Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật. Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Để góp phần giảm rác thải nhựa tại vùng biển, thời gian qua, các địa phương đã có những mô hình hay và hiệu quả.
Ô nhiễm rác thải nhựa – báo động
Ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương. Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).
Mặt khác, những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong và nước ngoài. Vì vậy, khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam ngày càng tạo áp lực cho các bờ biển. Nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hạ Long, tại một số đảo như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm..., đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng.
Đáng lo ngại, chất thải nhựa có kích thước micro (nhỏ, < 5 mm) hình thành trong quá trình sản xuất, hoặc phân mảnh vật liệu nhựa tồn tại dưới dạng vật chất lơ lửng và trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật gây ra những tác động đáng kể tới các hệ sinh thái biển.
Những sáng kiến cần được nhân rộng
Nhận thức được tầm quan trọng của ô nhiễm biển nói chung và ô nhiễm do rác thải nhựa nói riêng ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã đưa ra những văn bản quan trọng mang tính chiến lược như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biên; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường”.
Cùng với đó, các địa phương cũng đã có rất nhiều giải pháp, sáng kiến để góp phần giảm rác thải nhựa tại vùng biển. Điển hình như Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế với mô hình “Câu lạc bộ ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” tại xã Phú Thuận và phường Thuận An đã tiến hành hỗ trợ 60 thùng rác, phân loại rác tại các tàu, thuyền của vùng thực hiện dự án nhằm thực hiện các công tác thu gom, phân loại trong các hoạt động trên biển. Mỗi thành viên (thuyền) được hỗ trợ 1 thùng rác 240 lít để chứa rác thải vô cơ và 1 thùng rác 120 lít để chứa rác thải hữu cơ.
Từ khi thành lập đến nay, hai câu lạc bộ đã hoạt động rất hiệu quả, qua 8 đợt ra khơi đánh bắt đã thu gom hơn 7,5 tấn rác thải. Ngoài ra CLB cũng duy trì việc đánh bắt sản đảm bảo không ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm môi trường, tiến hành vớt rác trên biển, nhất là đối với rác thải nhựa và ni lông.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thừa Thiên – Huế cũng đã xây dựng các mô hình “Thôn không rác thải”, hỗ trợ thùng rác hợp vệ sinh phân rác tại nguồn. Kết quả đã hỗ trợ vật tư và đào tạo kỹ thuật cho các thành viên tham gia mô hình trong vấn đề liên quan đến xử lý, phân loại rác thải và rác thải nhựa. Hỗ trợ và xây dựng 569 bộ 3 thùng rác hợp vệ sinh phân rác tại nguồn; 629 giỏ đi chợ cho người dân. Đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn về hướng dẫn phân loại, thu gom rác tại nguồn, ứng dụng vi sinh trong xử lý rác hữu cơ với hơn 200 hộ gia đình tham gia, qua đó thực hiện có hiệu quả mô hình, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường.
Theo lãnh đạo Tỉnh đoàn Thừa Thiên – Huế, “Thôn không rác thải” là một trong những mô hình trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, ý thức sống xanh. Mô hình còn thực hiện mục tiêu gắn phát triển du lịch biển, đầm phá và kinh tế biển với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương...
Hay như Tỉnh đoàn Quảng Ninh với chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, không dừng lại ở hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác thải, Đoàn thanh niên các địa phương còn phối hợp trồng cây chắn cát, trồng rừng ngập mặn, trồng rừng dọc các tuyến biên giới, bờ biển, bãi bồi nhằm hoàn nguyên môi trường; huy động nguồn lực tham gia lắp đặt, sử dụng, quản lý thùng rác, biển hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các bãi biển...
Chương trình “Làm sạch biển” được tổ chức tại 28 tỉnh thành phố có biển trên phạm vi toàn quốc, trong thời gian 5 năm (2021 – 2026) cũng đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Đây là chương trình hành động nhằm dọn sạch rác thải môi trường biển, hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề rác thải, kêu gọi mọi người chung tay hành động bảo vệ môi trường biển, tạo phong cách sống xanh, hạn chế biến đổi khí hậu.
Chương trình tập trung vào việc thu gom, dọn sạch rác thải tại bãi biển của các tỉnh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý; tổ chức lắp đặt, trao tặng các thùng rác công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích khách du lịch bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi; trao tặng những phần quà tới các gia đình, học sinh nghèo, cán bộ, chiến sỹ hải quân, biên phòng, các gia đình ngư dân vượt qua khó khăn, tích cực ra khơi, bám biển; tổ chức chương trình nghệ thuật để tiếp tục lan tỏa thông điệp Làm sạch biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển của cộng đồng.
Đưa công nghệ vào giám sát
Cùng với các mô hình bảo vệ môi trường ngày càng lan thì việc đưa công nghệ vào giám sát rác thải nhựa cũng được biết đến như một giải pháp hữu hiệu. Hiện Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên môi trường) đã triển khai xây dựng Dự án “Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám”. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và vùng ven bờ. Đặc biệt, với phương pháp và quy trình công nghệ tiên tiến, Dự án sẽ cho phép các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện và tiến hành giám sát trên diện rộng đối với các bãi, đám rác thải nhựa lớn cũng như ảnh hưởng của chúng tới môi trường sinh thái.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, công nghệ viễn thám sử dụng các loại ảnh chụp từ không gian với diện tích phủ trùm lớn, tần suất chụp lặp lại ngày càng cao, cung cấp thông tin được thu nhận trên nhiều kênh khác nhau sẽ là công cụ hữu hiệu, hỗ trợ và khắc phục một số mặt hạn chế của công tác quan trắc trực tiếp trên biển. Bên cạnh đó, do dữ liệu viễn thám SAR rất nhạy cảm với độ nhám của các đám rác thải nhựa so với bề mặt xung quanh nên có thể được khai thác để phát hiện, khoanh vẽ và giám sát các khu vực có ô nhiễm rác thải nhựa.