Thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ chưa biết cách sắp xếp, lưu trữ thực phẩm dẫn đến tình trạng lãng phí.
Những sai lầm khi tích trữ thực phẩm
Tích trữ quá nhiều thực phẩm trong thời gian dài: Tích trữ thực phẩm là chủ đề nóng trong những ngày giãn cách xã hội. Mặc dù siêu thị, chợ vẫn mở cửa với nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm nhưng bắt nguồn từ tâm lý lo lắng, nhiều bà nội trợ vẫn đổ xô đi mua sắm thực phẩm tươi sống, rau, củ quả, đồ khô để tích trữ. Tuy nhiên, thực phẩm để lâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho hay, mọi loại protein (có trong thịt, cá, trứng, sữa...) nếu bảo quản không tốt, bị vi sinh vật tấn công sẽ sản sinh ra những độc chất như nitrit, amoniac. Việc hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người dùng. Do đó, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong thời gian dài sẽ gây mất an toàn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Tâm lý “tiếc của”: Củ quả thường để được lâu hơn rau xanh, tuy nhiên, dưới tác động của không khí, nhiệt độ, độ ẩm, nhiều loại củ, quả sẽ mọc mầm hoặc hỏng một phần nếu tích trữ lâu. Khi đó, nếu vì tâm lý “tiếc của” mà ăn thực phẩm này thì có thể dẫn đến hậu họa cho sức khỏe. Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm tươi sống hay thực phẩm đã chế biến để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn. Việc tích trữ đồ ăn chật cứng trong tủ lạnh có thể khiến khí lạnh không thể lưu thông, tủ lạnh sẽ bị nóng lên và các vi khuẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường sẽ phát triển.
Coi tủ lạnh là chiếc máy “thần kỳ”: Nhiều người nội trợ cứ nghĩ mua thực phẩm về bỏ tủ lạnh sẽ dùng được lâu. Rau xanh bỏ ngăn lạnh, thịt cá bỏ ngăn đông là an tâm không cần đi chợ. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trịnh Khánh Sơn - Khoa công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, đây là suy nghĩ sai lầm, cần điều chỉnh. Nếu không biết cách bảo quản từng loại thực phẩm, chiếc tủ lạnh trong nhà sẽ trở thành môi trường thuận lợi sinh ra các chất độc hại, gây ngộ độc thực phẩm.
Bảo quản thực phẩm không đúng cách: Với thực phẩm khô như đậu nành, lạc, hạt điều, ngô... nhiều người do thói quen tiết kiệm nên không hủy bỏ thực phẩm bị mốc mà rửa và phơi nắng để sử dụng lại. Tuy nhiên, nếu không được xử lý và bảo quản đúng cách thì khi tích trữ lâu, những thực phẩm này dễ bị nấm mốc, sâu mọt, vi khuẩn xâm nhập, tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe.
Làm thế nào để tránh lãng phí thực phẩm trong mùa dịch
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên trữ thực phẩm vì tốt nhất là ăn đồ tươi sống. Nếu không đi lại thường xuyên được thì mua đủ dùng trong 2-3 ngày và bảo quản đúng đặc tính của từng loại thực phẩm để có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Cao Thị Hậu, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng, trong điều kiện mua sắm khó khăn, đông lạnh là phương pháp được khuyến khích để dự trữ thực phẩm. Dưới đây là 4 lời khuyên để chống lãng phí thực phẩm tại nhà:
Mua sắm thông minh: Hầu hết người tiêu dùng mua nhiều thực phẩm hơn mức cần thiết, bởi vì mua số lượng lớn thường rẻ và thuận tiện hơn. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa thực phẩm. Để tránh lãng phí hãy lập danh sách ưu tiên mua những thứ quan trọng hơn. Đồng thời, loại bỏ bớt những mặt hàng không thực sự cần thiết cho dù đang được khuyến mãi.
Bảo quản thực phẩm đúng cách: Cần phân loại cách bảo quản cho từng thực phẩm. Ví dụ, khoai tây, tỏi và hành tây để bên ngoài tốt hơn so với để trong tủ lạnh. Tương tự, các loại thực phẩm như chuối và bơ không nên để cùng rau xanh hoặc quả mọng để không bị hư thối.
Áp dụng phương pháp FIFO: Với phương pháp FIFO (first-in, first-out, tức "vào trước, ra trước"), thực phẩm nào mua trước sẽ mang ra sử dụng trước và buộc phải sử dụng hết những thực phẩm này trước khi mua thêm để tránh lãng phí.
Tận dụng sau chế biến: Vỏ của các loại rau quả như: táo, khoai tây, cà rốt, dưa chuột, chuối và xoài chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Do đó, tận dụng các vật phẩm này là một trong những cách chống lãng phí hiệu quả. Thay vì vứt bỏ những thực phẩm không còn sử dụng, ủ thành phân bón hữu cơ cho cây trồng vừa chống lãng phí vừa thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng cũng lưu ý người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn để tích trữ trong thời gian giãn cách. Khi mua thực phẩm tươi sống, nên chọn mua ở nơi uy tín, nơi đảm bảo nhiệt độ bảo quản an toàn, còn nhãn mác, rõ nơi sản xuất và thời hạn sử dụng.
Với thực phẩm đóng hộp, ngoài xem kỹ thời hạn sử dụng thì cần chú ý không mua nếu sản phẩm bị phồng ở phần nắp hoặc thân hộp, vì khi đó rất có thể sản phẩm đã hỏng và mang độc tố gây chết người như Botulinum.