Những rừng keo tràm đợi cứu – Bài cuối: Thấp thỏm chờ giá lên

Nghĩa Văn-Nguyễn Quốc 12/04/2023 09:00

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 96.530ha rừng trồng sản xuất, trong đó diện tích rừng trồng cây keo các loại trên 82.000ha. Còn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 77.000ha rừng trồng, trong đó phần lớn là diện tích rừng trồng keo tràm. Tuy nhiên, giá lao dốc, người trồng tràm cũng như doanh nghiệp thu mua gặp nhiều khó khăn.

Nhiều công ty tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã tạm dừng thu mua keo tràm do hàng tồn kho còn nhiều, không xuất khẩu được.

Để giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho người trồng rừng, các địa phương ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển dần sang trồng cây lâu năm, giá trị kinh tế cao hơn, thay vì tập trung vào trồng keo tràm. Tuy nhiên, kết quả cũng không thể đến trong ngày một ngày hai.

Người đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” cũng gặp khó khăn

Có thời gian chế biến và thương mại sản phẩm gỗ được coi là động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp, trở thành một ngành chủ lực, mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2022 là một năm có sự gia tăng đột biến đối với giá nguyên liệu gỗ rừng trồng. Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2021 giá nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt mức 1.050.000 đồng/tấn và cao điểm từ tháng 7-8/2022 giá gỗ nguyên liệu rừng trồng tăng lên mức 1.430.000 - 1.480.000 đồng/tấn. Trong năm 2022 sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây phát tán trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 1,2 triệu tấn (đạt 121,3% so với năm 2021), giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 110,2 triệu USD. Việc giá gỗ nguyên liệu tăng đã đem lại nguồn thu, lợi nhuận rất cao cho người trồng rừng.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, giá gỗ nguyên liệu rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã giảm mạnh so với năm 2022. Ông Cáp Quốc Hà (50 tuổi, trú tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng), người được bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022” cho biết, ông cùng với nhiều người thân trong gia đình đầu tư trồng gần 200ha rừng. Vừa qua, gia đình ông thu hoạch khoảng 18ha rừng trồng với sản lượng đạt trên dưới 1.000 tấn gỗ. Lúc đầu bán được gần 1,3 triệu đồng/tấn, sau đó giảm xuống 1,1 triệu đồng/tấn và khoảng 100 tấn gỗ cuối cùng trong đợt thu hoạch này chỉ bán được với giá 900 nghìn đồng/tấn.

Còn theo ông Thái Ngọc Châu - Chủ tịch UBND huyện Đakrông, giá gỗ rừng sản xuất trên địa bàn cũng giảm theo thị trường. Cụ thể, sau khi tăng cao vào năm 2022 (gần 1,5 triệu đồng/tấn), hiện nay, giá gỗ rừng trồng tại huyện này đang bán với giá khoảng 900 nghìn đồng/tấn. Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, hiện giá thu mua gỗ keo, tràm nguyên liệu tại địa phương giao động ở mức 950 - 980 nghìn đồng/tấn.

Toàn tỉnh Quảng Trị có 50 nhà máy kinh doanh chế biến lâm sản được cấp phép đầu tư hoạt động. Tuy nhiên hoạt động của các nhà máy cầm chừng do giá nguyên liệu xuống thấp.

Người trồng rừng lo lắng vì keo tràm rớt giá.

Nhiều chủ rừng tạm dừng thu hoạch keo tràm

Tại huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế), hiện có khoảng 7.000ha rừng trồng keo tràm. “Vào thời điểm được giá, cứ mỗi ha rừng keo sau khi thu hoạch, trừ đi mọi chi phí, người trồng lãi khoảng từ 70-85 triệu đồng/ha. Nhờ đó đem lại nguồn thu ổn định, đời sống của gia đình cũng được nâng lên” - anh Hồ Văn Rin (trú tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông) cho hay.

Nhưng kể từ đầu năm đến nay, giá keo tràm xuống thấp khiến người trồng rơi vào tình cảnh lao đao. Nếu như vào năm 2022 giá cây keo tràm dao động từ 1,3-1,4 triệu đồng/1 tấn thì trong vòng những tháng trở lại đây, giá keo tràm bất ngờ rớt xuống chỉ còn khoảng trên dưới 900 nghìn đồng/tấn khiến thu nhập của các hộ dân trồng keo tràm giảm sút nghiêm trọng. Do đó nhiều chủ rừng đã quyết định tạm dừng thu hoạch keo tràm dù cây đã lớn.

“Việc giá keo tràm ngày càng xuống giá khiến người trồng ngày càng lao đao, không mấy mặn mà để khai thác loại gỗ này” - anh Rin tâm sự.

