Thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể được xem là di sản quý báu trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng nó lại không gây ấn tượng với những nhà phê bình có tư tưởng hoài nghi khi quan ngại rằng nó không có gì chắc chắn và có thể đi chệch đường ray bất cứ lúc nào.
Ông Obama xem thỏa thuận đạt được là một bước tiến lịch sử,
trong khi nhiều nhà phê bình không chia sẻ quan điểm này. (Nguồn: Telegraph).
Ông Obama hôm 15/7 đã có bài phát biểu tán dương thỏa thuận đạt được ở Vienna như một nhân tố giúp thế giới an toàn hơn. “Thỏa thuận này cho thấy chính sách của nước Mỹ có thể mang đến những thay đổi thực tế và có ý nghĩa, thay đổi có thể khiến đất nước chúng ta và cả thế giới an toàn hơn” - ông Obama tuyên bố.
Sau 18 ngày đàm phán tại thủ đô Vienna của nước Áo, Mỹ và Iran đã nỗ lực tháo ngòi căng thẳng trong mối quan hệ thù địch suốt thập kỷ qua. Thỏa thuận dài 159 trang mới đạt được đã vạch ra rằng, Tehran cần phải hạn chế chương trình phát triển hạt nhân trong nước để đổi lấy việc gỡ bỏ cấm vận.
Ngay khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận rằng Iran đã tuân thủ thỏa thuận trên, họ sẽ cho phép gỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU từng áp đặt đối với Tehran trước đó. Và như vậy, đất nước có dân số 75 triệu dân được xem là một trong những nguồn dự trữ năng lượng lớn nhất thế giới sẽ phá bỏ thế bị cô lập. Các lệnh trừng phạt đối với Iran dự kiến sẽ được gỡ bỏ trong khoảng thời gian 6 tháng.
Tuy nhiên, các nhà phê bình, giới chính trị gia và ngay cả một số đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông lại không chia sẻ quan điểm trên; đa số đều cho rằng thỏa thuận này có khi lại giúp họng súng hạt nhân của Iran trở nên nguy hiểm hơn.
Điểm yếu dễ thấy nhất của thỏa thuận này lại chính là các chính sách của nước Mỹ. Tổng thống Barack Obama chỉ có 60 ngày để thuyết phục Quốc hội để thông qua thỏa thuận này, trong khi các nghị sỹ đảng Cộng hòa vốn có tư tưởng phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran lại đang giành ưu thế trong Quốc hội; đó là còn chưa kể nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ của ông Obama cũng không hứng thú gì với việc đàm phán với Tehran.
Các văn bản trong thỏa thuận nêu rõ rằng Iran cần phải giảm kho uranium được làm giàu ở mức thấp khoảng 98%, đóng cửa 2/3 các lò phản ứng và cho phép các thanh tra viên của LHQ tiếp cận các cơ sở hạt nhân trong vòng 25 năm tới. Tuy nhiên, một số cơ sở hạt nhân tiên tiến nhất mà Iran đang sở hữu lại không bị kiểm soát, điều này khiến nhiều nhà phê bình vốn có quan điểm cáo buộc Tehran có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân có lý do để kêu gọi bác bỏ thỏa thuận trên.
Vậy nên chỉ vài giờ sau khi Nhà Trắng tuyên bố thỏa thuận này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner lên án thỏa thuận này, cho rằng “thay vì việc ngừng sự lan tràn của vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, thỏa thuận này dường như châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu”.
Thượng nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng chỉ trích gay gắt thỏa thuận Vienna, nói rằng: “Iran sẽ tiếp tục là nước bảo trợ khủng bố hàng đầu thế giới. Việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ giúp chính quyền Tehran thu được khoản tiền lớn đủ để trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với Mỹ và các đồng minh”.
Theo Nhà Trắng, thỏa thuận mới đạt được với Iran sẽ giúp Mỹ đảm bảo được sự an toàn cho các đồng minh ở Trung Đông nhờ “tháo ngòi hạt nhân” của Tehran, nhưng thực tế cho thấy các nước đồng minh đó lại cực lực phản đối thỏa thuận trên. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 15-7 đã gọi thỏa thuận này là một “sự sai lầm lịch sử”, cho rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm vận với Iran sẽ giúp cho nước này “thu về hàng trăm tỷ USD để vận hành bộ máy khủng bố và mở rộng sự hung hăng của mình khắp Trung Đông”.