Tại các Trung tâm Hồi sức Covid-19 điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch, đôi khi sự sống được quyết định chỉ trong một vài phút giây ngắn ngủi.
Cấp cứu thành công 2 ca nguy kịch trong cùng một thời điểm
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức (đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13, TP HCM) có 5 khu nhà điều trị tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện. Bên trong nhà N4 của Trung tâm này có hơn 50 giường bệnh, được chia thành 2 dãy, xếp lần lượt ở hai bên tường của khu điều trị, bên cạnh được gắn chặt các thiết bị trợ thở. Âm thanh tại đây gần như không nghỉ bởi tiếng bộ đàm, tiếng của các thiết bị đo chỉ số sinh tồn của bệnh nhân.
BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Việt Đức kể lại: “Chúng tôi vừa cứu sống 1 bệnh nhân nguy kịch. Bệnh nhân còn rất trẻ, bị Covid-19 trên nền viêm cơ tim cấp, mới nhập viện được 1 hôm. Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn đáp ứng với thở ôxy dòng cao HFNC nhưng đến hôm nay diễn biến rất nhanh. Trước khi cấp cứu khoảng 30 phút, bệnh nhân khó thở. Chúng tôi đã nỗ lực thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng. Do đó, chúng tôi phải quyết định đặt ống thở sớm cho bệnh nhân”.
Chia sẻ rằng các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đã hồi phục, BS Hạnh nói thêm: “Tôi áp lực chứ, lúc đó, bản thân phải huy động mọi kỹ năng, kiến thức để tập truy tìm nguyên nhân để xem bệnh nhân đang gặp vấn đề gì để xử trí một cách tối ưu nhất, nhanh nhất. Chúng tôi rất vất vả và nguy hiểm, bởi trong cùng một thời điểm, 2 bệnh cùng diễn biến nặng nên phải chia đôi nhân lực để kiểm soát 2 bên. May mắn là đã đặt nội khí quản thành công và tình trạng bệnh nhân tạm ổn định.
BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vào TP HCM chống dịch từ đầu tháng 8/2021. Trong gần 50 ngày lăn lộn trong khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, BS Hạnh cùng đồng đội thường xuyên gặp những tình huống một vài ca bệnh cùng lúc trở nặng. Nằm ở nhà N4 chủ yếu là những bệnh nhân thở ôxy dòng cao HFNC, bệnh nhân chuyển nặng, có nhiều bệnh nền và diễn biến nhanh. Tất cả bệnh nhân đều có thể có nguy cơ nặng lên bất cứ lúc nào, nên kíp trực luôn trong tâm thế sẵn sàng cấp cứu” - BS Hạnh cho hay.
Xét nghiệm 12 giờ mỗi ngày
Mặc dù nằm trong “luồng xanh” - luồng an toàn của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế (Bệnh viện dã chiến số 14, tại quận Tân Phú, TP HCM) nhưng phòng xét nghiệm lại luôn trong tình trạng đóng chặt, bởi đây là nơi tập trung các mẫu dịch tễ của bệnh nhân mắc Covid-19.
Nhân viên y tế nơi đây cũng chẳng khác nào những bác sĩ đang “căn” tưng giây để dõi theo chỉ số sinh tồn ở bên kia khu điều trị bệnh nhân nguy kịch. Bởi họ cũng mặc đồ bảo hộ, cũng “luôn chân luôn tay” làm mẫu. Đặc biệt, với số lượng bệnh nhân luôn trên 300 người thì tổ xét nghiệm của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế phải luôn trực 24/24 giờ.
Mặc dù chỉ có 18 thành viên, trong đó có 6 thành viên phụ trách xét nghiệm PCR nhưng để đáp ứng mẫu xét nghiệm của hơn 300 bệnh nhân, Tổ xét nghiệm phải chia thành 4 kíp, trực 24/24 giờ. Riêng Trưởng khoa Xét nghiệm - TS.BS Tôn Thất Ngọc, thì ca làm việc có thể kéo dài đến 12 giờ một ngày.
BS Ngọc trải lòng: “Chỉ có ít nhân sự nên vất vả vậy đó, nhưng anh em ở phòng bệnh còn vất vả, gian truân hơn nhiều. Tổ của tôi phụ trách có 6 nhân sự trực xét nghiệm PCR với các mẫu dịch tễ Covid-19. Còn lại 12 nhân sự sẽ thay nhau phụ trách các xét nghiệm khác như điện giải, đông máu, xet nghiệm sinh hóa… cho bệnh nhân Covid-19”.
Anh Ngọc kể: Cũng giống như nhân sự trong phòng bệnh, nhân viên xét nghiệm phải làm việc trong tinh thần khẩn trương nhất để sớm có kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân. Để đáp ứng thông tin xét nghiệm của bệnh nhân, Tổ xét nghiệm chủ động liên lạc với bộ phận bên trong khu điều trị để lấy mẫu, hoặc liên lạc với bộ phận hành chính để chỉ định các xét nghiệm sớm khi thiếu chỉ định, thiếu mẫu, hoặc bổ sung những cái cần thiết trong điều trị cho bệnh nhân. “Chúng tôi lúc nào cũng quá tải, phải làm việc gấp 3 lần công suất bởi khi các bệnh viện vào đây hỗ trợ đều chưa từng làm việc với tốc độ khủng khiếp như hiện nay” - anh Ngọc trải lòng.
Khi dịch Covid-19 tại TP HCM bắt đầu phức tạp, TS BS Tôn Thất Ngọc đã gác lại tất cả những niềm riêng ấy mà viết đơn tình nguyện, xin vào “tâm dịch” cứu người. Với hàng trăm, hàng ngàn mẫu dịch tễ đang bày ra trước mắt, anh Ngọc gạt đi những nỗi nhớ về con, những sự vui vẻ của cô con gái lớn vừa khoe về những ngày bước vào lớp 8, về cô con gái út 8 tuổi đang rất hào hứng với dư âm những ngày đầu nhập trường học trực tuyến. Anh cũng đành gạt đi cả những câu hỏi thăm chứa đầy sự quan tâm, lo âu từ các con “bố có mệt không”, “bố ăn cơm chưa”… để “chạy đua” với sự sống của bệnh nhân.
Anh Ngọc bảo, những ngày “lao” vào “chiến trận” người vợ của anh chính là hậu phương để anh vững niềm tin nơi “chiến trận”. Song, để chạy đua với cuộc chiến sinh tử của bệnh nhân, anh Ngọc đã gác lại nỗi niềm riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi với anh, nhiệm vụ hoàn thành luôn tỷ lệ thuận với khoảng cách của ngày được trở về bên những khoảng không gian quen thuộc.