Tương tự, ông Hồ Văn Cho (cũng trú tại huyện Nam Đông) cho biết, gia đình ông có 5ha trồng keo tràm đang vào vụ thu hoạch, nhưng giá cả rớt từng ngày, không thể bán vì không có lời. “Mọi chi phí hiện tại quá cao từ xăng dầu cho đến thuê nhân công… trong khi giá cả lại xuống thấp nên gia đình quyết định không thu hoạch đợt này, chờ một thời gian nữa giá cả ổn định rồi tính tiếp” - ông Cho tâm sự.

Còn tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhiều hộ dân trồng keo tràm cũng quyết định ngừng thu hoạch mặc dù cây đã đến tuổi để xuất bán. Bởi lẽ, theo người dân việc giá cả các mặt hàng thời gian qua đều tăng nhanh thế nhưng giá keo tràm lại xuống thấp khiến người nông dân không mấy mặn mà.

Anh Lê Văn Minh (trú tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) cho rằng, với giá keo tràm như hiện nay, nếu thu hoạch người nông dân cũng không có lãi. “Do đó, nhiều hộ dân đã quyết định tạm dừng thu hoạch và chờ một thời gian nữa để chờ giá lên rồi sẽ tính tiếp” - anh Minh tâm sự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Huế (có trụ sở đóng tại huyện Phú Lộc) cho rằng gỗ keo tràm hạ giá có nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân lớn nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả cây keo tràm là do các công ty chế biến lâm sản đang “bí” đầu ra, lượng hàng tồn kho nhiều không bán được dẫn đến giá cả cũng bị ảnh hưởng. Do tình hình kinh tế thế giới, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản… không xuất được sản phẩm bột giấy nên lượng nguyên liệu mà các công ty này nhập về cũng giảm theo. “So với trước đây, mỗi ngày công ty thu mua hàng trăm tấn keo tràm, thì nay công ty chúng tôi cũng đã phải tạm dừng thu mua gỗ keo tràm để xuất khẩu bớt những mặt hàng còn tồn kho, sau đó sẽ tính đến việc thu mua keo tràm cho bà con trong thời gian tới” - đại diện công ty cho biết.

Mặt khác, việc cây keo tràm xuống giá là do thị trường của loại gỗ này bị thu hẹp. Xu hướng của thị trường trong và ngoài nước thời gian gần đây hướng đến những loại gỗ chất lượng, trong khi đó đại bộ phận người dân trồng keo tràm chỉ 4-5 năm là thu hoạch nên chất lượng gỗ đôi khi không như mong muốn. Do vậy, nguồn cung tuy lớn nhưng nhu cầu bị hạn chế đã khiến loại gỗ này bị rớt giá.

Ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, việc gỗ keo, tràm hạ giá đã phần nào gây ảnh hưởng cho người dân, đặc biệt là những người lao động được các chủ rừng thuê về khai thác keo tràm. Thời gian qua, để trồng rừng bền vững, huyện cũng đã tuyên truyền, triển khai dự án rừng trồng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC. Vận động người dân chuyển hướng sang rừng trồng gỗ lớn để hạn chế chi phí và nâng cao giá trị rừng trồng, tiến tới tăng thu nhập. Trong đó, tập trung vào rừng keo tràm được trồng theo chứng chỉ FSC, hướng đến trồng rừng kinh tế bền vững.

Được biết, những năm gần đây, để giải quyết bài toán chất lượng gỗ rừng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã hướng đến các mô hình rừng trồng gỗ lớn. Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 ha rừng trồng gỗ lớn được triển khai với sự tham gia của hàng trăm hộ dân. Những loại gỗ này được trồng theo tiêu chuẩn chất lượng chuẩn FSC được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020. Mục tiêu là phát triển thêm khoảng 9.900ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo, trong đó có khoảng 1.200 ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn rừng trồng gỗ lớn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đầu năm người trồng keo tràm bán được gần 1,3 triệu đồng/tấn, sau đó giảm xuống 1,1 triệu đồng/tấn và khoảng 100 tấn gỗ cuối cùng trong đợt thu hoạch này chỉ bán được với giá 900 nghìn đồng/tấn. Do giá xuống thấp nên nhiều hộ dân đã quyết định tạm dừng thu hoạch. Trong khi đó các công ty nguyên liệu giấy do “bí” đầu ra, lượng hàng tồn kho nhiều không bán được, nên cũng đã phải tạm dừng thu mua gỗ keo tràm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những rừng keo tràm đợi cứu – Bài cuối: Thấp thỏm chờ giá lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO