Những sai lầm thường mắc khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu

K.Huyền (tổng hợp) 07/08/2023 16:53

Nếu không chăm sóc đúng cách, bệnh thủy đậu có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Người dân không nên chủ quan với bệnh thủy đậu. Nguồn: SKĐS.

Theo SKĐS, thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên. Mùa hè cũng là thời điểm xuất hiện nhiều ca thủy đậu.

Thủy đậu có thể gặp ở nhiều đối tượng, chủ yếu là trẻ em nhưng cũng có nhiều trường hợp người lớn mắc thủy đậu. Ở người lớn, sau một thời gian ủ bệnh từ 10-21 ngày, bệnh sẽ có những biểu hiện ngoài da kèm theo triệu chứng toàn thân như: Cơ thể sẽ xuất hiện nốt phỏng nước kèm ngứa ngáy, sốt, ăn không ngon, cơ thể mệt mỏi.

Sau 7 ngày, các mụn nước mới ngừng xuất hiện. Từ 10-14 ngày mụn nước bắt đầu đóng vảy sau đó bong ra.

Bệnh thủy đậu thường mắc một lần trong đời. Người bệnh có thể lây cho người lành thông qua các tiếp xúc trực tiếp hoặc đường hô hấp như khi:

- Người bệnh hắt hơi, sổ mũi, nói, ho… siêu vi sẽ theo nước bọt, dịch tiết ra ngoài và tồn tại trong môi trường. Khi người lành hít phải siêu vi sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

- Tiếp xúc trực tiếp với tổn thương trên da

- Bệnh cũng có thể lây lan qua đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như quần áo, khăn, ga trải giường… nếu có chất dịch từ người bệnh.

- Trong trường hợp phụ nữ mang thai mắc thủy đậu, trẻ sinh ra sẽ mang mầm bệnh. Và khi gặp điều kiện thuận lợi, virus sẽ phát triển và gây bệnh.

Thủy đậu là một bệnh dễ lây nhiễm. Do đó, người mắc thủy đậu nên tự cách ly trong khoảng 7-10 ngày từ khi phát bệnh.

Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu

Rất nhiều người có suy nghĩ sai lầm trong quá trình chăm sóc thủy đậu khiến bệnh trở nặng như kiêng tắm khiến các vết thương bị bội nhiễm; hay việc tắm nước lá, dùng các loại thuốc bôi không rõ nguồn gốc bôi lên mụn nước. Điều này làm các nốt phỏng nước vỡ ra, tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây biến chứng nặng nề. Không những vậy, khi chăm sóc không đúng cách, các vết thương do thủy đậu thường để lại sẹo lõm, ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, việc chà xát làm vỡ các mụn nước là cơ hội để virus lây lan ra môi trường xung quanh và tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người lành.

Ở trẻ em, thủy đậu được xem là bệnh lành tính. Tuy nhiên đối với những trường hợp mắc thủy đậu trên nền bệnh người già hoặc người dùng các thuốc ức chế miễn dịch hay béo phì, tiểu đường, ung thư sẽ có nguy cơ cao biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm màng não thậm chí tử vong.

Vì vậy khi có biểu hiện mắc thủy đậu, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm. Việc dùng thuốc kháng virus sớm sẽ làm tăng hiệu quả điều trị và tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh thủy đậu có thể điều trị bằng các thuốc bôi và thuốc kháng virus. Tuy nhiên, trường hợp nặng có biểu hiện viêm phổi, não, suy đa tạng thường gặp khó khăn trong điều trị, tiên lượng nặng, nguy cơ cao tử vong.

Ở trẻ nhỏ, các vết thương do thủy đậu thường gây ngứa dẫn tới phản xạ gãi. Để tránh việc trẻ gãi và làm vỡ mụn nước, có thể sử dụng thuốc kháng histamin.

Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa bằng vaccine thủy đậu, tuy nhiên hiện nay số người tiêm còn rất ít. Vì vậy, cách tốt nhất phòng ngừa thủy đậu và hạn chế biến chứng của bệnh là tiêm vaccine.

Dân gian thường quan niệm mắc thủy đậu không nên tắm, nên trùm chăn kín để tránh rạ (mụn nước) mọc thêm. Tuy nhiên, quan niệm này là không đúng. Người bệnh mắc thủy đậu nên vệ sinh tắm rửa bằng nước ấm và ở nơi kín gió. Việc kiêng tắm rửa có thể gây mất vệ sinh trên da, dẫn tới bội nhiễm.

Tuyệt đối tránh dùng các loại nước lá để tắm, chà xát lên da, điều này dễ gây nhiễm trùng và các biến chứng nặng nề. Bệnh nhân mắc thủy đậu không được dùng cồn hoặc các chất sát khuẩn để vệ sinh các vết thương.

Người mắc bệnh thủy đậu nên tăng cường các thực phẩm có chứa vitamin C để tăng miễn dịch, giúp bệnh nhanh khỏi. Khi nhiễm thủy đậu, bệnh nhân có thể bị tổn thương ở ngoài da, tổn thương niêm mạc gây khó khăn trong việc ăn uống. Vì vậy nên lựa chọn những đồ ăn mềm, lỏng, nguội. Không nên lựa chọn đồ ăn cứng, cay nóng, khó tiêu.

Cách phân biệt nốt phỏng nước tay chân miệng với bệnh thủy đậu

Rất nhiều cha mẹ bị nhầm lẫn giữa vết phỏng nước do bệnh tay chân miệng với bệnh thuỷ đậu. Dưới đây là cách phân biệt hai dạng phỏng nước này.

Khi mắc tay chân miệng, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Bệnh tay chân miệng có nốt phỏng nước tập trung tại các vùng lòng bàn tay, bàn chân, mông,..

Có thể phân biệt giữa nốt phỏng do bệnh tay chân miệng ở trẻ và bệnh thủy đậu như sau:

- Đối với bệnh tay chân miệng thì nốt phỏng nước tập trung tại các vùng lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Trong khi bệnh thủy đậu thì xuất hiện các nốt phỏng nước có khuynh hướng mọc rải rác toàn thân.

- Mụn nước của thủy đậu thường to và mỏng hơn. Mụn nước của tay chân miệng không đau trong khi mụn của thủy đậu thì gây ngứa và đau nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những sai lầm thường mắc khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO