu nhiều sức ép từ dư luận hồi tháng 11/2011 sau khi họ bị nghe thấy đang bàn chuyện về Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Ông Sarkozy lúc bấy giờ đã nói với ông Obama rằng: “Tôi không thể chịu nổi ông ta. Ông ta là kẻ nối dối”, theo hãng tin Arret sur Images của Pháp. Và ông Obama được cho là đã trả lời rằng: “Ông mệt mỏi với ông ta rồi à, còn tôi thì sao? Tôi phải thảo luận vấn đề với ông ta hàng ngày”.
Mắng rapper nổi tiếng
Tổng thống Mỹ Obama có lẽ không thể bao biện gì cho sự việc nói xấu ông Netanyahu, cũng như sự việc lỡ miệng xảy ra cách thời điểm đó 2 năm, khi ông gọi siêu sao nhạc rap Kanye West là “tên ngốc”.
Lúc bấy giờ Tổng thống Obama đang nói về sự việc gây tranh cãi khi Kanye West cướp sân khấu của nữ ca sỹ Taylor Swift trong buổi trao giải MTV Music Awards. Ông nói rằng: “Người phụ nữ trẻ kia rõ ràng là một người rất tuyệt, cô ấy đang nhận giải thưởng của mình. Anh ta làm gì trên đó vậy? Anh ta đúng là gã ngốc”.
Lời bình luận của ông Obama trong buổi phỏng vấn truyền hình này rốt cuộc đã bị một phóng viên có mặt tại đó đưa lên mạng xã hội Twitter. Ba năm sau đó, ông Obama đã cố gắng sửa chữa lại tình huống này bằng cách nói với một nhà báo đến từ tờ The Atlantic rằng nam ca sỹ nhạc rap nọ là “có tài”.
Gordon Brown nói xấu cử tri
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown từng có một chiến dịch tranh cử không mấy suôn sẻ trong năm 2010, thế nhưng ông không biết rằng nó thậm chí còn tệ hơn sau khi ông dừng lại để nói chuyện với một cử tri tại Rochdale, Anh chỉ một tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Bà Gillian Duffy, một người về hưu 66 tuổi, đã tìm đến ông Brown để mắng mỏ ông này, nói rằng dù cả đời đã luôn ủng hộ đảng Lao động của ông, nhưng phải thừa nhận rằng vẫn xấu hổ vì quan điểm chính trị của bà. Ông Brown vẫn duy trì thái độ nhã nhặn khi nói chuyện với bà trước máy quay, nhưng sau đó bỏ đi mà không để ý chiếc micro thu âm vẫn đang bật.
Khi đã vào trong xe của mình, ông phàn nàn với các cố vấn rằng: “Đúng là một thảm họa. Họ đáng lẽ không nên cho tôi gặp bà ta…thật nực cười…người đàn bà mù quáng”. Và ông Brown sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi chính thức dù không thể cứu vãn được cuộc bầu cử.
Bush lỡ miệng về tình hình Trung Đông
Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Brown, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cũng từng chứng kiến một trong những pha lỡ miệng nổi tiếng nhất mà Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra trong một bữa trưa tại hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức năm 2006 tại Nga.
Ông Bush lúc đó đã chào Thủ tướng Blair bằng cách thân mật nhất: “Yo, Blair” và cảm ơn ông vì đã tặng chiếc áo len cho mình. Sau đó Bush bắt đầu thảo luận về tình hình ở Trung Đông, đưa ra thứ hoàn toàn không phải là một giải pháp ngoại giao cho sự bất đồng giữa Syria và Israel.
“Điều mà họ cần làm”- ông nói với Blair “là ngăn chặn Syria và Hezbollah làm điều vớ vẩn này. Thế là xong”.
Jacques Chirac chê bai thực phẩm Anh
Tổng thống Pháp Jucques Chirac cũng từng có pha lỡ lời kinh điển khi lời chê bai cả một quốc gia của ông đã bị ghi âm vào năm 2005.
Ông Chirac lúc bấy giờ đang giữ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ tổ chức Thế vận hội 2012 của Pháp, nên đã đưa ra một điểm ưu việt rõ ràng của nước Pháp so với đối thủ Anh: Thức ăn.
“Thứ duy nhất mà họ từng đóng góp cho nền nông nghiệp của châu Âu là dịch bệnh bò điên” – ông Chirac nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder – “Các ông không thể tin những người sở hữu thứ đặc sản tồi tệ như vậy được”.
Và thật dễ đoán, đoạn bình luận trên đã tràn ngập trên mặt các tờ báo lá cải ở Anh, nhưng chỉ sau đó vài ngày, người Anh lại được phen mừng rỡ khi London giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội 2012.
Tổng thống Reagan với nước Nga
Một câu nói đùa vô ý của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong thời kỳ cao độ của cuộc Chiến tranh Lạnh đã mang lại những ảnh hưởng tồi tệ cho ông.
Trước một bài phát biểu đọc trên sóng phát thanh hồi tháng 8/1984, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã thử giọng và nói đùa: “Hỡi những người dân Mỹ, ngày hôm nay, tôi vui lòng thông báo với các bạn rằng tôi đã ký một đạo luật nhằm đặt Nga ngoài vòng pháp luật mãi mãi. Chúng tôi sẽ bắt đầu ném bom trong 5 phút nữa”.